1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gia Lai:

Vườn cà phê khô hạn, nông dân "tố" công ty bò sữa chặn nước tưới

(Dân trí) - Nông dân trồng cà phê sử dụng nước tưới dưới hạ nguồn suối Ia Châm (huyện Ia Grai, Gia Lai) "tố" Công ty CP bò sữa Tây Nguyên, thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chặn dòng suối để bơm nước tưới cỏ khiến lượng nước tưới cà phê của nông dân bị thiếu hụt.

Nhiều người trồng cà phê ở một số thôn thuộc xã Ia Tô (Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho biết, vào mùa khô hàng năm, họ đều sử dụng nguồn nước tại suối Ia Châm để tưới cà phê. Tuy nhiên, hiện tại lưu lượng nước ở con suối này giảm kỷ lục khiến họ không có đủ nước tưới cho vườn cà phê nhà mình, dẫn đến nhiều diện tích cà phê chưa ra hoa đúng thời vụ, nhiều vườn đang rơi vào tình trạng khô héo.

Anh Lê Văn Việt (43 tuổi, trú xã Ia Tô) cho biết, gia đình anh có 7,5 sào cà phê. Do thiếu nước trầm trọng nên ngày nào anh cũng “ăn chực nằm chờ” tại vườn cà phê để canh nước tưới, nhưng gần nửa tháng nay vẫn chưa có nước để tưới đủ cho vườn cà phê.

Mương dẫn nước tưới vào vườn cà phê của nông dân xã Ia Tô cạn tận đáy.
Mương dẫn nước tưới vào vườn cà phê của nông dân xã Ia Tô cạn tận đáy.

Một chủ vườn cà phê bên cạnh vườn nhà anh Việt cũng cho biết chưa khi nào vườn cà phê bị thiếu nước thê thảm như năm nay. Năm nay, nhiều hecta cà phê đang đứng trước nguy cơ bị mất trắng.

Nhiều cây cà phê đang chuẩn bị nở hoa nhưng héo úa vì không có nước tưới
Nhiều cây cà phê đang chuẩn bị nở hoa nhưng héo úa vì không có nước tưới

Những người nông dân trên cho biết thêm, dù thiếu nước trầm trọng nhưng những vườn cà phê nhà họ còn may mắn hơn nhiều vườn cà phê khác. Bởi những diện tích cà phê của họ chỉ cách con suối Ia Châm chừng 500m nên còn “vơ vét” được ít nước để tưới, còn những vườn cà phê xa hơn thì không có nước, đang rơi vào tình trạng khô héo. “Cô chỉ cần lên trên đây 1 đoạn thì sẽ thấy nhiều vườn cà đang chết khô, họ không có lấy 1 giọt nước để tưới luôn”, ông Việt xót xa.

Suối Ia Châm, đoạn qua xã Ia Tô đang bị cạn khô dần
Suối Ia Châm, đoạn qua xã Ia Tô đang bị cạn khô dần

Trước tình trạng trên, nhiều người nông dân đã tìm hiểu thì phát hiện phía trên thượng nguồn suối Ia Châm (đoạn qua làng O Gia, Ia Pếch), lòng suối đã bị đắp đập, khiến lưu lượng nước chảy về phía hạ lưu bị giảm. “Chúng tôi nghe nói đó là đập do Công ty bò sữa của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đắp để bơm nước tưới cỏ cho bò ăn. Chúng tôi có phản ánh thì cũng không làm được gì đâu, cái đó là phía huyện với công ty, chúng tôi là nông dân thì làm được gì”, một người dân phản ánh.

Một con đập được Công ty bò sữa Tây Nguyên chặn đắp tại suối Ia Châm
Một con đập được Công ty bò sữa Tây Nguyên chặn đắp tại suối Ia Châm

Trước sự việc trên, ông Nguyễn Ngọc Thạch- Quản lý nông trường bò sữa Ia Pếch, thuộc tập đoàn HAGL cho biết, trước Tết, phía công ty đã đắp 1 số đập và lắp hệ thống bơm nước tại khu vực suối Ia Châm (đoạn qua làng O Gia). Tuy nhiên, phía công ty mới chỉ bơm nước 3-4 lần vào buổi tối để thử lượng nước và hiện đã dừng bơm. Phía công ty cũng mới chỉ trồng 45 ha cỏ, chưa tưới nước. Vì vậy ông Thạch cho rằng bà con phía hạ nguồn nói thiếu nước tưới do ảnh hưởng của máy bơm nước của công ty là vô lý.

Một con đập khác cũng được đắp gần đó
Một con đập khác cũng được đắp gần đó

Ông Kiên Lơ- Trưởng thôn O Gia cho biết, trạm bơm của Công ty bò sữa đắp đập ở dưới suối khoảng vào cuối tháng 1. Máy tiến hành bơm nước nhiều lần vào buổi tối, mỗi lần bơm với thời gian từ 1-2 tiếng. “Ban ngày họ không bơm nước, họ bơm vào buổi tối, mỗi lần bơm là suối cạn sạch luôn”, ông Kiên Lơ cho biết thêm.

Ông Phan Trung Tường- Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, huyện đã giao chính quyền xã Ia Pếch theo dõi và báo cáo việc bơm nước của Công ty bò sữa Tây Nguyên. Đến nay xã chưa hề báo cáo cho huyện về việc công ty này đã đắp đập ngăn dưới suối.


Máy bơm nước tưới cỏ của công ty bò sữa.

Máy bơm nước tưới cỏ của công ty bò sữa.

Ông Tường cũng cho biết, công ty bò sữa đã đặt máy bơm tại 2 dòng suối Ia Châm và Ia Dáp. Tổng diện tích cây nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi 2 dòng suối này là hơn 1.000 ha cà phê và 14 ha lúa. Và lượng nước tưới của 2 con suối này chỉ đủ phục vụ sản xuất lúa, cà phê trong vùng; riêng suối Ia Châm thì từ năm 2013 đến nay, vào mùa khô, suối Ia Châm không đủ nước cung cấp nước tưới cho cà phê ở xã Ia Tô vào đợt 2 và 3.

Chính vì vậy, chính quyền huyện đã yêu cầu phía công ty bà sữa không được bơm nước tưới vào thời gian từ tháng 1 đến tháng 4, ưu tiên nước để phục vụ cây nông nghiệp cho người dân.

Cánh đồng cỏ của Công ty bò sữa
Cánh đồng cỏ của Công ty bò sữa

“Vì phía công ty cần sử dụng lượng nước lớn từ 2 con suối trên nên theo quy định thì công ty phải có công văn xin phép và dùng nước phải trả tiền chứ không phải tự ý bơm nước được. Chúng tôi không thể vì lợi ích của doanh nghiệp mà để người dân thiệt thòi. Phía chính quyền chưa có bất kì văn bản nào đồng ý cho công ty sử dụng nguồn nước trên. Tôi sẽ yêu cầu chính quyền xã báo cáo việc ngăn đập tại suối của phía công ty”, ông Tường khẳng định.

Thiên Thư