1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ thất thoát phóng xạ: Chưa hết "nóng"!

(Dân trí) - Cả 23 đại diện cho người dân ở tổ dân phố 61 phường Bạch Đằng đều muốn được lên tiếng trong buổi giải trình chiều qua của các cơ quan có trách nhiệm. Những phát biểu thẳng thắn, những câu hỏi đầy tính “chất vấn” đã khiến cho buổi làm việc “nóng” đến tận phút cuối.

5-10 năm nữa ai sẽ chịu trách nhiệm?

 

Ông Phạm Ngọc Hồi, Bí thư chi bộ cụm dân cư số 10 tỏ thái độ gay gắt với việc các cơ quan có trách nhiệm không cảnh báo những nguy hiểm có thể xảy đến cho người dân ngay từ đầu, khi sự việc căng thẳng mới đưa ra lời khuyên với các hộ gia đình là nên láng, bọc nền, tường nhà bằng bê tông, bọc chì. Nhưng dân cư khu vực ngoài đê như ở phường Bạch Đằng này đều là dân lao động nghèo, làm sao có đủ điều kiện làm như vậy.

 

Cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm khắc phục hậu quả vụ việc thất thoát chất phóng xạ của Viện công nghệ xạ hiếm, anh Biền, anh Lai, đại diện cho hai hộ dân số nhà 626 và 630 liền kề với nhà 628 lại đặc biệt nhấn mạnh về hậu quả lâu dài có thể để lại. "Kiểm tra bây giờ bảo an toàn thì cũng chỉ biết thế thôi. Nhưng 5 - 10 năm nữa, khi ông Viện trưởng này về hưu, ông Viện trưởng khác lên thay thì liệu trách nhiệm với việc này sẽ dành cho ai" - anh Biền nói.

 

Cháu nhỏ nhà anh Lai cũng như 5-6 cháu bé khác đã trực tiếp vào nhà chị Hoa, chơi đùa thường xuyên ở sân nhà 628, thậm chí đã tiếp xúc với chất bột lạ là tâm điểm của sự quan tâm, nỗi lo lắng trong dân lúc này. Anh Lai yêu cầu Viện năng lượng nguyên tử VN cũng như Viện công nghệ xạ hiếm phải có văn bản cam kết chịu trách nhiệm với những cháu bé này trong khoảng thời gian 10 - 15 năm tới (thời hạn chất Eu - 152 bán rã).

 

Anh Lai còn đặt ra vấn đề, "tại sao các cơ quan có trách nhiệm không dự trù sự việc trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Theo tôi biết, ở nước ngoài, trong những trường hợp tương tự, người ta thậm chí phải cho di chuyển cả khu dân cư. Việc đó sẽ gây ra sự vất vả, lộn xộn nhưng có thể mang lại yên tâm cho người dân".

 

Trong buổi chiều 9/6, trước khi diễn ra buổi họp dân, Viện năng lượng nguyên tử VN bàn giao lại nhà cho gia đình chị Hoa, nhưng việc bàn giao này cũng "không ổn". Bà Nguyễn Thị Tâm, tổ phó tổ dân phố phát biểu gay gắt: "Việc giao nhà như đã làm là không chính đáng, chúng tôi chưa công nhận. Chúng tôi chưa cảm thấy sự an toàn". Theo bà Tâm, việc bàn giao nhà đã không được báo trước nên cũng không hề có sự chứng kiến của tổ dân phố.

 

Còn rất nhiều câu hỏi khác được đặt ra như việc đào bới, đập phá tường, việc vận chuyển có làm chất phóng xạ bị phát tán ra xung quanh, đặc biệt là liệu nguồn nước đã bảo đảm an toàn chưa để những người "di tản" có thể quay về nhà mình.

 

“Hãy tin nhau!”

 

“Các cơ quan nhà nước đã làm việc nghiêm túc với tất cả khả năng và sức lực có thể có. Chúng tôi đã đo độ nhiễm xạ kĩ lưỡng trong khu vực 200m tính từ ngôi nhà 628 và chỉ có một “gợn” nhỏ từ máy đo cũng được các công nhân xử lí. Hiện tại, phông bức xạ tại số nhà 628 đã trở lại bằng với phông bức xạ của môi trường… Chúng ta hãy tin nhau về điều này”. (TS Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng cục kiểm soát và an toàn bức xạ)

 

Ông Lê Văn Kiều - Chánh thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết: Hiện tại, Bộ chưa thể công bố cụ thể những cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Tạm thời, Bộ đã đình chỉ công tác của một giám đốc Trung tâm quản lý nguồn phóng xạ bị thất thoát và Phó Viện trưởng viện công nghệ xạ hiếm.

Mở đầu bài giải trình với tổ dân phố, ông Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử VN đã xin lỗi và nhận trách nhiệm về việc để thất thoát nguồn phóng xạ, gây ra sự việc vừa qua. "May là hậu quả không nghiêm trọng. Đây là nguồn phóng xạ nhỏ, cường độ nhỏ (phóng xạ Eu-152, ít nguy hiểm, khối lượng 54,8 miligam) so với khoảng hơn 880 vụ thất thoát nguồn phóng xạ từng xảy ra trên thế giới" - ông Tấn giải thích.

 

Theo Viện năng lượng nguyên tử VN, cuối ngày 7/6, hậu quả của vụ việc đã được khắc phục hoàn toàn. Phông bức xạ tại khu vực đã trở lại tương đương với phông bức xạ môi trường, hoàn toàn an toàn cho con người. Các mẫu nước giếng khoan, nước máy và nước cống rãnh được đo bằng những thiết bị hiện đại nhất Việt Nam đã cho kết quả không nhiễm xạ. Tất cả những thông số ông Tấn đưa ra giải thích cho sự "an toàn" tuyệt đối đã được công bố.

Về những ý kiến, yêu cầu của người dân, ông cũng khẳng định: 1. Cam kết chịu trách nhiệm về những số liệu đo đạc và sẽ có văn bản gửi tới từng hộ gia đình; 2. Cam kết đảm bảo cho các cháu nhỏ về sau nếu các cháu mắc bệnh liên quan đến việc thất thoát phóng xạ này; 3. Vấn đề trách nhiệm cá nhân cũng như biện pháp xử lý Bộ Khoa học - Công nghệ sẽ nêu công khai trong thời gian sớm nhất.

 

Trước lời giải thích của ông Tấn, bà Tâm chất vấn: "Lần trước chính ông Viện trưởng nói rằng, Viện hóa học hạt nhân quân sự cho kết luận chị Hoa có mức nhiễm xạ gấp 5 lần bình thường, hôm nay lại nói chị ấy phải chịu lượng phóng xạ 5 milisilvert, không ảnh hưởng gì. Ông có thấy điều đó mâu thuẫn không?".

 

Ông Tấn phủ nhận: "Tôi không nói như thế. Tôi chỉ khẳng định, hiện tại thì không có dấu hiệu gia đình chị Hoa bị nhiễm xạ nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi".

 

Về vấn đề di dân, TS Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng cục kiểm soát và an toàn bức xạ cho rằng mức độ nhiễm xạ chưa đến mức phải làm như vậy.

 

Những câu trả lời và cả những cam kết vẫn chưa thể khiến người dân an tâm và cuối buổi làm việc, một người dân bật dậy: "Hiện tại, chúng tôi vẫn ăn không ngon, ngủ không yên, không tập trung làm việc gì được". "Các đồng chí giải thích, biện hộ thế thì chúng tôi cũng đành biết vậy vì đây là lĩnh vực kĩ thuật cao. Chúng tôi chỉ chờ đợi ở lương tâm của những người có trách nhiệm như các đồng chí".

 

Trước cuộc họp ngày hôm qua, 9/6, một cuộc họp khác giữa những người dân ở tổ dân phố 61 phường Bạch Đằng đã diễn ra trong không khí khá căng thẳng, chúng tôi xin trích đăng dưới đây một vài băn khoăn của người dân gửi đến các cơ quan chức năng.

 

Anh Nguyễn Văn Biên (liền kề nhà chị Hoa): Bây giờ thì đã quá muộn!

 

Hai hôm đầu tiên tôi hỏi thì các anh ấy nói cái chất này không nguy hiểm. Vậy tại sao lại đào bới ngần ấy ngày? Tôi rất bức xúc.

 

Khi tôi đặt vấn đề nên yêu cầu khu dân cư quanh vùng ấy tạm thời đi sơ tán, nhất là lớp trẻ chưa vợ chưa chồng hay đứa bé 1,2 tuổi… nhưng không được các anh trả lời. Dù có là gì thì cũng phải thông báo, còn bây giờ thì đã quá muộn rồi, nếu là chất độc hại thì đã nhiễm vào mọi người hết rồi.

 

Có thể sau 10, 20 năm bắt đầu hủy hoại thì lớp trẻ này sẽ ra sao đây? Đề nghị các cơ quan chức năng họp nhưng phải có văn bản rõ ràng. Đề nghị phường đứng ra chịu trách nhiệm cho dân.

 

Ông Nguyễn Văn Dậu: Ngoài tính mạng, đây còn là vấn đề giống nòi

 

Hôm ấy, mấy đứa trẻ con chạy về bảo là cái mùi ấy kinh lắm. Ngay cả hôm xảy ra sự việc 3 anh công an với 1 anh ở Viện nào đấy tôi không rõ có đến và bảo với chị Hoa: “Thôi chị về đừng nghĩ chuyện gì về sinh nở nữa nhé”. 

 

Nếu vậy thì các cháu có ảnh hưởng không bởi đây không chỉ là sức khỏe của cá nhân mà còn là vấn đề giống nòi sau này, khiến chúng tôi rất hoang mang.

 

Anh Hồ Ngọc Lai (người phát biểu trong ảnh dưới): Con tôi đã bôi bột đó lên mặt

 

Vụ thất thoát phóng xạ: Chưa hết "nóng"! - 1
Lúc 10 giờ ngày 26/5, sau khi chị Hoa đập chiếc hộp ấy khoảng 1 tiếng, con tôi (cháu Hồ Ngọc Bích - 8 tuổi, học lớp 2) và mấy đứa nữa có mặt tại đấy (khoảng 7 cháu) đứng ngay chỗ chị Hoa đổ chất bột ấy. Cho đến khi các cháu thấy mùi lạ, khó chịu mới chạy ra. 

 

Đầu tiên người ta không biết vật ấy bị vỡ ra. Những người ấy vào trong (nhà chị Hoa-PV) để tìm, không thấy mới gọi điện cho người mang 8 cái máy đến. Sau khi thấy tình hình nghiêm trọng, tôi đề nghị với mấy người ấy: Chính con tôi đã bôi lên mặt, các anh xem có hướng giải quyết cho các cháu được đi khám hay có làm cái gì đấy để yên tâm cho gia đình vì các cháu là cả thế hệ tương lai. Các anh ấy trả lời luôn là cái này chẳng làm sao cả (?!).

 

Nhưng hôm sau lại thấy đào toàn bộ lớp bê tông khoảng 10cm mang đi sau đó lại đào cả đất phía dưới lên nữa. Đến lúc này tôi hoàn toàn bất mãn không còn gì để nghĩ nữa rồi, như vậy thì giá trị tính mạng con người quá bình thường.

 

Nói không sao nhưng không hề giải thích, trong nhà đào sâu đến 40, 50 cm cho vào bao kín mang đi, cũng không hề hướng dẫn gì cả. Tôi hỏi rất nhiều nhưng thậm chí người ta không trả lời.

 

Tôi có hỏi chị Hoa, cái vật ấy chị đập ra như thế nào? thì chị Hoa trả lời như sau: Khi đập ra ở trong đấy có bột (theo như bên Viện giải thích đó là bột chống ẩm, bảo quản gì đấy), bên trong có 1 lõi chì, lại đập tiếp cái đó ra, lúc đó hộp đấy có 2 lắp chì đậy vào nhau, khi đập thì nó bật ra. Thấy bảo có 1 chất mầu trắng bằng viên con nhộng. Khi nó bị bung ra chuyển sang đen như đồng đen thì chị mới nghĩ là đồng đen, mới mang ra cửa nhà xem như thế nào, xong chị lại đập và làm vệ sinh ở phía ngoài cửa.

 

Chị Nguyễn Thị Tuất: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

 

Trẻ con nghịch cái bột ấy, lý do gì đến giờ phút này vẫn chưa được đưa đi khám, xét nghiệm?

 

Ngay cả khi đã được đưa đi xét nghiệm rồi cần phải có giấy tờ văn bản vì theo tôi được biết bệnh này nếu bị nhiễm cũng không phát bệnh ngay, sau vài năm mới phát bệnh. Văn bản ấy cần photo cho mỗi gia đình 1 bản.

 

Chúng tôi cần có cơ quan xét nghiệm độc lập hẳn với cơ quan Viện Năng lượng nguyên tử.

 

Phan Tùng (ghi)

 

Phương Thảo - Cấn Cường

Dòng sự kiện: Vụ phóng xạ Cô ban