Vụ án Hà Văn Thắm: “Nghiêm khắc với chủ mưu, nhân văn với người làm công”

(Dân trí) - Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, tuy chưa tổng kết nhưng dư luận đánh giá vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm là vụ án minh bạch, tranh tụng đến cùng, rất nghiêm khắc, bản án phân hoá tội phạm. Từ đại án này có 4 bài học được rút ra.

Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank.
Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank.

Trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) về bài học kinh nghiệm trong xét xử vụ Hà Văn Thắm (Oceanbank), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng tuy chưa tổng kết nhưng dư luận đánh giá đây là vụ án minh bạch, tranh tụng đến cùng, rất nghiêm khắc và có bản án phân hoá tội phạm.

“Đây là cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng, cử tri mong đợi bài học kinh nghiệm từ vụ Hà Văn Thắm, trong cải cách tư pháp. Vụ án công khai minh bạch, tranh tụng đến cùng có bản án phân hóa tội phạm”- ông Bình nói.

Theo ông, từ khi có Nghị quyết 01/2013, thẩm phán ngại cho án treo với án kinh tế tham nhũng. Hội đồng xét xử đã tuyên 34 án treo. Vụ Hà Văn Thắm là đại án nhưng nghiêm khắc với những chủ mưu cầm đầu và nhân văn với người làm công ăn lương. Bản án cần thiết để cảnh tỉnh và răn đe.

Ông Bình cho rằng bài học vụ án này có 4 vấn đề. Thứ nhất, xác định đúng tội danh. Tại lần xét xử sơ thẩm thứ nhất, tòa đã trả lại hồ sơ để viện kiểm sát xác định đúng tội danh và lần thứ 2 thì viện kiểm sát đã xác định được đúng tội danh.

Thứ hai, việc tranh tụng trong vụ án này là công khai, minh bạch, không hạn chế số lượng người tham gia.

Thứ 3, phiên tòa xét xử phân hóa được bản án. Bản án rất nghiêm minh đối với bị cáo đứng đầu và nhân văn đối với những người lần đầu phạm tội và ở mức độ nhẹ, thành khẩn khai báo.

Thứ 4, Hội đồng xét xử đã làm hết chức năng của mình từ trách nhiệm dân sự đến khởi tố vụ án ngay tại tòa và kiến nghị các cấp xử lý các cán bộ khác.

“Thẩm phán né xử án treo”

Đại biểu Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) phản ánh hiện án đánh bạc bị xử lý rất nhẹ, thậm chí tuyên án treo nhiều thì có phải do có tiêu cực không?

Đáp lại, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định, bản thân án treo là chế định tích cực đủ điều kiện răn đe, phòng ngừa do lỗi vô ý, lấy đồng tiền làm phương tiện phạm tội như lạm dụng tín nhiệm, tội giao thông, cho vay nặng lại.

“Đại biểu hỏi có lạm dụng án treo hay không?. Trên thế giới tỷ lệ án treo chiếm khoảng 60% số bản án, chúng ta đang là 20%, thấp hơn nhiều và tập trung ở 3 loại án: án giao thông (46%), đánh bạc (37%) và tổ chức đánh bạc (35%). Án treo và phạt tiền là một trong những giải pháp, hình phạt không giam giữ thực hiện theo nguyên tắc của Nghị quyết 49”- ông Bình nói.

“Có tiêu cực không? Báo cáo Quốc hội, chúng tôi vừa tổng kết, tâm lý của các thẩm phán chủ toạ phiên toà rất ngại xử án treo, làm tỷ lệ không giam giữ thấp hơn nhiều so với thế giới. Khi xử án treo thì bị kiểm tra, rồi dư luận, báo chí đặt câu hỏi,… nên thẩm phán né xử án treo. Còn trong vụ việc cụ thể, đại biểu thấy vụ nào thẩm phán tiêu cực trong xử án treo thì phải ánh lại để chúng tôi có kiểm tra, xử lý”- ông Bình thẳng thắn.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình.

Trước lo lắng của đại biểu Quốc hội về việc đảm bảo bí mật đời tư, bí mật kinh doanh khi TAND Tối cao công khai bản án lên mạng internet, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh đây là một trong những đột phá của ngành năm 2017.

“Việc này có nhiều tác dụng, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Hiến pháp. Đây cũng là chủ trương, tuân thủ nguyên tắc hoạt động của toà án là công khai minh bạch. Thông qua việc đó, chúng tôi đề cao trách nhiệm của thẩm phán, đặt bút viết bản án là biết rằng sau đây mấy ngày người dân sẽ biết bản án nên cẩn trọng hơn trong câu cú, lời lẽ của bản án”- ông nói.

Việc đưa bản án lên mạng cũng là cơ chế để người dân và cơ quan tố tụng giám sát hoạt động của toà, đánh giá chất lượng của toà án xem ai làm tốt, yếu và năng lực phẩm chất năng lực ra sao.

Đến thời điểm này, TAND Tối cao đã công bố trên 32.000 bản án, thu hút gần 1,4 triệu người dân truy cập theo dõi và đa số các ý kiến góp ý tích cực về nội dung các bản án.

“Chúng tôi đã có nghị quyết về chuyện này, chỉ có một số bản án được công khai, có những bản án không được công khai như liên quan đến an ninh quốc gia, vị thành niên. Khi công khai phải mã hoá tên của những người liên quan trong bản án, địa chỉ từ quận, huyện trở xuống được mã hoá; tỉnh và thành phố, tên thẩm phán và nội dung bản án không được mã hoá để người dân giám sát. Mã hoá như thế này, bí mật đời tư được bảo đảm, thế giới người ta cũng làm nhiều rồi”- Chánh án TAND Tối cao thông tin.

Xử lý những cán bộ gây ra oan sai 28 năm cho 3 mẹ con ở Điện Biên

Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) chất vấn Chánh án TAND Tối cao về kỳ án 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga (80 tuổi) 28 năm mang án oan giết chồng, giết cha dưới chân đèo Pha Đin (Điện Biên). Không chịu được nỗi oan ức, người con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiếu đã qua đời, mang theo nỗi oan về tội giết cha.

Ngày 24/10/2017, cơ quan tố tụng Điện Biên xác định vụ án bị oan, tiến hành tổ chức xin lỗi công khai gia đình người bị oan, hậu quả để lại cho gia đình người bị oan là rất lớn nhưng đến nay chưa rõ trách nhiệm gây oan thuộc về cơ quan tổ chức hay cá nhân nào và xử lý ra sao?.

“Ngay khi có đại biểu Quốc hội chuyển cho tôi hồ sơ vụ án này, tôi cũng thấy có dấu hiệu làm oan. Thực chất, vụ án này Toà tối cao đã huỷ từ lâu rồi, năm 2003, nhưng huỷ xong thì để ở cơ quan điều tra cho tới giờ này không có kết luận cuối cùng. Trong thời gian ngắn, chúng tôi đã cùng tỉnh Điện Biên họp liên ngành tư pháp trung ương và khẳng định đây là vụ án oan, đình chỉ vụ án. Đại diện 3 cơ quan tố tụng Điện Biên xin lỗi gia đình.

Công việc tiếp theo phải bồi thường cho người bị oan. Về xử lý trách nhiệm thì phải để kiểm tra, trước hết 3 cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Điện Biên phải xem lại hồ sơ, kiểm điểm và xử lý theo quy định những người nào làm nên oan sai này”- Chánh án Nguyễn Hoà Bình trả lời đại biểu Quốc hội.

Thế Kha