1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vội vã Mường Lay

(Dân trí) - Mới chỉ có một cơn mưa chuyển mùa song đã mang đến một nỗi lo lắng khôn tả cho Mường Lay. Suối Nậm Lay chảy trong lòng thị xã đục ngầu, báo hiệu nguy cơ lũ có thể ập tới bất cứ lúc nào.

Dân cư ở đây hy vọng họ sẽ chuyển đến nơi ở mới trước mùa mưa như lời hứa của chính quyền thị xã.
 
Vội vã Mường Lay - 1

Một người dân đang vận chuyển đồ đạc của căn nhà vừa dỡ đi ngang qua tấm bảng thông báo các hạng mục ưu tiên xây dựng, các khu dân cư mới của thị xã Mường Lay mới
 
Nỗi lo trước mùa mưa  

 

Thị xã Mường Lay (Điện Biên) là một trong những điểm phải di dời nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Dự kiến, mức nước dâng sẽ nhấn chìm phần lớn thị xã này. Nằm dưới ngã ba sông Nậm Na nhập vào sông Đà, thị xã Mường Lay thường trực nỗi lo lũ từ thượng nguồn mỗi khi mưa lớn.
 
Ngay như con suối Mường Lay vốn rất êm đềm chảy trong lòng thị xã cũng là một nguy cơ, ám ảnh người dân ở đây về những trận lũ quét đã xảy ra trong quá khứ. Việc di dân khỏi lòng hồ có thể nói là một công đôi việc, vừa giải phóng mặt bằng, vừa có thể di chuyển dân cư ra ngoài địa bàn canh cánh nguy cơ bão lũ hàng năm.
 
Vội vã Mường Lay - 2

Khu nhà tạm ở Bản Hốc nhìn từ nền của khu tái định cư mới đang san ủi mặt bằng...
 

Vội vã Mường Lay - 3
...theo người dân thì nền của khu tái định cư Bản Hốc phải cao hơn 6m nữa so với hiện tại

Những ngày này, Mường Lay giống như một công trường khổng lồ. Một cây cầu khác cao hơn đang được xây dựng cạnh cầu treo Hang Tôm. Quốc lộ 6 được nâng cốt lên ngang sườn núi. Mặt bằng tái định cư, công sở trường học đang xây mới. Tất cả đều vội vã, hối hả để kịp xong trước mùa mưa năm nay.

 
Vội vã Mường Lay - 4

Cuộc sống bề bộn của những cư dân sống tạm bên cạnh suối Nậm Lay

 

Bản Hốc, một bản nằm sát con suối Nậm Lay đang di chuyển sang nơi ở tạm để giải phóng mặt bằng thi công nâng cốt khu dân cư mới của Mường Lay. Việc di dời diễn ra khẩn trương chóng vánh, mặc dù nơi ở tạm này cũng nằm sát bên con suối trong lịch sử đã từng dâng lũ rất nhiều lần này. Họ lo ngại, nếu không kịp ổn định chỗ ở mới trước mùa lũ, thì ngay cả nơi ở tạm cũng cầm chắc nguy cơ bị nhận chìm khi lũ dâng. Dù vậy, nhưng phương án để dân ở tạm trước khi chuyển lại vào khu dân cư mới buộc phải thực hiện.

 

Nhân 3 ngày nghỉ giỗ Tổ, dọc quốc lộ 12, những nhà cuối cùng của bản Hốc đang gấp gáp chuyển dời. Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 82 Quân khu II đóng tại Điện Biên được huy động về giúp dân dỡ và dựng nhà tạm. Những mái ngói phủ dày bồ hóng gỡ xuống xếp đống dọc quốc lộ. Vài nhà đã chuyển đi, trên nền giếng cũ vẫn còn những giàn trầu xanh biếc. Cây ăn quả hái non. Bếp lửa và nhà bếp vốn rất được coi trọng trong ngôi nhà sàn của người Thái, nay đành để tạm ở sân cùng chỗ nhốt gia súc, thả gia cầm ngoài nơi ở tạm. 
 
Vội vã Mường Lay - 5

Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 82, Quân khu 2 giúp dân dựng những ngôi nhà tạm
 
Cơn mưa đêm qua khiến quãng đường ngắn đi vào khu nhà tạm của bản Hốc trở nên lụt lội và bẩn. Người phụ nữ trong xóm nói với tôi: mặt bằng khu tái định cư hiện đã cao gấp đôi chiều cao của dãy nhà, tuy nhiên đơn vị thị công phải đổ cao hơn 6m nữa mới đạt cốt chuẩn. Như vậy, toàn bộ dân bản Hốc đang phải sống trong sợ hãi, khi một bên là con suối đầy bất trắc và một bên là mặt bằng đang thi công không biết khi nào mới hoàn thành.

 

Lưu luyến Mường Lay

 

Vội vã Mường Lay - 6

Cụ bà Chu Thị Nắn ngồi tựa cửa trông ra công trường xây dựng khu tái định cư chỉ cách ngôi nhà sàn của bà chục mét
 
Cụ Chu Thị Nắn 87 tuổi ngồi bó gối, vẻ lo lắng nhìn ra công trường nơi chỉ cách cầu thang ngôi nhà sàn của cụ vài bước chân. Bản Chi Luông nơi cụ sống mới chỉ có 26 hộ di dân tới Tam Đường, còn lại vẫn ở trong tình trạng chờ đợi mặt bằng tái định cư. Ngay sát nơi ở của gia đình cụ Nắn là khe suối Huổi Nháo, nơi người dân ở đây vẫn dẫn nước về để sinh hoạt đã bắt đầu nhuốm đỏ bùn.

 

Mỗi khi nguồn nước chuyển màu, những gia đình người Thái trắng ở đây đều rơi vào tình trạnh rất căng thẳng vì lo lắng lũ có thể ập tới ngay cả từ những khe suối nhỏ hiền lành, nước chảy ri rỉ vào mùa khô.

 
 
Vội vã Mường Lay - 7

Một góc khu nhà tạm Bản Hốc sau cơn mưa sáng 5/4/2009
 
Bên ngôi nhà sàn rất đẹp của cụ Nắn, bà Lò Thị Van, người con dâu trưởng của cụ đang thái rau chuối dưới hàng cây ban đỏ. Bà Van nói, khác với hoa ban trắng, hoa ban đỏ nở vào tháng 11. Như vậy, gia đình người Thái này không còn cơ hội ở đây để thấy một mùa hoa ban nữa. Không có gì thay đổi, trước mùa mưa năm nay, họ phải chuyển đi. Cây cối, nhà cửa đều đã được đền bù, chỉ còn vài chân ruộng lúa bên suối Nậm Lay đang lên màu xanh rì. “Chỉ mong sao thời tiết thuận lợi để còn được gặt một mùa lúa cuối cùng là may” - bà Van nói.

 

Tôi và chị Lù Thị Thê, con gái út cụ Nắn ngồi uống trà trong ngôi nhà sàn đã qua ba thế hệ sinh sống. Phần lớn những ngôi nhà sàn trong bản đều rất cũ và cao tuổi song vẫn còn rất bền chắc. Khi di dời, họ chỉ cần tháo rời các khớp gỗ, chuyển đến nơi mới rồi lắp ghép lại. Chị lo ngại ngôi nhà chân cao của ông cha sẽ không chịu nổi gió lớn khi chuyển đến nơi tái định cư sẽ khu đất trống trơ trọi, không cây cối, vườn tược che chắn.

 

Ngôi nhà này đã từng trải qua nhiều cơn lũ khốc liệt vào những năm 90 và 96 của thế kỷ trước. 9 anh chị em họ đã từng phải đào bới lấy lại ngôi nhà vào những năm lũ đất trôi ngập tới sàn nhà. Hiện tại, con đường trước cửa nhà chị bị lũ đất bồi lên vẫn cao ngang mặt sàn. Tháng này, đơn vị thi công gấp rút, xe máy chạy ầm ào khiến chị Lù Thị Thê thấy bất an: “Họ san lấp, đào bới lấp vào dòng chảy khe suối, không biết bản Chi Luông có trụ được khi có mưa xuống không”.
 
Vội vã Mường Lay - 8

Chị Thê buồn vì phải xa rời bản cũ thân yêu đã gắn bó với chị hơn ba mươi năm nay

 

Lo lắng của chị cũng là lo lắng của tất cả những người đang sống dọc theo suối Nậm Lay. Người phụ nữ trẻ thổ lộ, chị tiếc nhất là vườn cây ăn quả, bởi có vườn cây này nhà chị lúc nào cũng đông người. Hàng xóm bất kể là già trẻ nam nữ đều thích tụ tập ăn trái xanh chấm muối ớt và coi đó như là một món khoái khẩu. Đối với họ, đó là những bữa tiệc nơi chuyện trò bù đắp chia sẻ. Chị sợ, phải bốc thăm chọn nơi tái định cư, chị không còn được ở gần với hàng xóm, không đủ đất trồng rau, và nhất là không còn những buổi chiều như thế này nữa. 

 

Vội vã Mường Lay - 9

Cô gái bản ngẩn ngơ ngắm cánh đồng Mường Lay lúa đang lên xanh
 
Bên cạnh gia đình chị Thê có một căn nhà gạch đã phá dỡ. Chủ nhà đã chuyển sang Tắc Tình, Tam Đường. Người họ hàng của họ đang mót lại những viên gạch còn tốt để mang sang khu tái định cư xây công trình phụ. Người ta đồ rằng, cuộc di dời sâu rộng của công trình thủy điện Sơn La sẽ làm mai một văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc, làm mất đi hình ảnh của các bản làng cổ và lâu đời. Nhưng chính những người dân ở đây họ có quyền hy vọng, cái mới không làm mất đi cái cũ mà sẽ được xây dựng từ sự chắt lọc và gìn giữ từ những nhặt nhạnh nhỏ nhặt ấy. 

 

Giữa dòng Nậm Lay, công trình nhà văn hóa Lai Châu bị bỏ hoang chỉ vì nằm trong dòng lũ quét trông như một con bọ cạp nước khổng lồ. Ông Bùi Huy Thông, một cán bộ Đảng viên nghỉ hưu chiều nào cũng đứng trên cầu bản Hốc nhìn sang khu tái định cư Nậm Cản. Mơ ước của ông cũng như của những người dân Mường Lay là sớm được chuyển tới nơi ở mới, tốt hơn nơi ở cũ đúng như mục tiêu của Chính phủ.
 
Vội vã Mường Lay - 10

Ông Bùi Minh Thông lưu luyến đứng trên cầu treo Nậm Lay nhìn về phía ngôi nhà cũ đã tháo dỡ nhường chỗ cho mặt bằng khu tái định cư Nậm Cản.

 

Nói chuyện với tôi, tay ông Thông bám chặt vào dây văng hoen gỉ của chiếc cầu treo nối hai bờ thị xã. Trong mắt người cán bộ già, sự lưu luyến chất chứa, dùng dằng khi mà ông cũng như bao người khác đều ở trong tình trạng không nỡ dời đi, mà không đi thì không được.

 

Tôi bỗng nhớ hình ảnh của cây cầu treo lớn nhất Tây Bắc, cầu Hang Tôm nhện chăng tơ mành mành. Cây cầu đã sắp đến kỳ kết thúc sức mệnh lịch sử để rồi đây sẽ chìm dưới lòng sông Đà hay chính lòng người Mường Lay, dùng dằng tơ vương chẳng muốn rời nền cũ?
 
Vội vã Mường Lay - 11

 Một chú nhện giăng tơ trên thành cầu Hang Tôm bên dòng sông Đà hùng vĩ.

 
Lê Anh Tuấn