1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Với luật mới, 5 năm tới, Hà Nội giảm 1 triệu người nhập cư

(Dân trí) – “Với phương án hạn chế nhập cư trong luật, mỗi năm, Hà Nội sẽ giảm được ít nhất vài trăm nghìn người nhập khẩu vào thành phố. Như vậy, trong vòng khoảng 4-5 năm có thể giảm được 1 triệu người nhập cư” – Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phân tích.

Trao đổi với báo chí ngay sau khi luật Thủ đô được Quốc hội biểu quyết thông qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có nhiều chia sẻ. Ông khẳng định đây là tin vui đối với mọi người quan tâm, yêu quí thủ đô cũng như các công dân của Thủ đô nhưng cũng là một áp lực gia tăng về tinh thần, trách nhiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ xây dựng Thủ đô tương xứng với tình cảm và kỳ vọng của người dân cả nước.

Luật Thủ đô cuối cùng đã được Quốc hội thông qua sau nhiều chặng “sóng gió”. Tuy nhiên, vẫn còn tới106 đại biểu chưa yên tâm lắm về quy định siết điều kiện nhập cư vào Hà Nội. Ông có chia sẻ với tâm tư các đại biểu này?

Tôi nghĩ các đại biểu QH chừng nào đó cũng phản ánh tình cảm và mong muốn chung của các tầng lớp nhân dân khác. Những người nào mong muốn có sự dễ dàng trong luật nhập cư thì cũng đều yêu quý và muốn chung tay góp sức xây dựng thủ đô.

Nhưng với góc độ quản lý 1 đô thị, chúng ta phải tìm được một lời giải tốt nhất và trong phương án đưa ra chưa phải đã phù hợp với mong muốn của một số người. Nhưng cần phải vì cái chung thôi.

Nhiều đại biểu còn băn khoăn vì lo chính sách siết nhập cư có thể dẫn đến những hệ lụy, tiêu cực, biến tướng nguy hại khác?

Nếu làm không tốt thì bất cứ chính sách gì cũng có thể bị lợi dụng. Kể cả giai đoạn trước đây, thời còn bao cấp khi mọi phải sống phụ thuộc vào hộ khẩu, tem phiếu, việc nhập cư cực kỳ khó nhưng ngay lúc đó cũng vẫn có tiêu cực. Tiêu cực phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm, tinh thần thực thi chính sách chứ không phải do quy định thế này hay thế khác.
 
Bí thư Hà Nội: Người nhập cư phải đáp ứng điều kiện diện tích nhà ở trung bình của Hà Nội.
Bí thư Hà Nội: "Người nhập cư phải đáp ứng điều kiện diện tích nhà ở trung bình của Hà Nội".

Với nội dung quy định về việc quản lý dân cư như quy định trong luật, theo Bí thư, thời gian thực hiện bao lâu sẽ đem lại hiệu quả?

Tính toán dựa vào những số liệu báo cáo về tình hình sau khi mở rộng Hà Nội, với phương án hạn chế nhập cư như này, mỗi năm cũng sẽ giảm được ít nhất vài trăm nghìn người nhập khẩu vào thành phố, so với khi chưa có quy định này. Như vậy, trong vòng khoảng 4-5 năm có thể giảm được 1 triệu người nhập cư. Con số đó cũng lớn lắm chứ. Mà việc lo cho 1 triệu con người có nơi ở, học hành, đi lại, chữa bệnh, lo đảm bảo an ninh trật tự… cũng là vấn đề lớn.

Trong luật vừa được thông qua có điều khoản cho phép HĐND được quyết định mức diện tích nhà ở với người đăng ký nhập cư. Thành phố đã dự trù mốc cụ thể nào?

Việc này phải qua điều tra dư luận xã hội để xem diện tích bình quân đầu người hiện tại của thành phố là bao nhiêu. Những người có điều kiện khả năng nhập cư phải đáp ứng được mức trung bình tối thiếu đó. Không thể để tình trạng như vừa qua, có những hộ gia đình nhà chỉ hơn 20m2 mà đồng ý xác nhận cho 30-40 người nhập hộ khẩu. Đây là việc làm đối phó quy định.

Mà việc quy định chặt chẽ về điều kiện nhập cư này cũng là để bảo đảm điều kiện sống cơ bản của những người sau nhập cư, để họ có thể sống được với những điều kiện sinh hoạt tối thiểu chứ không phải cho phép “vô tư” nhập cư xong rồi tự bươn chải với mọi vấn đề, có hay không có nơi học hành, chữa bệnh… cũng được.

Ngày 1/7 sang năm luật mới có hiệu lực thi hành. Ở cương vị Bí thư thành ủy Hà Nội, ông xác định việc gì sẽ làm đầu tiên?

Khi luật được thông qua, tôi đã nghĩ đến những việc cần phải làm chứ không phải say sưa với niềm vui là Quốc hội đã thông qua luật này. Trước khi có luật Thủ đô, người dân cả nước đã luôn luôn mong đợi và yêu cầu Hà Nội làm thật tốt mọi việc để xây dựng thủ đô xứng tầm với đất nước. Giờ có luật rồi, có thêm một số điều kiện thuận lợi mới, đòi hỏi cũng sẽ cao hơn nên suy nghĩ của tôi cũng như tập thể lãnh đạo Hà Nội là phải làm sao làm tốt hơn nhiệm vụ ấy. Việc quản lý quy hoạch đô thị phải làm tốt hơn, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự… cũng phải tốt hơn. Tóm lại là phải nâng cao chất lượng việc xây dựng thủ đô.

Ông sẽ chọn vấn đề gì làm khâu đột phá?

Tôi cho rằng khâu yếu nhất cần phải làm giờ chính là vấn đề kỷ cương xã hội. Hiện nay, dường như ở đâu cũng thấy tình trạng vi phạm trật tự kỷ cương, từ lĩnh vực xây dựng tới an ninh trật tự, lối sống nếp sống… Rất nhiều người chưa có ý thức đầy đủ xứng đáng là công dân thủ đô và hiện cũng đã có nhiều ý kiến phê bình về việc này.

Với tất cả những điều kiện thuận lợi đã được dành cho trong luật này, theo ông, diện mạo Thủ đô có thể thay đổi theo chiều hướng thế nào, trong bao lâu?

Luật Thủ đô không phải đem lại cho thành phố đôi đũa thần để có thể vung lên là sáng mai ra đã có thể thấy cảnh tượng thay đổi theo kiểu “Vừng ơi, mở cửa ra” mà việc gì cũng cần có quá trình.

Bản thân luật này cũng phải 3 năm mới đi tới sự thống nhất như hôm nay. Việc chuyển biến trong thực tế chắc cũng phải cần thời gian nhưng rõ ràng bỏ công sức ra làm luật này nghĩa là sẽ có những yếu tố tích cực hơn.

Trước đây Hà Nội cũng từng có nhiều cơ chế đặc thù về nhập cư cũng như tăng phạt trong lĩnh vực giao thông nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa rõ ràng. Luật Thủ đô với những cơ chế chưa hẳn là khác biệt, đột phá liệu có khả năng mang lại sự khác biệt?

Quy định về vấn đề nhập cư hay tăng phạt trong một số lĩnh vực trong luật Thủ đô này cũng chỉ là 1 yếu tố. Để xử lý các vấn đề cho triệt để thì chúng ta phải có giải pháp đồng bộ và tầm mức cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên nếu áp các quy định một cách đột ngột, đang từ trạng thái rất thoải mái sang thái cực khác ngay thì sẽ không đạt được sự đồng thuận của xã hội. Vậy nên chúng ta phải chấp nhận tiến từ từ thôi.

Bí thư có cam kết gì với cương vị người lãnh đạo cao nhất về tương lai của Thủ đô khi được trao thêm nhiều ưu ái như vậy?

Cam kết lớn nhất là đón nhận luật Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao nhất để làm sao động viên được từng công dân Thủ đô cũng như người dân cả nước đều cùng góp sức góp phần để xây dựng Thủ đô thực sự văn minh hiện đại xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến.

Xin cảm ơn Bí thư!

P.Thảo (ghi)