1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Việt Nam với người nước ngoài 35 năm sau chiến tranh

(Dân trí) - Thành phố Hồ Chí Minh đang cùng khắp nơi trên cả nước chuẩn bị cho lễ kỷ niệm trọng đại của cả dân tộc. Ký ức ùa về, hiện tại lạc quan và tương lai tươi sáng là những cảm nhận của bao người hướng tới Việt Nam trong những ngày này.

Cảm nhận từ ký ức
 
Phóng viên Nga Elena Nikulina đã có nhiều cảm xúc khi bà đến thành phố Hồ Chí Minh, một trong những thành phố tươi đẹp và nhiều màu sắc nhất của Đông Nam Á, tham dự Tuần lễ báo chí nước ngoài vào thời điểm cả Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giữa tình cảm nồng hậu của nước chủ nhà, các nhà báo cùng sống lại những hồi ức chiến tranh, tận mắt chứng kiến hậu quả tàn khốc của nó còn lưu lại đến tận bây giờ và cảm nhận những đổi thay của một đất nước vươn lên từ bom đạn.
 
Bà cùng các nhà báo nước ngoài được nghe các chỉ huy quân sự, các cựu chiến binh kể lại những hồi ức chiến tranh - câu chuyện của họ khiến các nhà báo Mỹ quan tâm chú ý đặc biệt. Họ được tận mắt nhìn thấy Dinh Độc Lập, dinh cựu Tổng thống Việt Nam cộng hòa, cũng như chiếc xe tăng do Liên Xô sản xuất đã tiên phong hùng dũng tiến vào thủ phủ chính quyền cũ hôm 30/4/1975. Những hiện vật của Bảo tàng chứng tích chiến tranh, những tấm ảnh, mô hình, biểu đồ… là minh chứng hùng hồn về những đau khổ mà nhân dân Việt Nam đã phải nếm trải.
 
Việt Nam với người nước ngoài 35 năm sau chiến tranh  - 1

Đám người cố leo lên bức tường của Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn để trèo lên máy bay chở người di tản ngày 29/4/1975
 
Việt Nam với người nước ngoài 35 năm sau chiến tranh  - 2

Báo Mỹ đưa tin, ảnh về thất bại của Mỹ ở Sài Gòn
 
Nhưng ấn tượng mạnh nhất đối với tất cả các vị khách thuộc báo giới nước ngoài, là chuyến thăm đến “Làng Hòa bình”. Đó là một phân khu trong bệnh viện, nơi cho đến tận hôm nay, các thày thuốc vẫn chạy chữa cho các nạn nhân vô tội của cuộc chiến hơn ba chục năm trước. Đó là các trẻ em khuyết tật bởi cha các em bị nhiễm dioxin/ da cam, chất độc khủng khiếp mà các phi công Mỹ đã rải xuống đất đai và những cánh rừng Việt Nam để triệt hạ mọi cây cối. Chiến tranh đã kết thúc 35 năm, nhưng hậu họa của nó, tiếng vang độc địa của nó vẫn còn nghe rõ cho đến tận hôm nay.
  
Ban lãnh đạo đất nước đã đặt ra nhiệm vụ đưa nền kinh tế Việt Nam lên ngang tầm các quốc gia phát triển. 35 năm sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, người dân Việt Nam hoàn toàn lạc quan về tương lai, tin tưởng vào hướng đi của nền kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã tiến hành cuộc cải cách theo định hướng thị trường và đưa hàng chục triệu người dân thoát khỏi nghèo đói.
 
Việt Nam với người nước ngoài 35 năm sau chiến tranh  - 3

Bức ảnh chụp cô bé Kim Phúc, 9 tuổi ở Trảng Bàng, Việt Nam sau đợt tấn công bằng bom napan của Mỹ ngày 8/6/1972
 
Việt Nam với người nước ngoài 35 năm sau chiến tranh  - 4
Tương lai rạng ngời đang chờ đợi các bạn trẻ Việt Nam ngày nay (Ảnh: Ngôi sao)

Hướng tới tương lai

Thời điểm cuối tháng 4 đánh dấu ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, người ta thường nhắc nhiều đến mối quan hệ Việt-Mỹ. Nếu như 35 năm về trước, thanh niên hai nước phải đối diện với nhau trong tiếng bom đạn của cuộc chiến thì thế hệ trẻ thời bình đang gặp nhau giữa âm điệu du dương, trầm bổng của những bản nhạc bang giao hữu nghị.
 
Những súng đạn trong tay thế hệ thanh niên năm xưa giờ đã trở thành các loại nhạc cụ được giới trẻ ngày nay mang tới nước bạn để cùng tấu lên những âm sắc hòa bình. Đó cũng là trọng tâm của chương trình giao lưu văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất từ trước đến nay có tên gọi Lễ hội Âm nhạc Thăng Long và Trao đổi Văn hóa, do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, để kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ và 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. 
 
Việt Nam với người nước ngoài 35 năm sau chiến tranh  - 5
Buổi biểu diễn của Dàn nhạc thính phòng Southwest Chamber tại Nhà hát lớn Hà Nội
 
Dàn nhạc thính phòng Southwest Chamber Music từ miền Nam bang California từng hai lần đoạt giải thưởng Grammy là đơn vị được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ kinh phí để thực hiện dự án giao lưu văn hóa này. Bà Colombia Barrosse, phụ trách Chương trình Văn hóa thuộc Văn phòng chuyên trách các vấn đề Giáo dục và Văn hóa của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhấn mạnh hy vọng chương trình giao lưu Lễ hội Âm nhạc Thăng Long và Trao đổi Văn hóa này sẽ giúp người dân Mỹ xích lại gần hơn với người dân các nước mà trong trường hợp cụ thể này là người dân Việt Nam.
 
Năm nay đánh dấu 1.000 Thăng Long-Hà Nội và cũng là 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ. Đây là một cơ hội tuyệt vời thông qua âm nhạc, nguồn cảm hứng về âm nhạc, và sự hợp tác để cùng nhau xích lại gần hơn. “Và chúng tôi hy vọng sự kiện này sẽ khởi đầu cho mối quan hệ ngoại giao văn hóa song phương mạnh hơn nữa trong tương lai”, bà nói.
 
Tháng 7 này, Việt Nam và Mỹ sẽ kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Các nhà quan sát đều đồng ý rằng Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc kể từ năm 1986, khi đảng Cộng sản thông qua chương trình cải cách toàn diện, gọi là “đổi mới”, giúp phát triển nền kinh tế.
 
Việt Nam và Mỹ đã khép lại quá khứ, nhanh chóng cải thiện quan hệ mà bằng chứng rõ nhất là trong lĩnh vực chính trị, Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Mỹ George W. Bush đều đã thăm Việt Nam khi còn tại chức; Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều đã đến thăm Mỹ trong hoạt động trao đổi chuyến thăm các nhà lãnh đạo hàng đầu gần như thường niên giữa hai nước kể từ năm 2000 đến nay.
 
Các bộ trưởng hai nước, trong đó có bộ Ngoại giao và Quốc phòng, cũng gặp nhau thường xuyên hơn. Hai bên đã dần dần vượt qua được những gì của quá khứ và xây dựng được lòng tin lẫn nhau. Cải thiện quan hệ chính trị không chỉ đặt nền tảng vững chắc cho mối quan hệ nói chung, mà còn tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác.
 
Nguyễn Viết
Tổng hợp báo chí nước ngoài