1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Việt kiều mua nhà: Không có nhiều đột biến

Từ 1/9 tới Việt kiều sẽ chính thức được đứng tên sở hữu bất động sản tại Việt Nam, tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia nhà đất, thị trường nhà ở cho Việt kiều sẽ không có nhiều đột biến.

Việt kiều mua nhà: Không có nhiều đột biến - 1
Sau 8 năm, mới có khoảng 140 Việt kiều được mua nhà.
 
Thị trường nhà ở cho Việt kiều hiện không quá “sốt” như nhiều nhận định trước đó cho rằng nhà ở cho Việt kiều sẽ là kênh thu hút đầu tư và tạo xu thế nóng mới cho thị trường bất động sản trong nước.

Hai tháng trước đây, chị Lương được ủy quyền từ người bà con bên Đức tìm mua căn hộ chung cư tại một dự án trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.

Chị cho biết, người nhà bên Đức thấy thị trường nhà chung cư tại Hà Nội đang tăng giá nên gửi tiền về nước đầu tư. Từ đầu năm 2009 đến nay, nhà chị Lương được ủy quyền mua 5 căn hộ theo hình thức này.

Sắp tới khi chính sách mới cho phép Việt kiều được đứng tên trong các giao dịch mua bán nhà ở, chị sẽ sang tên cho người em của chị hiện đang làm việc ở nước ngoài, chị Lương cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản GTC, thành viên của Tập đoàn Tài chính và thương mạị Việt kiều tại Ba Lan TSQ Finance Groupcũng có quan điểm giống chị Lương. Ông Tám cho rằng, thời gian tới giao dịch sang tên sở hữu nhà từ người thân sang Việt kiều sẽ nhiều hơn những giao dịch về mua bán nhà.

Thực tế nhà cho Việt kiều đã được mua bán giao dịch “ngầm” từ lâu. Việt kiều thường đầu tư dưới hình thức góp vốn, uỷ quyền mua hoặc đầu tư trực tiếp từ nước sở tại thông qua văn phòng đại diện của các công ty.

Trong hầu hết các phân khúc thị trường hấp dẫn đều có đồng vốn của kiều bào như thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhà biệt thự, chung cư. Dự án Làng Việt kiều châu Âu là một ví dụ. Ông Tám cho biết, 35 - 40% số người đầu tư vào dự án Làng Việt kiều Châu Âu là Việt kiều.

Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản cho biết, thực tế giới đầu cơ đã nắm bắt nhanh sự thay đổi của chính sách. Họ đặt cọc mua hàng chục căn hộ chung cư, biệt thự tại những dự án đang là điểm ngắm của Việt kiều.

Nhưng cùng với sự chững lại chung trên toàn thị trường, hiện dân đầu tư khá thất vọng vì sức mua của Việt kiều không ồ ạt như dự đoán. Anh Lãm, một môi giới chuyên nghiệp cho rằng, giao dịch bất động sản một tháng gần đây đang chững lại và khó thành công hơn trước.

Nhận định về thị trường nhà ở cho Việt kiều thời gian tới, ông Tám cho biết, thị trường sẽ tăng thêm về giao dịch nhưng sẽ không nhiều đột biến khi chính sách bắt đầu có hiệu lực. Với một thị trường đã tồn tại từ lâu những giao dịch ngầm thì cần có thời gian để giới đầu tư nhận định về chính sách và xác định xu hướng thị trường.

Tuy vậy, giới đầu tư vẫn tin tưởng về lâu dài, thị trường nhà ở cho Việt kiều sẽ có sự tăng trưởng mạnh khi hệ thống pháp lý đã đi vào ổn định, tạo niềm tin cho giới làm ăn.

Một con số thống kê lượng hiều hối năm 2008 với mức 8 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2007. Khoảng 3.000 doanh nghiệp đứng tên hoặc có vốn của người Việt Nam ở nước ngoài và 60% dự án do kiều bào triển khai hiệu quả. Điều đó cho  thấy tiềm năng của thị trường này và sẽ có nhiều dự án đón đầu xu hướng trên.

Trên số liệu thống kê chính thức, Bộ Xây dựng cho biết, sau 8 năm triển khai chủ trương cho Việt kiều mua nhà ở, chỉ có khoảng hơn 140 Việt kiều được mua nhà, chiếm chưa tới 0,2% so với nhu cầu.

Giới kinh doanh cho rằng, điểm chốt để để đẩy nhanh việc bán nhà cho Việt kiều là tính ổn định của hành lang pháp lý và sự ổn định về mặt thị trường, Việt kiều mua nhà sẽ yên tâm và biết được họ cũng sẽ được hưởng những quyền lợi cơ bản khi mua nhà trong nước.

Theo Hạnh Liên
VnEconomy