“Việc gì dân bức xúc đều quan trọng với lãnh đạo”

“Người lãnh đạo không thể nói tôi lo cho hơn 3 triệu dân chứ một vài trăm hộ mất điện, thiếu nước sạch thì quan trọng gì. Bởi không lo được cho vài trăm hộ thì chắc gì lo được cho hàng nghìn hộ” - Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao đổi với báo ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới.

Thưa ông, ông có thể cho biết tâm trạng của mình khi nhận quyết định về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội?

 

Khi nhận quyết định về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, tâm trạng của tôi chia làm hai nửa: lưu luyến với công việc mà mình đang làm ở một lĩnh vực mà tôi đã nắm bắt được và đang trên đà phát triển. Nửa còn lại, nổi trội hơn, là sự lo lắng về công việc tương lai bởi trách nhiệm được giao hết sức nặng nề.

 

Thời gian gần đây những thông tin gì về thành phố Hà Nội được phản ánh trên báo chí khiến ông thấy quan tâm?

 

Tôi đã sống ở Thủ đô được vài chục năm với tư cách là công dân nên những thông tin chung về tình hình kinh tế - xã hội ở thành phố thì tôi cũng nắm bắt được như mọi người. Còn những thông tin cần thiết cho một người ở cương vị lãnh đạo thì nói thật tôi cũng chưa có điều kiện tìm hiểu một cách cặn kẽ.

 

Tuy thế, tôi cảm thấy có một áp lực từ phía nhân dân cũng như từ phía cán bộ, đảng viên về đòi hỏi cần phải đổi mới nhanh hơn nữa đối với nhiều lĩnh vực ở Thủ đô Hà Nội. Đây vừa là mong muốn của người dân Thủ đô đồng thời cũng là mong muốn chung của nhân dân cả nước vì trái tim của cả nước là Hà Nội.

 

Thứ đến, tôi cũng hình dung được mức độ khó khăn, phức tạp của những công việc sẽ diễn ra trên địa bàn Thủ đô.

 

Ông có nghe thông tin về việc Hà Nội bị tụt đến 26 bậc so với năm trước trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh của các địa phương vừa được công bố?

 

Đó là thông tin khiến cho tất cả mọi người đều phải suy nghĩ, đặc biệt là những người lãnh đạo, quản lý ở Thủ đô. Tôi nghĩ, bất luận vì lý do gì, cho dù sự đánh giá ấy chưa thực sự chính xác thì cũng đặt ra cho mọi người câu hỏi đầu tiên  là vì sao lại tụt hạng như vậy.

 

Tôi sẽ phải đi sâu tìm hiểu nguyên nhân chủ quan của việc tụt hạng này. Đó là một thách thức đặt ra đối với tập thể những người lãnh đạo của thành phố Hà Nội, trong đó có tôi.

 

Thời gian gần đây kinh tế - xã hội của Thủ đô có nhiều khởi sắc, nhưng vấn đề lớn nhất mà người dân cũng như các doanh nghiệp thường kêu là bộ máy công quyền ở Thủ đô khá quan liêu và chậm đổi mới. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

 

Tôi thấy gần như tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp có mối quan hệ  công việc với  chính quyền Thủ đô đều mong muốn các cơ quan ở Thủ đô cần phải có sự đổi mới sâu sắc, mạnh mẽ, nhanh chóng hơn trong giải quyết công việc.

 

Tôi hiểu, mật độ công việc của Thủ đô Hà Nội chắc là rất nhiều. Trong khi đó, như tôi đã nói, yêu cầu của người dân, các doanh nghiệp với các cơ quan ở Thủ đô là tốc độ giải quyết công việc phải nhanh hơn, thuận lợi hơn ở các địa phương khác chứ không thể lại thua kém hơn. Với những đòi hỏi như thế thì quả thật việc giải quyết công việc trên địa bàn Thủ đô chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ, không có cách nào khác là phải làm sao để toàn thể bộ máy rồi từng cán bộ, công chức ở Thủ đô phải làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao hơn.

 

Hà Nội cũng là nơi làm việc của các cơ quan Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội thường nói rằng như thế cũng có cái thuận nhưng cũng có cái khó. Chẳng hạn rất khó tạo ra được sự đột phá vì làm gì cũng dễ bị “soi”, bị “thổi còi”, ông có nghĩ như vậy?

 

Tôi từng nghe một số cán bộ lãnh đạo ở Hà Nội nói về tâm tư đó. Về mặt nào đó tôi chia sẻ tâm tư này. Tôi có thể lấy ví dụ trong lĩnh vực văn hoá, Hà Nội muốn thực hiện quy định về việc cưới, việc tang lành mạnh và tích cực hơn nữa.

 

Thế nhưng cán bộ nhiều cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội lại không gương mẫu hưởng ứng bởi họ cho rằng đó là quy định của Hà Nội. Nhưng, nếu nói về tổng thể, Hà Nội ở gần các cơ quan Trung ương sẽ tạo cho Hà Nội nhiều thuận lợi hơn, tạo cho Hà Nội những ưu thế mà nhiều địa phương khác không thể có, trước hết là đội ngũ nhân tài, trí thức quy tụ ở Thủ đô rất nhiều.

 

Ngay cả khi có ý kiến khác nhau về một vấn đề thì cái thuận lợi là ở chỗ Hà Nội có điều kiện lựa chọn được giải pháp tối ưu.

 

Trước đây, ông là lãnh đạo một Bộ chuyên ngành với những công việc mang tính vĩ mô. Nay về lãnh đạo Đảng bộ một thành phố là Thủ đô, có thể nói những việc như một vài trăm hộ dân bị mất điện, thiếu nước sạch; một công trình chưa đẹp, thậm chí một hàng cây cổ thụ bị chặt phá... đều có thể gây sức ép với ông. Ông đã chuẩn bị thế nào để đón nhận những sức ép như thế và lớn hơn thế?

 

Tôi nghĩ với người dân việc gì cũng đều quan trọng. Người lãnh đạo không thể nói tôi phải lo cho mọi người chứ còn vài chục hoặc vài trăm hộ dân gặp khó khăn so với hơn 3 triệu dân thì có nghĩa lý gì.

 

Người dân có quyền đặt câu hỏi nếu vài trăm hộ mất điện, thiếu nước mà lãnh đạo không giải quyết được thì chuyện mất điện, thiếu nước và những chuyện quan trọng hơn đối với hàng nghìn hộ chắc gì đã lo được.

 

Thế nên, bất kể chuyện gì là bức xúc với người dân thì đều là vấn đề quan trọng đặt ra với người lãnh đạo chứ người lãnh đạo không thể nói đó là việc của thiểu số nên không quan trọng.

 

Tôi nghĩ rằng việc cần làm nhất đối với một người lãnh đạo là tạo ra sự đồng thuận trong bộ máy để tất cả mọi người cùng hướng đến công việc với một tinh thần trách nhiệm cao nhất.

 

Bởi lẽ, chủ trương dù đúng, lãnh đạo dù có quyết tâm cao nhưng nhiều người trong bộ máy không hưởng ứng thì tất cả các chủ trương, nghị quyết, các dự án... cũng chỉ nằm lại trong ý tưởng hoặc trong ngăn kéo mà thôi.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Theo Hữu Khôi

Tiền Phong