Hải Phòng:

Việc "cỏn con" mà 9 năm không giải quyết được cho dân

(Dân trí) - Vụ việc được lãnh đạo quận khẳng định là điểm nóng nhưng lại không có động thái mạnh để giải quyết dứt điểm đẩy người dân vào việc khiếu kiện kéo dài suốt 9 năm nay. Mặc dù, cấp thành phố đã 2 lần hướng dẫn, đốc thúc quận giải quyết dứt điểm cho dân nhưng vụ việc vẫn cứ dậm chân tại chỗ.

Thanh tra kết luận 1 đường, quận nêu quan điểm một nẻo

Khu đất rộng 275,5 m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Hưng, số 6/114 Lê Lai – phường Máy Chai- quận Ngô Quyền- TP Hải Phòng được xác lập nguồn gốc khai hoang phục hóa trên diện tích mương máng trước năm 1991. Đến 1992, gia đình ông Hưng đã san lấp mặt bằng để làm nhà ở và trồng cây ăn quả ổn định cho đến năm 2007 thì bỗng nhiên bị công ty cổ phần xăng dầu và dầu khí Phú Thọ lấy làm đường đi mà không qua đền bù, hỗ trợ.

Từ đó đến nay, gần 100 m2 đất của gia đình ông Hưng trở thành cổng chính nhà máy, nhiều phương tiện container và xe tải trọng lớn ra vào hàng ngày khiến gia đình ông phải chuyển đi nơi khác sinh sống, bỏ hoang căn nhà đã xây dựng.

 

Phần đất của gia đình ông Hưng đang bị công ty sử dụng 9 năm nay nhưng không được đền bù hỗ trợ
Phần đất của gia đình ông Hưng đang bị công ty sử dụng 9 năm nay nhưng không được đền bù hỗ trợ

 

Để đòi lại phần đất bị chiếm dụng, gia đình ông Hưng đã hàng chục lần có đơn kiến nghị lên UBND quận Hải An và các cấp thành phố Hải Phòng nhưng suốt 9 năm nay, quyền lợi của dân vẫn bị địa phương lãng quên.

UBND quận Hải An cùng công ty liên quan cũng đã phải nhiều lần tổ chức họp, đối thoại với gia đình ông Hưng nhưng tất cả mọi ý kiến đều chỉ ở trên giấy.

Thanh tra quận Hải An cũng đã vào cuộc. Kết luận thanh tra ngày 12/03/2009 nêu rõ: Mảnh đất này nguồn gốc là đất mương máng. Tháng 2/1991, bà Nguyễn Thị Hạ ở xã Đông Hải tự sử dụng trồng rau muống. Đến ngày 16/12/1991 bà Hạ bán khu đất trồng rau muống này cho gia đình ông Nguyễn Văn Hưng. Trong quá trình sử dụng năm 1992, gia đình ông Hưng đã tự san lấp, làm nhà ở và trồng cây ăn quả.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, năm 1998, Công ty cổ phần xăng dầu và dầu khí Phú Thọ thi công phần cổng đi vào nhà máy ngang qua diện tích đất nhà ông Hưng đang sử dụng với diện tích đất là gần 100m2. Công ty đã thi công trên phần đất của nhà ông Hưng nhưng chưa tiến hành hỗ trợ và đền bù cho người dân, kể cả về đất và tài sản trên đất.

Để bảo vệ đất, gia đình ông Hưng đã cho rào lại diện tích đất của mình. Tháng 1/2009, UBND quận Hải An đã can thiệp yêu cầu gia đình tạo điều kiện cho công ty thi công. UBND quận Hải An cũng yêu cầu công ty phải nhanh chóng đền bù, hỗ trợ cho người dân dựa trên nguyên tắc thỏa thuận. Tuy nhiên từ đó đến nay gia đình ông Hưng vẫn mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ.

 

Sơ đồ hiện trạng khu đất do thanh tra quận thực địa địa xác nhận
Sơ đồ hiện trạng khu đất do thanh tra quận thực địa địa xác nhận

 

Khi nhà máy xây xong, Công ty dầu khí Phú Thọ không đền bù cho gia đình ông Hưng mà bán toàn bộ nhà máy cùng diện tích đất chiếm dụng cho công ty TNHH Tiếp vận Hải Minh.

Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND quận Hải An. Ông Lê Long Hưng, Chánh văn phòng, người phát ngôn quận cho biết, đúng là có vụ việc như trên. Quận cũng xác định đây là một "điểm nóng" cần giải quyết để tránh khiếu kiện kéo dài.

Ông Phạm Chí Bắc, Chủ tịch UBND quận Hải An, cho rằng, diện tích đất gần 100m2 đó là đất gì, của ai thì cần phải xác định rõ. Nếu trước đây là đất mương thì "muôn đời chỉ là đất mương". Theo quan điểm này của ông Bắc thì lẽ nào Luật Đất đai năm 1993 và 2004 của nhà nước ban hành không có hiệu lực? Kết luận thanh tra cũng như tinh thần của các cuộc họp trước cũng vô nghĩa?

Quận "lờ" văn bản đốc thúc?

Lãnh đạo phường Đông Hải 2, nơi xảy ra vụ việc, cho biết, gia đình ông Hưng đòi quyền lợi trên diện tích đất bị mất là đúng pháp luật. Phường đã nhiều lần yêu cầu phía công ty phải thực hiện trách nhiệm tài chính và đền bù cho dân nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện.

Trao đổi với PV Dân trí, phía công ty tiếp vận vận tải Hải Minh khẳng định, họ chưa đền bù diện tích đất đang sử dụng cho gia đình ông Hưng là do không có cơ chế cụ thể hay quyết định đúng pháp luật nào để căn cứ. “Đền bù bao nhiêu chúng không từ chối nhưng UBND quận Hải An phải có phương án đề bù với các mức giá cụ thể cho chúng tôi thực hiện”, ông Trần Đoàn Viện, Phó giám đốc công ty cho biết.

 

Công ty xây dựng ổn định trên đất của dân nhưng quận vẫn chưa thể ra được nổi 1 quyết định thu hồi hợp pháp
Công ty xây dựng ổn định trên đất của dân nhưng quận vẫn chưa thể ra được nổi 1 quyết định thu hồi hợp pháp

 

Ý kiến của Công ty tiếp vận vận tải Hải Minh là hợp lý bởi trên thực tế, trước khi có quyết định giao đất cho công ty xây dựng nhà máy, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu UBND quận Hải An lập ra ban đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi, hỗ trợ diện tích đất hoàn tất cho nhà máy. Việc “bỏ sót” gần 100 m2 đất của nhà ông Hưng là “lỗi” của chính quyền địa phương.

Sở Tài nguyên môi trường TP Hải Phòng cũng đã có các công văn gửi UBND quận Hải An để đốc thúc giải quyết vụ việc. Trong đó công văn số 2082 ra ngày 03/11/2014 do Giám đốc Sở - ông Bùi Quang Sản nêu rõ: Phía công ty đang sử dụng đất của người dân thống nhất đền bù hỗ trợ về đất đai, tài sản gắn liền trên đất cho hộ ông Hưng theo phương án bồi thường, hỗ trợ của Trung tâm Quỹ đất quận Hải An. Sở đề nghị UBND quận Hải An nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất xác lập phương án để có đền bù hợp lý cho hộ ông Hưng.

Sau công văn trên, Trung tâm Quỹ đất quận vẫn không có động thái gì để giải quyết vụ việc.

Ông Nguyễn Văn Hưng bất bình: "Nếu quận bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp để họ sử dụng đất của gia đình tôi thì quận phải yêu cầu họ bồi thường, hỗ trợ cho tôi. Giao đất để ủng hộ chủ trương nhưng chính quyền không có được chủ trương cho dân thì dân có quyền đòi lại tài sản của mình”.

Thu Hằng