1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vỉa hè lát đá siêu bền ở Hà Nội, vì sao phải "vá"?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Ban Quản lý dự án quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã lên tiếng lý giải vì sao vỉa hè tuyến phố Nguyễn Trãi và Lê Trọng Tấn được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, sau 5-6 năm đưa vào sử dụng đã có nhiều chỗ hỏng, vỡ.

Ngày 13/12, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA) quận Thanh Xuân (thuộc UBND quận Thanh Xuân) cho biết, đơn vị đang tiến hành duy tu, bảo trì, thay mới các đoạn vỉa hè lát bằng đá tự nhiên trên tuyến phố Nguyễn Trãi và phố Lê Trọng Tấn.

Vỉa hè lát đá siêu bền ở Hà Nội, vì sao phải vá? - 1

Hình ảnh công nhân hì hụi "vá" vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi sáng 13/12 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Theo vị lãnh đạo này, sau khi hết thời hạn bảo hành, 2 tuyến phố này sẽ được bảo trì, duy tu. Lý giải về thực trạng nhiều vị trí vỉa hè ở phố Nguyễn Trãi và phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn dù được lát đá "siêu bền" nhưng sau 5-6 năm đưa vào sử dụng đã "vỡ vụn", vị lãnh đạo này cho biết do rất nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, vỉa hè được thiết kế theo tiêu chuẩn cho người đi bộ nhưng nhiều thời điểm xe cộ vẫn leo lên.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, công tác duy tu vỉa hè chưa được cơ quan chức năng chú trọng, dẫn đến hiện tượng "vết dầu loang". Ban đầu, chỉ một viên gạch bị vỡ hỏng nhưng không được thay thế kịp thời, lại tiếp tục chịu lực tác động lớn (xe cộ đi lên, ô tô đỗ, người dân vứt hàng hóa, đồ đạc nặng, cứng xuống…) khiến nhiều viên gạch liền kề bị nứt, vỡ.

Vỉa hè lát đá siêu bền ở Hà Nội, vì sao phải vá? - 2

Một đoạn vỉa hè được lát đá "siêu bền" trên đường Nguyễn Trãi bị vỡ nát (Ảnh: Nguyễn Trường).

Một nguyên nhân khách quan khác là do các đơn vị hạ ngầm bên điện lực, thoát nước, viễn thông khi cậy đá vỉa hè lên để thi công đã hoàn trả mặt bằng "không chuẩn".

"Đồng thời đá lát vỉa hè có thể được khai thác bằng mìn nên bị om thớ, đây cũng là một trong các nguyên nhân. Vỉa hè được lát đá để đi bộ thì không sao nhưng khi xe cộ đi lên, đá có thớ bị om gặp lực tác động dẫn đến hiện tượng bị nứt, vỡ. Ngoài ra còn do chất lượng đầu vào của đá lát vỉa hè; kích thước, thiết kế đá vỉa hè…" - vị này thông tin thêm.

Nói về giải pháp khắc phục, theo vị lãnh đạo Ban QLDA quận Thanh Xuân, kể từ năm nay đơn vị sẽ thực hiện nghiêm túc việc bảo trì, duy tu các vỉa hè trên địa bàn quận.

"Công tác này sẽ được thực hiện thường xuyên. Khi phát hiện một viên gạch vỡ sẽ lập tức thay ngay, tránh hiệu ứng "vết dầu loang. Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp với UBND phường xử phạt các trường hợp vi phạm xâm hại vỉa hè" - vị này nói.

Đối với các đơn vị hạ ngầm, khi muốn thi công công trình khác trên vỉa hè, Ban QLDA quận Thanh Xuân sẽ yêu cầu phải được cấp phép đầy đủ theo quy định, đảm bảo chất lượng vỉa hè khi hoàn trả, không có chuyện hoàn trả qua loa khiến vỉa hè xuống cấp.

Đặc biệt, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế các phương tiện đi lại trên vỉa hè.

"Ban QLDA kỳ vọng khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, tiến hành duy tu thường xuyên, liên tục sẽ giúp tuổi thọ vỉa hè cao hơn. Năm nay, khái toán kinh phí duy tu toàn bộ các vỉa hè trên địa bàn quận khoảng 2 tỷ đồng, bao gồm cả vỉa hè 2 tuyến phố Nguyễn Trãi và Lê Trọng Tấn" - vị này nói.

Vỉa hè lát đá siêu bền ở Hà Nội, vì sao phải vá? - 3

Nhiều vị trí vỉa hè ở tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn đang được bảo trì, thay thế bằng các viên đá mới (Ảnh: Thành Trung).

Được biết, năm 2016, TP Hà Nội đầu tư 224,6 tỷ đồng xây dựng tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn. Kinh phí để thực hiện riêng các hạng mục như hệ thống chiếu sáng, hệ thống bó vỉa, gạch lát hè… ở tuyến phố này chiếm khoảng 50 tỷ đồng.

Năm 2017, quận Thanh Xuân đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho hạng mục vỉa hè, trong đó có lát đá ở đường Nguyễn Trãi. Chi phí lớn như vậy được lý giải là do toàn tuyến Nguyễn Trãi dài hơn 7km, vỉa hè rộng, phải đồng bộ cả chiếu sáng, hạ ngầm, cây xanh.

Tuy nhiên, sau 5-6 năm sử dụng, hiện nhiều vị trí vỉa hè trên phố Nguyễn Trãi, phố Lê Trọng Tấn bị vỡ nát, bong tróc, xuống cấp.

Hà Nội đã lát đá "siêu bền" được 255 tuyến phố

Về chủ trương, năm 2016, Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội thể hiện, sau 6 năm triển khai kế hoạch trên, đến nay các quận đã lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố. Các tuyến phố được lát đá "siêu bền" tập trung ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ.

Cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa một lần công bố tổng số tiền dành cho việc thay, lát đá vỉa hè của 255 tuyến phố này.