1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Vì sao khách bộ hành phải đi dưới lòng đường?

(Dân trí) - Câu hỏi trên rất dễ trả lời: vì vỉa hè bị lấn chiếm. Nhưng tại sao TPHCM thực hiện năm Văn minh đô thị, dọn dẹp lòng đường vỉa hè suốt 2 năm qua mà vỉa hè vẫn bị lấn chiếm? Câu hỏi này thì hơi khó trả lời.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an TPHCM), từ khi Nghị định 34/2010/NĐ-CP có hiệu lực đến nay TP vẫn chưa xử phạt bất cứ trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, đi bộ dưới lòng đường nào.
 
Vì sao khách bộ hành phải đi dưới lòng đường? - 1
Lề đường đậu xe máy, lòng đường đậu ô tô, chỗ nào cho người đi bộ? (ảnh chụp trên đường Nguyễn Văn Chiêm)
 
Theo lãnh đạo nhiều phường trung tâm TP, những nơi có tình trạng lấn chiếm vỉa hè phức tạp thì việc xử phạt hành vi vi phạm này khó thực hiện vì mức xử phạt theo nghị định mới là quá cao (20 - 30 triệu đồng/lần), những người buôn bán nhỏ khó mà đóng phạt nổi.
 
Tuy nhiên, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định mức xử phạt tăng nặng là để tăng tính răn đe, nâng cao hiệu quả của chế tài hành chính nên lý do của chính quyền địa phương khó mà thuyết phục.
 
Ngoài ra, thực tế tại TPHCM cho thấy: hai năm qua, hoạt động dọn dẹp vỉa hè nhằm nâng cao mỹ quan vẫn được thực hiện thường xuyên. Nhưng đối tượng lại là những người buôn gánh, bán bưng, những người buôn bán nhỏ nghèo khổ thực sự.
 
Vì sao khách bộ hành phải đi dưới lòng đường? - 2
Những đối tượng chính bị đẩy, đuổi thời gian qua là đây!
 
Khi bị bắt, lập biên bản xử phạt thì đối tượng này đúng là không có khả năng đóng phạt, thường họ sẽ bỏ hàng và không chịu ký biên bản. Vì áp lực mưu sinh, sau khi bị dẹp, họ lại sắm sửa gánh hàng khác và tiếp tục buôn bán, gặp trật tự đô thị họ lại gánh hàng chạy… Vì những đối tượng này không có cơ sở kinh doanh cố định, không chịu nhiều ràng buộc, là những “kẻ trọc đầu” nên hoạt động này đúng là rất khó quản.
 
Nhưng đối tượng lấn chiếm vỉa hè chủ yếu lại là các quán ăn, cửa hàng vì muốn mở rộng diện tích kinh doanh nên trưng bày hàng hóa, dụng cụ kinh doanh ngay trên vỉa hè. Đó là “những người có tóc”, những người có cơ sở kinh doanh đàng hoàng, dễ dàng áp dụng chế tài hành chính, họ cũng không hẳn là những người buôn bán nhỏ, ít vốn.
 
Vì sao khách bộ hành phải đi dưới lòng đường? - 3
Đây là những cơ sở nhỏ, không đủ tiền đóng phạt?
 
Đặc biệt tại khu vực trung tâm TPHCM, những bãi giữ xe trên vỉa hè tồn tại nhiều năm qua trên hàng loạt tuyến đường như Cao Bá Quát, Thái Văn Lung, Nguyễn Văn Chiêm… Thu nhập của các bãi giữ xe này cũng rất cao (mỗi xe gắn máy gửi 1 – 2 tiếng đồng hồ giá 5.000 đồng, mỗi bãi giữ hàng ngàn lượt xe/ngày). Do đó, không thể lấy lý do mức phạt quá cao mà không thực hiện xử phạt được.
 
Vì sao khách bộ hành phải đi dưới lòng đường? - 4
Mỗi ngày bãi xe như thế này thu vào hàng triệu đồng nên với mức phạt 50 - 100 ngàn đồng như cũ không thấm vào đâu (ảnh chụp trên đường Cao Bá Quát)
 
Nếu áp dụng đúng Nghị định, xử phạt đúng mức phạt nặng trên thì các cơ sở này chắc chắn sẽ chùn chân, không dám liên tục tái phạm hành vi lấn chiếm vỉa hè nữa. Nhưng có lẽ vì nhiều lý do khó nói mà cơ quan chức năng không thể xử phạt những đối tượng trên.
 
Và vì không xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè nên vỉa hè vẫn bị lấn chiếm trong suốt 2 năm thực hiện văn minh đô thị vừa qua. Vì vỉa hè bị lấn chiếm nên người đi bộ buộc phải đi dưới lòng đường. Do đó cơ quan chức năng cũng không thể xử phạt người đi bộ dưới lòng đường.
 
Tùng Nguyên