1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vi phạm xây dựng vì… áp lực Đại lễ

(Dân trí) - Trong khi sông Tô Lịch là điểm tiêu thoát nước trọng yếu của Hà Nội thì tuyến đường vành đai III là hạng mục tiêu biểu và quan trọng mừng Đại lễ. Mặc dù chưa có giấy phép nhưng nhà thầu vẫn ngăn dòng thi công với lý do… áp lực ngày Đại lễ.

Sự việc trên xảy ra ở tuyến sông Tô Lịch đoạn chảy qua cầu Dậu (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đây là hợp lưu của hai tuyến thoát nước nội đô là sông Tô Lịch và sông Lừ. Trong giai đoạn nước rút vì ngày Đại lễ 1.000 năm cận kề, đơn vị nào cũng đưa ra lý do riêng đối với công trình mình đang thi công mà không đi đến sự đồng thuận.

Hà Nội có nguy cơ chìm trong nước khi mưa lớn

Tại hiện trường, PV Dân trí ghi nhận hoạt động thi công P220 của Công ty CP Xây dựng Công trình giao thông 419 (CT 419), thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco 4) khi đang đóng cọc larsen xuống lòng sông Tô Lịch gây ảnh hưởng đến dòng chảy qua đoạn này.

Trước đó, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) đã có giấy phép và thỏa thuận về biện pháp dẫn dòng, thoát nước tại hai trụ cầu vượt P291, P220 với Công ty Thoát nước Hà Nội và được công ty này đồng ý cho PMU Thăng Long thi công xong trụ cầu P219 mới tiếp tục thi công trụ P220.
 
Vi phạm xây dựng vì… áp lực Đại lễ - 1

Việc thi công đồng thời 2 trụ cầu đã làm bó hẹp dòng chảy của sông Tô Lịch và gây ảnh hưởng lớn cho việc thoát nước

Ông Nguyễn Văn Khanh (Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 6, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội) cho biết: việc thi công bắt buộc phải thực hiện từng trụ một thì mới đảm bảo tiêu thoát nước nhưng đơn vị thi công đã vi phạm thỏa thuận giữa 2 bên khi đóng cọc ép cừ cả 2 móng trụ cầu cùng lúc.

Chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản vi phạm với đơn vị thi công vào các ngày 8/7, 21/7 và 22/7, nhưng sau khi ký vào biên bản vi phạm, đơn vị vẫn tiếp tục thi công khiến dòng chảy của sông bị thắt lại. Tại hiện trường đoạn hợp lưu sông Tô Lịch, sông Lừ chảy qua cầu Dậu, mặt cắt ngang của sông ban đầu là 41m nay đã bị thu hẹp chỉ còn 24,5m.

Cũng theo ông Khanh: nếu ngã ba sông Tô Lịch và sông Lừ đoạn qua cầu Dậu bị chặn dòng như hiện nay thì khi có mưa to, cả TP Hà Nội sẽ ngập chìm trong nước. Hiện nay, việc thoát nước qua đoạn sông trọng yếu này đang bị ảnh hưởng lớn bởi việc thi công 2 trụ cầu vượt là P219 và P220 thuộc gói thầu số 3, Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 tuyến đường vành đai 3 của Hà Nội, đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm. Đại diện của PMU Thăng Long khẳng định dù có bị lập biên bản, bị cưỡng chế thì công trình vẫn buộc phải thi công, buộc phải hoàn thành trước ngày Đại lễ.

“Vì Đại lễ, bắt buộc phải vi phạm”

Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tú (Chuyên viên phòng Quản lý Dự án I, PMU Thăng Long). Ông Tú cho biết: “Sau khi dự án được Bộ GTVT thông qua thì mãi đến ngày 28/5 đơn vị tài trợ mới chấp thuận cấp vốn nên gói thầu số 3 đoạn qua cầu Dậu không thể thi công xong trước mùa mưa bão. Trong khi đó, đây là điểm nối để thông cầu Thanh Trì với đường vanh đai III, là công trình phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Để chuẩn bị cho việc thi công, trước đó PMU Thăng Long đã gửi văn bản rất nhiều văn bản xin Công ty Thoát nước Hà Nội cấp phép thi công trụ P219 và P220, đồng thời đưa ra các giải pháp để đảm bảo dẫn dòng, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới dòng chảy và tiêu thoát nước. Sau khi đóng xong cọc ở trụ P219, chúng tôi tiếp tục xin cấp phép trụ P220 nhưng không hiểu tại sao đơn vị quản lý không đồng ý”.
 
Vi phạm xây dựng vì… áp lực Đại lễ - 2
Tuy nhiên, đơn vị thi công cho biết họ không thể không vi phạm vì... áp lực Đại lễ

“Đây là công trình mừng Thủ đô 1.000 năm tuổi nên PMU Thăng Long luôn chỉ đạo và yêu cầu nhà thầu làm đúng quy định, không được phép để xảy ra sai phạm, nhưng do áp lực phải hoàn thành đúng dịp Đại lễ, việc thi công của chúng tôi chỉ còn 60 ngày nữa phải hoàn thành nên nhà thầu bắt buộc phải đẩy nhanh tiến độ” - ông Tú cho hay.

Về ảnh hưởng tới thoát nước Hà Nội khi công trình cùng lúc thi công 2 hạng mục, ông Tú cho biết đã chỉ đạo đơn vị thi công đóng cọc bờ vây xuống thấp, cách mặt sông khoảng 40cm để khi có mưa nước có thể tràn qua.

Được biết, liên quan đến việc thi công hạng mục này, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã gửi công văn hỏa tốc tới UBND TP Hà Nội đề nghị can thiệp, chỉ đạo các ban, ngành liên quan chấp thuận phương án dẫn dòng phục vụ thi công trụ P220.

Ngày 26/7, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, PMU Thăng Long và nhà thầu đã có cuộc họp bàn về vấn đề thoát nước và thi công các hạng mục trên sông Tô Lịch đoạn qua cầu Dậu. Theo đó, đơn vị thi công buộc phải hoàn thành việc nạo vét lòng sông đoạn qua cầu Dậu chậm nhất vào ngày 30/7, hạ cốt nước xuống mức1,3m, hạ cốt ép cừ xuống mức 3,3m nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến thoát nước.

Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã cận kề, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội các công trình, hạng mục xây dựng chào mừng đều đang trong giai đoạn nước rút. Có lẽ tất cả người dân Hà Nội đều ủng hộ những chương trình hướng tới Đại lễ nhưng cần thiết phải có sự phối hợp đồng thuận của các ngành chức năng, các đơn vị và quần chúng nhân dân để đạt được kết quả tốt đẹp nhất.

Châu Như Quỳnh