1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bàn về năm Văn minh đô thị tại TPHCM:

Vấn nạn rác thải, xà bần!

(Dân trí) - Một trong những hình ảnh không đẹp mắt nhất của TPHCM có lẽ là tình trạng rác thải tràn lan, vô tội vạ. Đi khắp đường lớn, hẻm nhỏ đều thấy rác, dù đó là phố trung tâm hay khu ngoại thành.

1. Không thể trách người dân TP thiếu ý thức, bởi trong số hơn 900 tuyến đường của TPHCM thì chỉ lèo tèo vài đoạn đường ngắn ở trung tâm có đặt thùng rác công cộng.

 

Thế nên, xả rác ra đường là chuyện “bình thường” nếu ý thức kém một chút, vì không vứt ra đường thì vứt vào đâu? Chỉ có những người rất có ý thức mới có thể giữ rác trên tay, chờ đi đến nơi có thùng rác để vứt.

 

2. Không chỉ rác thải sinh hoạt, những đống xà bần to tướng nằm thù lù trước các công trình xây dựng cao ốc đồ sộ, chiếm trọn cả vỉa hè, cũng rất khó coi. Điển hình như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, có tới 2 đống xà bần như thế tại các giao lộ với đường Điện Biên Phủ và Trương Quốc Dung.

 

Các công trình thi công cao ốc còn tự tiện xả bùn đất vào cống nước thải, ra đường, làm mặt vỉa hè và đường phố nhầy nhụa, dơ bẩn, kéo dài hàng trăm mét. Dạo quanh khu trung tâm như đường Tôn Đức Thắng (quận 1), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), cũng thấy được vài chỗ như thế.

 

Những đống xà bần, bãi nước thải xây dựng ấy quá to, nên không thể nói chính quyền địa phương không biết. Nhưng mãi vẫn không thấy chính quyền địa phương có ý kiến, không thấy các chủ công trình bị nhắc nhở phải sửa đổi.

 

3. Từ vài năm trước, các bãi rác TP đã ngừng tiếp nhận chất thải hầm cầu. Đến tháng 3 năm nay, các báo mới loan tin nhà máy xử lý chất thải hầm cầu đầu tiên của TPHCM đi vào hoạt động với công suất 500 tấn/ngày. Vậy chất thải hầm cầu trong gần 5 năm qua đi đâu, về đâu? 

 

Nếu tạm tính mỗi ngày có 1.000 tấn chất thải hầm cầu được thải ra thì trong 5 năm, con số này đã lên đến tầm 1,8 triệu tấn - một số lượng chất thải ô nhiễm khủng khiếp đã hòa vào nước kênh rạch, đổ ra sông Đồng Nai, Sài Gòn rồi hòa vào biển lớn…

 

4. Mấy năm trước, bà con Củ Chi, Hóc Môn quanh các bãi rác Phước Hiệp, Đa Phước, Đông Thạnh than trời, khiếu nại khắp nơi vì… hôi quá, ruồi bọ đầy nhà, môi trường ô nhiễm... Lúc ấy dư luận cũng chẳng mấy đồng cảm với nỗi khổ của bà con, bởi ai cũng nghĩ: Gần bãi rác thì hôi cũng đâu có gì lạ. Các cơ quan chức năng chỉ đạo xịt thuốc đuổi ruồi là xong, đâu lại vào đó.

 

Chỉ các nhà chuyên môn mới thấy lạ: rác xử lý đúng quy trình làm sao lại ô nhiễm nặng như vậy được, làm sao ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bà con như vậy được? Câu hỏi đó không thấy ai lên tiếng trả lời chính thức.

 

Bẵng đi vài năm, mới đây, Thanh tra TP phát hiện ra Công ty Môi trường đô thị đã “ăn” hàng chục tỷ đất chôn lấp rác, thuê những công ty “bà con” không biết xử lý, không có thiết bị xử lý rác để chôn rác suốt mấy năm qua. Bởi vậy, không hôi mới lạ!

 

* * *

 

Trong năm Văn minh đô thị này, TPHCM phát động phong trào Vì TP không rác, hô hào người dân nâng cao ý thức, hãy cùng hành động với nhiều biện pháp khác nhau. Thiển nghĩ, các ban ngành chức năng của TP hãy cùng hành động trước đi đã!

 

Tùng Nguyên