1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

"Tuyên chiến" với ùn tắc, tai nạn: Không thể nửa vời!

(Dân trí) - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tái khẳng định quyết tâm chống nạn tắc đường bằng nhiều giải pháp trong đó đáng chú ý là các phương án đổi giờ học, giờ làm tại Hà Nội.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng - ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu về các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 28/10 (Hình ảnh ghi từ kênh VTV1 - Đài THVN)
 
 
Bên hành lang Quốc hội chiều 27/10, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Việc lập các phương án thay đổi giờ học, giờ làm để chống ùn tắc giao thông không phải là sáng kiến hay sở thích của Bộ GTVT, mà là một trong các giải pháp đã được Chính phủ chỉ đạo từ năm 2008.
 
"Tuyên chiến" với ùn tắc, tai nạn: Không thể nửa vời! - 1
Ùn tắc giao thông là vấn nạn lớn ở các đô thị

 

Thưa Bộ trưởng, đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm để giảm tắc đường đã nhận được nhiều ý kiến phản biện vì lo ngại đảo lộn cuộc sống của một bộ phận dân cư không nhỏ?

 

Nhiều ý kiến nói giải pháp này sẽ ảnh hưởng tới giờ giấc của các công chức là nữ. Đúng là giải pháp đó có ảnh hưởng đến lợi ích của một số nhóm nhỏ. Công chức nữ có bị ảnh hưởng giờ giấc đưa con cái đi học. Nhưng công nhân làm ca thì ai đưa con di học, họ cũng là những người mẹ chứ? Số công chức không lớn so với hàng triệu công nhân lao động.

 

Chính các đại biểu Quốc hội cũng nói, phải biết hy sinh lợi ích của các nhóm nhỏ để phục vụ lợi ích cộng đồng.

 

Trong khi Bộ muốn áp dụng trên diện rộng, thì Hà Nội lại muốn thí điểm từng phần và phải có điều tra xã hội học nghiêm túc. Quan điểm của ông thế nào?

 

Chúng tôi có đề án nghiên cứu hẳn hoi, chứ không phải thích là đề xuất như vậy. Đây là giải pháp cũ, chứ không phải sáng kiến gì cả. Giải pháp này là một trong các giải pháp chống ùn tắc giao thông đã được Chính phủ đưa ra từ năm 2008.

 

Không ai nói Hà Nội không ủng hộ. Đối với một giải pháp, cần có những bước đi cụ thể. Còn chi tiết cơ quan nào phải làm những gì thì Chính phủ sẽ quyết định.
 
"Tuyên chiến" với ùn tắc, tai nạn: Không thể nửa vời! - 2
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Cần hy sinh lợi ích các nhóm vì lợi ích cộng đồng" (Ảnh tư liệu: Việt Hưng)

 

Tại phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu khá quan tâm đến giải pháp chống ùn tắc giao thông. Nhưng theo ông, cần làm gì để tình trạng này được giải quyết?

 

Giải pháp về giao thông phải tổng thể, đồng bộ từ văn bản pháp quy, đến cơ sở hạ tầng, triển khai tổ chức và cả ý thức của người thực thi, người tham gia giao thông. Giải pháp giao thông không thể đơn lẻ và chắp vá được.

 

Cần phải phân tách rõ những biện pháp trước mắt và lâu dài. Ví dụ, về lâu dài các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đường trên cao... Những việc này cần nhiều thời gian, tiền bạc.

 

Để giải quyết các vấn đề giao thông, trong đó có cả tai nạn giao thông, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

 

Theo Bộ trưởng, cần bao nhiêu thời gian để chấm dứt vấn nạn này?

 

Chỉ giải quyết được nếu toàn dân phải thực sự vào cuộc, thực sự đồng thuận. Nếu cứ đưa ra một giải pháp, rồi lại phải dừng lại thì sẽ không thể thực hiện được.

 

Ở nhiều nước, xe máy bị cấm triệt để, muốn mua ôtô cá nhân cũng phải quay số. Ở nước mình, cứ đưa ra một giải pháp gì là lại có ý kiến cho rằng đụng chạm đến quyền công dân.

 

Mọi giải pháp phải đồng bộ với nhau, không thể nửa vời. Muốn giảm phương tiện cá nhân, thì phải phát triển các phương tiện vận tải công cộng, có thế người dân mới thuận tiện và mặn mà.

 

Cả nước vào cuộc, người dân chia sẻ thì không thể không giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

 

Chỉ trong thời gian ngắn trên cương vị Bộ trưởng, ông đã có nhiều việc làm quyết liệt và nhận được nhiều ý kiến kỳ vọng. Ông nghĩ gì về điều này?

 

Tôi thấy trách nhiệm càng nặng nề hơn.

 

Nếu sau một thời gian, tai nạn và ùn tắc không giảm, Bộ trưởng có sẵn sàng để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm mình?

 

Tôi ủng hộ.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Hồng Kỹ (ghi)