1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tước bỏ quyền lực của hộ khẩu!

(Dân trí) - Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về dự án Luật Cư trú diễn ra tuần qua, đã có sự thống nhất là giữ sổ hộ khẩu nhưng nghiêm cấm việc lạm dụng các giao dịch ăn theo loại giấy này.

Cụ thể là cấm lợi dụng tấm bìa hộ khẩu để hành hạ, nhũng nhiễu công dân. Không ít người dân Việt Nam mỗi lần nghe đến hai chữ hộ khẩu vẫn còn rùng mình, bởi nó là hiện thân của thói lạm quyền tiềm tàng trong một số cơ quan nhà nước, can thiệp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là quyền tự do cư trú đã được quy định tại Hiến pháp.

Tự do cư trú, trong đó bao gồm với tự do sinh sống, làm ăn, mua bán, học hành... Nhưng một thời gian dài cuốn sổ hộ khẩu đôi khi ngang nhiên ngăn cấm các quyền đó. Các cấp chính quyền tự cho mình cái quyền to hơn Hiến pháp, đưa ra những quy định hạn chế quyền tự do cư trú của công dân.

Đã có một thời người dân khốn khổ giải bài toán "hộ khẩu đòi nhà, nhà đòi hộ khẩu", hoặc "có hộ khẩu mới xin được việc, xin được việc mới cấp hộ khẩu". Hàng trăm quy định khác kèm theo hộ khẩu đã làm tốn kém thời gian và sức lực của công dân, ngược lại một bộ phận cán bộ có quyền hành lấy đó làm "thị trường" để lợi dụng khai thác. Nền hành chính công vì thế mà trì trệ, các hoạt động khác của toàn xã hội bị tác động tiêu cực một phần cũng do hộ khẩu.

Tác hại của nó quá lớn và ai cũng thấy, còn lợi ích mà nó đem lại là gì? Ngăn cản bớt làn sóng nhập cư vào các thành phố lớn, là quản lý được trật tự an toàn xã hội, xin thưa rằng hiệu quả không cao. Thực tế cho thấy tình trạng nhập cư vào các thành phố lớn vẫn diễn ra ào ạt, người dân vì miếng cơn manh áo buộc lòng phải tìm cơ hội sống.

Còn vấn đề an ninh trật tự, ai dám nói rằng tình hình trật tự trị an ở TPHCM và Hà Nội là tốt? Có thể nói, từ trước đến nay, sự tồn tại của sổ hộ khẩu và những quy định ăn theo nó gây thiệt hại cho xã hội nhiều hơn là lợi ích.

Tuy nhiên, do chưa có cách quản lý tốt hơn hay chưa có năng lực quản lý như các nước tiên tiến thì đành phải tạm thời dung dưỡng sổ hộ khẩu thêm một thời gian. Nhưng để thực hiện việc tôn trọng công dân và tôn trọng Hiến pháp, đề nghị các cấp chính quyền bãi bỏ toàn bộ các quy định kèm theo hộ khẩu, trả lại môi trường hành chính trong sạch và văn minh.

Tiếp tục giữ nó nhưng tước bỏ quyền lực của nó, thủ tục đăng ký cũng phải rất đơn giản. Người dân có yêu cầu được đăng ký hộ khẩu và chính quyền phải có trách nhiệm cấp sổ đăng ký. Sổ hộ khẩu chỉ có "bổn phận" đến đó là chấm hết.

Lê Chân Nhân