1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tuần tới Quốc hội sẽ họp riêng về vấn đề biển Đông

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí chiều 28/5, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ họp riêng để nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông vào chiều ngày 5/6 tới.

“Theo yêu cầu của đại biểu trong phiên họp trù bị, Chủ tịch Quốc hội đã đồng ý đưa vào chương trình kỳ họp. Do đó, đoàn thư ký đã có công văn gửi Chính phủ chuẩn bị tài liệu, báo cáo với Quốc hội tình hình biển Đông”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Ông Phúc cho hay, Quốc hội sẽ họp riêng nghe báo cáo về tình hình biển Đông vào chiều ngày 5/6. Tuy nhiên, báo cáo cụ thể về tình hình biển Đông như thế nào thì còn chờ Chính phủ.

Tuần tới Quốc hội sẽ họp riêng về vấn đề biển Đông
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hành động của Trung Quốc ngoài biển Đông là vi phạm pháp luật (Ảnh Việt Hưng)

Cá nhân ông Phúc với tư cách là đại biểu Quốc hội cũng đang chờ báo cáo cụ thể của Chính phủ về tình hình biển Đông đang diễn ra như thế nào. 

Theo ông Phúc việc Trung Quốc cải tạo trái phép các bãi đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm pháp luật, vi phạm luật pháp quốc tế. Hành động đó của Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

Cũng liên quan vấn đề trên, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Quốc hội phải dựa trên báo cáo của Chính phủ về biển Đông trước, trên cơ sở đó mới cân nhắc có nên thảo luận về việc này hay không. Theo ông Rinh, Chính phủ và Quốc hội phải có phương án mở để đấu tranh chung.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, chủ quyền của Việt Nam là bất di bất dịch, còn hành động của Trung Quốc trên biển đông hiện nay là quá liều, bị cộng đồng quốc tế lên án nhiều lần. “Việt Nam hoan nghênh tin thần đấu tranh của các nước, đặc biệt là hành động của Mỹ về vấn đề biển Đông”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nói.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 28/5, đại biểu Lê Việt Trường cho rằng, khi quy định các bãi đá, bãi ngầm, bãi san hô vào trong luật chính là kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Như ở Trường Sa, ngoài phần đảo nổi còn có rất nhiều bãi nửa chìm, nửa nổi, bãi đá, bãi san hô.

“Quy định điều đó vào trong luật hoàn toàn phù hợp, không mâu thuẫn với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Chỉ có quy định chúng ta mới có cơ sở đấu tranh với các hành vi gây hại đến tài nguyên và môi trường biển, hải đảo thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta”, đại biểu Lê Việt Trường phân tích rõ.

Theo đại biểu Lê Việt Trường nếu như trong luật quy định còn góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển của chúng ta. Cụ thể như hành vi Trung Quốc đổ hàng vạn mét khối bê tông xuống biển, căn cứ trong luật Việt Nam hoàn toàn có quyền lên án họ đang làm biến dạng môi trường biển đảo, ảnh hưởng đến tài nguyên ở đây. Căn cứ vào đó Việt Nam còn có thể kêu gọi các nước lên tiếng phản đối để bảo vệ môi trường biển, hải đảo dễ dàng.

Quang Phong