1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Từ phụ hồ thành “thần y”!

(Dân trí) - Chuyện khó tin nhưng có thật đó đang diễn ra hàng ngày ở xã Thanh Thịnh, một vùng quê nghèo của huyện Thanh Chương (Nghệ An). “Thần y” vốn đã trải qua nhiều nghề, từ buôn cau, phụ hồ, thậm chí cả trộm cắp…

Sau cú ngã, phụ hồ “biến” thành “thần y”

 

Dương Đình Vị ở xóm 10, xã Thanh Thịnh trước đây có tham gia lính bộ đội biên phòng 1-2 năm. Trở về nhà, anh này cũng bôn ba nhiều nghề để kiếm sống như phụ hồ, buôn cau,... Thậm chí Vị còn có lúc hành nghề trộm cắp, có tên trong sổ đen của một số xã trong huyện. Những thông tin trên được anh Nguyễn Thế Vân - Trưởng Công an xã Thanh Thịnh - bức xúc khẳng định với chúng tôi. 

 

Được biết, anh Vị trở thành “thần y” sau một “buổi chiều định mệnh”, khi anh này đi phụ hồ ở khu tái định cư xã Hạnh Lâm (Thanh Chương), lúc xách xô vữa leo lên nhà thì bị ngã ở độ cao trên 10m nhưng không việc gì (lúc đó là khoảng đầu tháng 12 Âm lịch, năm 2007). Kể từ đó, anh Vị bỗng sinh khả năng chữa bệnh linh cảm bằng lá cây.

 

Tiếng tăm “thần y” nổi như cồn, người dân tứ xứ đổ về chữa bệnh ngày một đông. Để chứng minh danh tiếng và tài năng của mình, “thần y” đã mua 4 cuốn sổ dày cộm để ghi danh những người đã đến nhờ cậy “thầy” chữa bệnh.

 

“Thầy” chữa đủ thứ bệnh, từ đau đầu, đau mắt, đau lưng, nhức mỏi cơ thể đến cận thị, đau lưng mãn tính, viêm phế quản mãn tính, u lành... Thời gian khám cho mỗi con bệnh của “thầy” chừng 3-4 phút, sau đó “thầy” cho thuốc về sắc uống là… khỏi (!?).

 

Chúng tôi còn được nghe câu chuyện về 2 học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Chương 3 được “thầy” chữa khỏi bệnh cận thị nên cứ lúc rỗi rãi lại đến phụ giúp “thầy” chữa bệnh để tạ ơn “thầy”.

 

Đi xem “thần y” chữa bệnh

 

Có mặt tại gia đình “thầy” Vị vào một buổi sáng tinh mơ, đã thấy gần trăm người nằm ngồi la liệt từ trong nhà đến ngoài sân, chờ được “thầy” chữa bệnh. Vợ “thầy” bảo, hôm nay ngày mồng 3, ngày lẻ nên còn ít bệnh nhân (!).

 

Trong ngôi nhà ngói 3 gian khang trang, 1 người đàn ông dáng người nhỏ gầy đang giơ tay múa rối rít, miệng luôn hồi nói những lời nhân đức: “Ta làm phước cho các con, ta chẳng cần lấy tiền, miễn sao các con thành tâm thiện chí bệnh sẽ khỏi ngay...”.

 

Một phụ nữ tuổi chừng 35-40 được “thầy” chọn khám. Con đau ở đâu? Con đau như thế nào? Đã đi chữa ở đâu chưa? Đã lấy chồng chưa? Có mấy con rồi? Yêu nhau từ năm nào? Đang làm gì?... Một loạt câu hỏi được “thầy” đặt ra cho bệnh nhân. Trên tay “thầy” là một nhánh lá chanh, đưa lên ngang tầm mắt; “thầy” bắt đầu lẩm bẩm những câu gì không rõ rồi bảo người phụ nữ ngồi xuống để khám.

 

Sau khi nghe con bệnh trình bày, “thầy” nhai nhai miếng lá chanh trong mồm, đắp vào chỗ đau, đồng thời đưa tay tát mấy cái vào chỗ đau, đoạn bảo: “Thôi chưa? Hết đau chưa?”. Người phụ nữ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Thôi rồi thầy ạ. Con cảm ơn thầy (!)”.

 

Cứ thế, hết bệnh nhân này tới bệnh nhân khác (chủ yếu là phụ nữ) đều được thầy” chữa bệnh bằng cách dùng tay xoa lá chanh, cam, ổi, chè… vào những chỗ đau và hầu hết nói đã khỏi bệnh hoặc đã đỡ.

 

Từ phụ hồ thành “thần y”! - 1

 

Tính sơ trong vòng gần 4 tiếng buổi sáng, “thầy” đã chữa bệnh “thành công” cho gần 50 bệnh nhân. Thậm chí có những người đã tìm đến “thầy” 2-3 lần. Như một phụ nữ ở TP Vinh, bị tiểu đường, máu nhiễm mỡ, viêm phế quản mãn tính đã hơn 10 năm nay, chạy chữa khắp nơi không khỏi. Chị này cho biết kể từ khi theo “thầy” Vị đã giảm được 50% bệnh tình.

 

Lần thứ 2 chữa bệnh cho chị này, “thầy” nói: “Lá ni lần trước ta đã chữa cho con khỏi một số bệnh. Con thấy vô lý không? Ta làm điều vô lý một tí nha”. Tay “thầy” đặt vào cơ thể người phụ nữ kia, miệng nói: “Tay ta đã rờ vào cơ thể con, chỉ xin con một điều là cái tâm của con phải tập trung tư tưởng để ta chữa bệnh, cho con mau thôi... Chịu khó giặt quần tí con nha”. Lúc này chân “thầy” đã để vào giữa hai chân người phụ nữ…

 

Cơ quan chức năng nói gì?

 

Trao đổi với PV, Trưởng Công an xã, anh Nguyễn Thế Vân và ông Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thịnh - tỏ vẻ bức bối: “Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, không thể để anh Vị hoạt động mê tín dị đoan kiểu ấy trên địa bàn được. Việc chữa bệnh linh cảm bằng lá cây của anh Vị là một điều mê tín... Anh này có bằng cấp gì đâu, chỉ mới học hết cấp 2, quanh năm làm đồng ruộng.

 

Nghe nói anh ta “phát tài” từ khi đi làm phụ hồ ở khu tái định cư xã Hạnh Lâm, nghe đâu anh về nhà tự kheo khoang với dân làng là “thánh” ban cho “đặc ân” chữa khỏi bệnh bằng lá cây. Tin ấy lan truyền rất nhanh, người dân khắp nơi đổ về làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong thôn xóm. Trong xã chúng tôi có ai dám đến để chữa bệnh đâu. Ngay cả bà mẹ, anh trai anh Vị cũng phản đối kịch liệt và ngăn cản không cho hành nghề nữa...”.

 

Cũng theo hai cán bộ này thì xã đã có mời anh Vị lên làm việc, nhắc nhở, anh này về cũng chấp hành được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Sau đó, anh này viết một lá đơn xin xã cho anh được chữa bệnh linh cảm trên lá, không dùng thuốc tây hay bất kỳ một loại độc dược nào để làm ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người. Xã không chấp thuận nhưng anh Vị vẫn tiếp tục hành nghề. Xã đã 2 lần lập văn bản đình chỉ việc làm của anh nhưng cũng không có kết quả.

 

Hiện các lãnh đạo xã đang rất lúng túng, không biết nên áp dụng cho anh Vị mức xử phạt nào hay chuyển lên cấp trên.

 

Trưởng Công an huyện Thanh Chương, ông Phan Hữu Hán, cho biết: “Việc làm của anh Vị chúng tôi đã được Công an xã Thanh Thịnh báo cáo. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm, không thể để anh Vị hoạt động nghề này được, vì đây là một kiểu hành nghề mê tín dị đoan rất nguy hiểm... Chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống phối hợp với công an xã, xóm, bước đầu sẽ xử lý hành chính, nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý ở mức cao hơn và phải dứt điểm”.

 

Nguyễn Duy