DNews

Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM

Tâm Linh

(Dân trí) - Tòa nhà hiện là ký túc xá trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng được xây dựng từ những năm 1950-1960 của thế kỷ trước, từ một khách sạn khang trang trở thành nỗi ám ảnh của cả một bệnh viện.

Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM

Mỗi ngày, vài bóng dáng áo đồng phục màu xanh của trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (trường Cao Thắng - số 65 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Nghé, quận 1) vẫn ra vào ký túc xá của trường ở địa chỉ 931-937 đường Trần Hưng Đạo, quận 5.

Tòa nhà 11 tầng nay còn gần 30 sinh viên và hơn 50 hộ gia đình được ở. Số lượng này sẽ giảm dần trong tương lai cho đến khi không còn ai, do công trình đã xuống cấp sau khoảng 60 năm tồn tại.

Từ khách sạn, cư xá đến ký túc xá

Bà Trần Thị Ngọc (84 tuổi) mỗi buổi chiều thường chầm chậm đi dạo ngang bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM (đường Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5) gần nhà. Tọa lạc sát vách bệnh viện là tòa nhà ký túc xá của trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.

"Năm 1962 gia đình tôi từ Tiền Giang lên Sài Gòn, tìm nhà gần bệnh viện (khi đó là y viện Sùng Chính do người Hoa thành lập) để tiện cho cha mẹ tôi chữa bệnh lúc về già, đã thấy tòa này cạnh bệnh viện.

Cha tôi từng nằm dưỡng thương ở một phòng trên kia kìa", bà Ngọc chỉ tay lên phía tầng cao của ký túc xá, kể với phóng viên trí nhớ về công trình cũ kỹ.

Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM - 1
Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM - 2
Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM - 3

Cấu trúc "mỏng dính" của tòa nhà xây từ trước năm 1965 được giữ nguyên đến hiện tại (Ảnh từ trái qua phải: Tâm Linh, James Kidd Collection, Trịnh Nguyễn).

Tòa nhà ký túc xá Cao Thắng được xây dựng vào khoảng những năm 1950-1960, ban đầu là khách sạn Victoria phục vụ nơi lưu trú chủ yếu cho người Mỹ vào Sài Gòn thời bấy giờ. 

"Năm 1966 khách sạn bị đánh bom, cha tôi đã qua đời trước đó, nếu không chắc khó toàn thây. Sau đó, người ta xây dựng lại, tiếp tục làm khu cư xá cho sĩ quan Mỹ. Sau này được chuyển làm chung cư cho người dân sống như bây giờ", bà Ngọc nói.

Vụ đánh bom khách sạn Victoria ngày 1/4/1966 được ghi chép lại: Có 2 xe, chiếc đầu chở một người lính cầm súng, chiếc sau chở khoảng 100kg bom đã bị ngăn lại phía trước khách sạn. Vụ nổ khiến 3 lính Mỹ và 3 người dân Việt chết, 67 người bị thương. Ảnh hưởng đến tòa nhà 9 lầu: tầng trệt bị nổ tung, tầng 2-3 bị hư hỏng nặng, tất cả cửa sổ bị vỡ vụn. 10 cửa hàng đối diện cũng bị phá hủy.

Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM - 4

Khách sạn Victoria tan nát sau vụ nổ bom ngày 1/4/1966 (Ảnh: Thomas W. Johnson - manhhai sưu tầm).

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng được thành lập thuở đầu từ năm 1906, tiền thân là Trường Cơ Khí Á Châu thời Pháp vào Sài Gòn. Tuy nhiên trước năm 1975, tòa nhà trên chưa được sử dụng làm ký túc xá. 

Sau năm 1975, cư xá sĩ quan Mỹ cũ trở thành nơi phục vụ nhu cầu lưu trú của giảng viên và sinh viên trường Cao Thắng đến nay. Do đặc thù trường học phần lớn là nam sinh, ký túc xá cũng chỉ tiếp nhận giảng viên và sinh viên nam vào ở. Theo thời gian, để tạo điều kiện thu nhập chi phí của tòa nhà, các hộ gia đình được thuê ở, số sinh viên giảm dần.

"Sinh viên được sắp xếp ở những tầng cao nhất, trong khi không có thang máy. Những hôm học cả ngày, dù ký túc xá khá gần trường, buổi trưa tôi thà ngồi lê la quán nước còn hơn về leo lên tầng 8", một nam sinh viên chia sẻ với phóng viên.

Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM - 5

Ký túc xá cách trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng 3,4km qua đường Trần Hưng Đạo và Huỳnh Thúc Kháng (Đồ họa: Tâm Linh).

Lỗi thời và nguy hiểm

Tòa nhà ký túc xá có quy mô gồm 1 tầng trệt (làm nhà để xe và văn phòng), 9 tầng ở (cán bộ và giảng viên trường Cao Thắng, các hộ gia đình ở tầng 1-5, sinh viên ở tầng 7-8) và tầng thượng, đang có gần 200 người sinh sống bên trong.

Trên mỗi tầng gồm nhiều căn hộ rộng khoảng 20m2, có nhà vệ sinh riêng. Lối đi lên các tầng chỉ có một cầu thang bộ rộng hơn 1m, thang máy đã hỏng không hoạt động. 

Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM - 6
Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM - 7
Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM - 8
Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM - 9

Những hình ảnh thể hiện sự xuống cấp, lỗi thời của tòa nhà hiện nay (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã ký văn bản chỉ đạo xử lý sau khi tiếp nhận công văn ngày 13/10 của Sở Y tế TPHCM báo cáo việc xuống cấp nghiêm trọng của tòa nhà ký túc xá trường Cao Thắng, gây ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị và thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh, y bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình nằm sát bên.

16 năm trước, từ lầu 5 ký túc xá một tấm đan bê tông đã rơi xuống làm chết người lái xe ôm dừng xe trước cổng bệnh viện.

Đến năm 2015, một đoạn ống nước bằng sắt rơi từ lầu 8 ký túc xá xuyên qua mái tôn cắm thẳng phòng mổ của bệnh viện, khiến các y bác sĩ và bệnh nhân bị một phen hú vía.

Năm 2019, khu ký túc xá trên đã 2 lần xảy ra hỏa hoạn chỉ trong vài ngày.

Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM - 10

Vụ cháy ký túc xá năm 2019 (Ảnh: Đình Thảo).

Bệnh viện cũng từng bị nước thải từ bô rác của ký túc xá chảy sang, khiến khu vực cấp cứu và hành lang chuyển bệnh vào phòng mổ bị nhiễm khuẩn. 

Vào năm 2019, Sở Y tế từng đề xuất UBND TPHCM cho tháo dỡ tòa nhà ký túc xá Cao Thắng, sử dụng phần đất đó để mở rộng khu cấp cứu của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Cuối năm 2020, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã thông báo chủ trương giảm dần số lượng người ngụ tại ký túc xá 931-937 Trần Hưng Đạo (xây dựng năm 1960).

"Khả năng chịu lực của một số bộ phận kết cấu không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ", nhà trường nêu báo cáo kiểm định ngày 22/12/2020.

Nhà trường cho biết sẽ giảm dần số sinh viên ở đây cho đến hết. Hiện nay chỉ còn 27 sinh viên sống ở tầng 7. Đồng thời, đối với các gian hàng thuốc ở tầng trệt, nhà trường ngưng cho thuê từ năm 2022.

Song, ký túc xá thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương, để giải quyết phải có sự thống nhất, chỉ đạo từ cơ quan chủ quản cấp trên, nên đến nay việc di dời, bàn giao ký túc xá thành phố vẫn chưa thực hiện được.

Tháng 11/2022, phóng viên Dân trí từng liên hệ UBND phường 1, quận 5 (TPHCM) để tìm hiểu vấn đề xuống cấp của Ký túc xá Cao Thắng.

"Quan điểm của chính quyền địa phương là ủng hộ việc di dời ký túc xá càng sớm càng tốt, vì nơi này đã xuống cấp, ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh, mỹ quan đô thị trên địa bàn và cảnh quan chung của TPHCM", đại diện UBND phường 1, quận 5 chia sẻ.

Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM - 11

Ký túc xá trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng nhuốm màu thời gian giữa đô thị, không nằm trong danh sách 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 cần được giải quyết của TPHCM (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Theo thống kê của Sở Xây dựng, TPHCM có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975. Nhiều công trình đã xuống cấp, có xu hướng tăng theo thời gian, chung cư cấp B, C tiếp nối nhau trở thành cấp D và hỏng hẳn.

Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm); 116 chung cư cấp C; 332 chung cư cấp B; 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích.

Về phía dân sinh, đa phần cư dân sống trong chung cư cũ là người lớn tuổi, người lao động sống lâu năm, chưa có điều kiện tài chính để chuyển đi nơi ở tốt hơn; một phần do quen môi trường sống, nơi làm việc gần nên họ "cố thủ" không muốn chuyển đi.

Đọc thêm: Dòng kênh "chuột đua nhau chạy" ở TPHCM có thay đổi gì so 100 năm trước?