1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ninh:

Truy trách nhiệm Ban quản lý trước những bất cập trên Vịnh Hạ Long

(Dân trí) - “ BQL Vịnh Hạ Long thu tiền vé tham quan thắng cảnh và phí thuê vùng nước đỗ tàu. Họ phải có trách nhiệm nâng cấp các bến và hướng dẫn, phân luồng cho các tàu ” - ông Lê Văn Doanh, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Quảng Ninh cho hay.

PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Doanh - Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh - để xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trước hàng loạt những bất cập đã và đang tồn tại trong việc khai thác kỳ quan thiên nhiên thế giới mới Vịnh Hạ Long.

Theo đó, trách nhiệm của Sở GTVT là quản lý kỹ thuật phương tiện tàu thuyền trên bến và cấp phép, đánh giá công bố bến bãi vào kinh doanh. Cụ thể, Sở GTVT sẽ kiểm tra phương tiện có đầy đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm; đầy đủ phao neo, biển báo... không. Sau đó mới kết hợp với các cơ quan chức năng khác xếp khách đúng trọng tải quy định để cấp lệnh cho tàu đi.

Ông Lê Văn Doanh
Ông Lê Văn Doanh khẳng định BQL Vịnh Hạ Long phải có trách nhiệm nâng cấp các bến và tiến hành hướng dẫn, phân luồng cho các tàu. 

Ông Doanh khẳng định: “Với các bến bãi trên Vịnh, việc xây dựng thuộc về chủ Cảng. Các bến đỗ tàu trên mặt nước Vịnh Hạ Long thì chủ cảng là Ban quản lý Vịnh Hạ Long. Tại Cảng tàu khách Bãi Cháy, chủ cảng là Công ty bến xe bến tàu Quảng Ninh. Khi các chủ cảng xây dựng xong bến bãi mới đề nghị ngành giao thông công bố đưa bến vào hoạt động kinh doanh. Và việc quản lý các bến bãi này, cả quyền lợi và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chủ cảng”.

Theo khẳng định của ông Lê Văn Doanh thì Ban quản lý Vịnh Hạ Long là đơn vị chủ cảng của cả 7 bến tàu trên Vịnh gồm: hang Sửng Sốt, đảo Ti Tốp, hang Đầu Gỗ... Chủ bến phải có trách nhiệm điều hành bến tàu của mình nếu tình trạng lái tàu mạnh ai nấy chạy, tăng tốc, tranh giành đỗ khách gây tai nạn.

Điều quan trọng nhất, BQL Vịnh Hạ Long là đơn vị duy nhất được tiến hành thu phí tham quan thắng cảnh trên Vịnh và thu phí thuê vùng nước của các tàu neo đậu trong các khu vực bến bãi của BQL Vịnh Hạ Long. “Từ số tiền thu các loại phí dịch vụ trên vịnh, BQL phải thực hiện các trách nhiệm đầu tư nâng cấp các bễn bãi và triển khai lực lượng hướng dẫn, phân luồng các tàu thuyền để không còn tồn tại sự lộn xộn và hỗn loạn tại các bến như hiện nay” - ông Doanh khẳng định.

Các tàu ra vào bến trước hang Sửng Sốt lộn xộn, mạnh ai nấy chạy.
Các tàu ra vào bến trước hang Sửng Sốt lộn xộn, mạnh ai nấy chạy.

Ông Doanh cho biết thêm, thực trạng của 7 bến tàu trên Vịnh Hạ Long hiện nay vẫn chỉ ở hạng... bến tạm, phải cấp phép lại mỗi năm. Tất cả các bến này phải được đầu tư nâng cấp mới, đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền cập bến và cải thiện diện mạo du lịch của một kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Vấn đề đặt ra là với lượng du khách lớn như hiện nay, hàng năm BQL Vịnh Hạ Long thu bao nhiêu tiền phí tham quan thắng cảnh? Chúng tôi không có con số chính xác nhưng có thể khẳng định là rất lớn. Liệu có thiếu kinh phí để nâng cấp các bến tàu tạm và điều hành các bến tàu một cách chuyên nghiệp hơn?

Liên tiếp trong 2 năm trở lại đây, tại Vịnh Hạ Long đã xảy ra không ít vụ tai nạn nghiêm trọng khiến gần 20 du khách thiệt mạng. Cả 2 khu vực xảy ra tai nạn đều thuộc sự quản lý trực tiếp của BQL Vịnh Hạ Long (hang Sửng Sốt và đảo Ti Tốp). Nếu BQL vịnh làm hết trách nhiệm, rất có thể tai nạn sẽ không xảy ra.
“Ngay cả tại khu vực mặt nước trước Cảng tàu du lịch Bãi Cháy, lẽ ra khi các tàu trả khách xong phải đưa tàu thuyền ra cách xa bờ. Như vậy mới chấm dứt được tình trạng hàng trăm thuyền chen chúc tại một khu bến dẫn đến sự lộn xộn, nhếch nhác và va chạm thường xuyên. Thực hiện những điều đó, trách nhiệm thuộc về chủ cảng” - ông Doanh nhấn mạnh.

Trước đó, trả lời PV Dân trí về trách nhiệm liên quan sau vụ chìm tàu khiến 5 du khách thiệt mạng, ông Đỗ Đức Thắng - Phó trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long - lại cho rằng: “Việc chìm tàu diễn ra ở trước cửa mặt nước tàu bè ra vào hang Sửng Sốt. Tàu bè ra vào khu vực này, trách nhiệm và thẩm quyền thuộc về Cảng vụ đường thủy nội địa. Và việc quản lý con tàu ấy lại là trách nhiệm của rất nhiều ngành chức năng như: Sở Giao thông vận tải, cảnh sát đường thủy. Còn về trách nhiệm con người và chất lượng tàu lại thuộc về trách nhiệm ngành văn hóa - thể thao - du lịch...”.

Ông Thắng cho rằng, nhiệm vụ của BQL Vịnh là bảo tồn, phát triển di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới. Riêng trách nhiệm của BQL vịnh thì ông Thắng... bỏ ngỏ.
Để làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý Vịnh Hạ Long trước những vụ việc vừa xảy ra trên vịnh, sau 2 lần liên hệ và chờ đợi gần 1 giờ đồng hồ, PV Dân trí đã gặp trực tiếp được ông Phùng Đức Tín - Trưởng BQL Vịnh Hạ Long - để phỏng vấn. Tuy nhiên, tại cuộc gặp, ông Tín yêu cầu PV ghi lại câu hỏi để trả lời sau chứ ông không trả lời phỏng vấn trực tiếp, cũng không nói về trách nhiệm liên quan của BQL Vịnh Hạ Long.
 
Như vậy, sau vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 5 du khách nước ngoài thiệt mạng trên Vịnh Hạ Long, đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào thuộc tỉnh Quảng Ninh đứng ra nhận trách nhiệm cụ thể.

Anh Thế - Quốc Đô