1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Trường học dang dở, học sinh "ở nhờ" nhà văn hóa xóm

(Dân trí) - Những dự án xây dựng trường học hàng tỷ đồng hứa hẹn những phòng học khang trang đã khởi công nhưng cứ dang dở mãi. Công trình bỏ hoang mặc mưa nắng, học sinh phải học tạm ở nhà văn hóa xóm.

Trường học dang dở, học sinh "ở nhờ" nhà văn hóa xóm - 1
Cỏ dại đã mọc quá lưng người tại một công trình trường học dở dang
 
Trường học dang dở, học sinh "ở nhờ" nhà văn hóa xóm - 2
Thầy giáo nhìn trường học dang dở mà ngao ngán
 
Thực hiện đề án kiên cố hóa trường học giai đoạn 2008 - 2012, huyện miền núi Tân Kỳ, Nghệ An được thụ hưởng 515 phòng học, riêng các năm 2008, 2009, 2010 có 318 phòng học và 89 phòng công vụ giáo viên. Các công trình đã xây dựng trước năm 2009 đều đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn huyện này vẫn còn 13 công trình đang bị đình trệ, bê trễ, gây nhiều khó khăn trong công tác dạy và học.

Đến trường tiểu học Nghĩa Dũng, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ vào một ngày đầu năm 2012, chúng tôi tận mắt thấy những khó khăn của học sinh, giáo viên trường thời điểm này. Hiện nay cả 5 lớp học của điểm trường chính đều phải sơ tán đến học nhờ ở các nhà văn hóa của khối, xóm.

Những ngày trời đông giá rét, mưa phùn, đường giao thông trong xã lầy lội, trơn trượt, các em học sinh phải mò mẫm đến các nhà văn hóa của thôn để học con chữ. Là nhà văn hóa nên việc sắp xếp bố trí lớp học, bục giảng, bàn học và cả hệ thống ánh sáng, sân chơi đều khó phù hợp.
 
Trường học dang dở, học sinh "ở nhờ" nhà văn hóa xóm - 3
Giàn giáo đã mục nát nhưng công trình vẫn dang dở.

Có hôm các em phải ngừng buổi học giữa chừng để bác trưởng xóm đọc thông báo về công tác sản xuất hay các thông tin liên quan đến thôn xóm. Vào những ngày hội họp của thôn xóm, trẻ học bên trong, bên ngoài người lớn sinh hoạt thể dục thể thao, hát hò sôi nổi. Học sinh phải căng tai tập trung mới nghe thấy lời cô giảng.

Được biết, trường tiểu học Nghĩa Dũng có 5 phòng học ở điểm trường chính đã xuống cấp. Sau khi được phê duyệt xây dựng trường mới với quy mô 2 tầng, đủ phòng học và phòng chức năng, sau gần 2 năm trường vẫn chưa thấy đâu.
Trường học dang dở, học sinh "ở nhờ" nhà văn hóa xóm - 4

Thầy giáo Hoàng Văn Hiến - Hiệu trưởng trường tiểu học Nghĩa Dũng - cho biết: “Trường có 9 lớp bị tháo dỡ phòng học nên học sinh phải rải đều trên địa bàn 10km để học, giáo viên các bộ môn âm nhạc, thể dục, mỹ thuật, tiếng Anh... phải di chuyển rất khó khăn. Học sinh mất tính giao thoa, tính cộng đồng và đặc biệt là giáo dục ngoài giờ lên lớp không thực hiện được. Đường sá đi lại toàn đường đất nên rất khổ”.

Đến thăm công trình trường tiểu học Nghĩa Dũng, đã gần 2 năm kể từ ngày khởi công, tường mới xây cao được 1,5 - 2m; sắt thép, gạch đá ngổn ngang, hoen gỉ; hệ thống giàn giáo mục nát; cỏ dại mọc ngang đầu người. Công trình bị ngưng trễ không chỉ làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường mà còn ảnh hưởng rất lớn đến kinh phí xây dựng.
Trường học dang dở, học sinh "ở nhờ" nhà văn hóa xóm - 5
Sắt thép đã hoen gỉ
 
Trường học dang dở, học sinh "ở nhờ" nhà văn hóa xóm - 6
Cỏ dại mọc kín cả hố móng xây dựng trường

Hiện nay trên địa bàn huyện Tân Kỳ còn có nhiều điểm trường khác đang có chung tình trạng bê trễ trên.

Trước thực tại này, ông Nguyễn Duy Thủy - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ - phân trần: “Thấy công trình dừng lại nên nhân dân bức xúc, nhưng đâu phải cắt giảm chỉ vì vốn chưa về hoặc về chậm. Theo cam kết nhà thầu bỏ vốn ra làm cơ mà, nhưng trong tài khoản chưa thấy vốn nên họ chưa làm, đó là bản chất của nhà thầu... Người dân bức xúc là đúng, bởi con em họ không có trường học đàng hoàng trong khi đó công trình xây dựng bị đình trễ, kéo dài gây lãng phí. Còn đối với các nhà thầu xây dựng khi không tuân thủ hợp đồng hoặc không đủ năng lực thì huyện cần có biện pháp thay thế...”. 

Trường học dang dở, học sinh "ở nhờ" nhà văn hóa xóm - 7
Hoang tàn khung cảnh trường Tiểu học Nghĩa Dũng.
 
Nguyễn Duy - Trần Minh