1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Trộm, cướp xe máy gia tăng đột biến

Riêng năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006, toàn quốc đã xảy ra 70 vụ giết người cướp xe máy, 815 vụ cướp xe máy và có tới 15.594 vụ trộm cắp xe máy.

Trước tình hình trộm cướp xe máy đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) hình sự Bộ Công an đã lên tiếng khuyến cáo người dân.

Thủ đoạn cướp xe máy

Theo thống kê của Cục Cảnh sát ĐTTP hình sự, các thủ đoạn của tội phạm cướp xe máy thường tập trung vào một số thủ đoạn sau: Đóng giả khách thuê lái xe ôm với giá cao, điều nạn nhân đến nơi vắng người qua lại, dùng hung khí tấn công uy hiếp hoặc giết chết nạn nhân cướp xe máy. Có nhiều vụ thủ phạm lừa nạn nhân ăn uống, thức ăn có pha thuốc mê, khi nạn nhân mê man bất tỉnh đối tượng cướp xe máy, tải sản tẩu thoát.

Thủ đoạn khác mà tội phạm cũng thường dùng để cướp xe máy là chặn đường tại những khu vực vắng vẻ, hoặc những đường phố ít có sự xuất hiện của lực lượng cảnh sát, sau đó chúng dùng hung khí tấn công nạn nhân cướp xe máy.

Ngoài ra, theo Cục Cảnh sát ĐTTP hình sự, đã xuất hiện một số ổ nhóm cướp có tổ chức, cướp xe máy của những đôi trai gái đang ngồi tâm sự tại những nơi vắng vẻ.

Trộm xe từ sơ hở của chủ xe

Thủ đoạn của tội phạm trộm cắp xe máy chủ yếu lợi dụng sự sơ hở của chủ xe để gây án như: Xe máy để nơi công cộng (lề đường giao thông, hè phố, ngõ xóm...) không khoá cổ hoặc chỉ khoá cổ không khoá càng, không có người trông coi; thủ phạm dùng vam, chìa khoá vạn năng phá khoá để trộm cắp xe máy.

Theo thống kê có tới 90% số xe máy bị trộm cắp là do không khoá cổ, khoá càng. Tội phạm trộm cắp xe máy cũng thường tập trung vào đối tượng là cán bộ công nhân viên, HS, SV chủ quan để xe trong cơ quan, trường học nhưng không khoá cổ, khoá càng, chúng làm vé giả, trà trộn vào cơ quan, trường học để tráo đổi xe.

Khuyến cáo của Cục Cảnh sát

Trước tình hình trộm cướp xe máy đang diễn biến phức tạp, Đại tá Trần Trọng Lượng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP hình sự - Bộ Công an khuyến cáo: Những người hành nghề xe ôm không nên chở khách đi quá xa, qua những nơi vắng vẻ vào ban đêm, không ăn uống với khách đi xe; khi phát hiện đối tượng thuê xe nghi vấn cần khéo léo từ chối hoặc bí mật báo cho lực lượng công an biết kiểm tra, xử lý kịp thời; khi bị tội phạm dùng hung khí không chế không nên chống cự khi còn nguy hiểm.

Với người dân không nên đi xe máy vào ban đêm qua những đoạn đường vắng vẻ hoặc dựng xe ngồi tâm sự ở những nơi hoang vắng, ít người qua lại. Xe máy phải được khoá cổ, khoá càng khi không hoạt động (cả khi xe để ngoài nhà hoặc trong nhà). Không nên mua xe ngoài đường phố, ngoài chợ mà không rõ nguồn gốc, cần cảnh giác khi mua xe không chính chủ, xe có biểu hiện nghi vấn bị đục lại số máy, số khung.

Khi sử dụng xe máy đi chợ, siêu thị, mua bán hàng hoá, đưa con đi học... phải gửi xe máy vào bãi gửi xe có người trông giữ. Bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, trường học có biện pháp quản lý xe máy của cán bộ công nhân viên, HS, SV chặt chẽ.

Theo Lao Động