1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Trên đỉnh mồ côi…

(Dân trí) - Là một trong những ngọn núi hiếm hoi trên vùng đồng bằng sông Cửu Long bao la, núi Tô mang trên mình nó khu dân cư nhỏ chừng 50 hộ. Cuộc sống của họ đơn côi như ngọn núi mồ côi giữa đồng bằng bát ngát…

Núi Tô thuộc ấp Tô Thuận (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), ở độ cao chừng 600m so với mực nước biển. Những cư dân trên đỉnh núi Tô, có người vừa mới tới định cư nhưng cũng có gia đình đã sinh sống ở đây mấy đời. Cụ già cao niên nhất “làng” hiện đã ngoài 90.

Trên đỉnh mồ côi… - 1

Dân núi Tô không sống tập trung mà rải rác từ chân núi lên tới đỉnh núi (dân địa phương gọi là cấp nhất). Những ngôi nhà được dựng lên cheo leo ngay sườn núi, nguy cơ đổ sụp luôn rình rập ngôi nhà.

Trên đỉnh mồ côi… - 2

Và nguy cơ cũng luôn rình rập những đứa trẻ vô tự lự thế này. Bởi cha mẹ chúng bận bịu làm ăn, có mấy ai để ý.

Trên đỉnh mồ côi… - 3

Con đường lên núi có một đoạn xe máy đi được, nhưng hầu hết là bậc cấp bằng đá, giao thông cách trở. Do vậy, xã Núi Tô đã cố gắng xây dựng một phân hiệu trường tiểu học trên núi để các em đi học đỡ vất vả, nhưng 2 năm trước đã phải dẹp đi.
 
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó chủ tịch UBND xã Núi Tô cho biết: “Thầy cô dạy ở đây phải leo núi cả tiếng mới đến được trường, nhưng không có chính sách trợ cấp gì nên khó tìm ra người tình nguyện. Số lượng học sinh trên núi cũng ít nên duy trì được vài năm đành bỏ”.

Trên đỉnh mồ côi… - 4

Bởi vậy, hiện nay mỗi ngày các em nhỏ trên núi phải “xuống núi” từ sớm để đến trường. Nếu em nào học buổi chiều thì phải mang đèn pin theo. Vì thế nào cũng về trễ, mà đường núi thì tối tăm và hiểm trở… Vào mùa mưa, sự hiểm trở ấy trở thành hiểm họa. Năm trước đã có vài em sẩy chân té chết trên đường đi học.

Trên đỉnh mồ côi… - 5

Dù vậy, như đã quen với sự hiểm trở này. Các em nhỏ vẫn vô tư với những trò chơi tuổi thơ, tung tăng đá cầu trên triền núi.

Trên đỉnh mồ côi… - 6

Để lên đến cấp nhất phải vượt qua những đoạn dốc thẳng đứng được xây thành bậc cấp. Do vậy, mọi vật dụng được chuyển lên núi bằng sức người là chính. Mọi thứ lên đến núi đều đắt gấp đôi, gấp ba. Một bao xi măng giá 90.000 - 100.000 đồng; sắt đắt hơn 1000 đồng/kg cho công vận chuyển; đến nước đá muốn chuyển lên núi cũng mất 1000 đồng/kg.

Trên đỉnh mồ côi… - 7

Và để phục vụ nhu cầu du khách leo lên cấp nhất tham quan, hàng loạt quán dừng chân của người dân bản xứ được khai trương dọc theo con đường núi.

Trên đỉnh mồ côi… - 8

Nhờ du khách đến đây tham quan thường xuyên nên việc chuyển vật dụng, nhu yếu phẩm lên núi trở thành một cái nghề cải thiện đời sống. Không ít em nhỏ cũng tham gia. Mỗi ngày hai bận lên xuống với mớ hàng nặng bằng thể trọng của mình, em nhỏ 14 tuổi này cũng kiếm được số tiền bằng thể trọng của mình nhân cho 2.000 đồng.

Dù vậy, chúng vẫn cố học hành để có được tương lai tươi sáng hơn, thoát khỏi xó núi mồ côi giữa đồng bằng bao la này.

Bài, ảnh: Đoàn Quý - Tùng Nguyên