1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tranh thủ mua xe công trước giờ G?

Có hay không việc “cấp dưới” tranh thủ từ nay đến 1/6 để sắm xe mới? Nếu cố tình tranh thủ mua xe mới, các cơ quan chủ quản cấp trên xử lý làm sao? Các đơn vị sẽ hạn chế sử dụng xe công thế nào trong thời gian tới?

Trong Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (ban hành kèm theo Quyết định 25/2006/QĐ - TTg), Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và công ty nhà nước, để bố trí, sắp xếp lại, điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Đồng thời kể từ ngày 1/6/2006, Thủ tướng cũng yêu cầu tạm dừng việc mua sắm mới phương tiện đi lại ở cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước. Vấn đề dư luận quan tâm là các đơn vị sẽ hạn chế sử dụng xe công thế nào trong thời gian tới?

Tranh thủ mua trước giờ G - Xử lý làm sao?

Trao đổi với báo chí chiều 8/2, trước vấn đề đặt ra có hay không việc “cấp dưới” tranh thủ từ nay đến 1/6 để sắm sanh xe mới, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính Nguyễn Văn Xa nhấn mạnh:

Ông Vũ Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, người đã tham gia trực tiếp vào xây dựng Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trước đó cũng chia sẻ: “Nếu có người đã nghĩ ra rồi tức là cơ quan chức năng cũng nhìn thấy vấn đề và sẽ có biện pháp quản lý”.

Điều này sẽ khó xảy ra bởi mấy lẽ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4/2006, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Đề án khoán kinh phí thay cho việc trang bị xe ôtô phục vụ công tác trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công. Nếu không có gì thay đổi, bắt đầu từ 1/7/2006, chương trình sẽ áp dụng thí điểm tại một vài bộ, ngành và địa phương.

Năm 2007, đề án nếu được sẽ triển khai trên toàn quốc. Khi đó sẽ chuyển sang cơ chế khoán không còn tồn tại xe công. Vậy thì chẳng có lý do gì mà các đơn vị lại phải khổ sở cố tình tìm mọi cách tranh thủ ít thời gian còn lại mua xe mới.

Nhưng cứ giả dụ có cấp dưới cố tình tranh thủ sắm xe để đi được thêm ngày nào “sướng” ngày ấy thì quan điểm xử lý của ông sẽ thế nào?

Cục Công sản sẽ chuẩn bị soạn thảo một văn bản trình Bộ Tài chính gửi tất cả Kho bạc đề nghị không được xuất chi khi kinh phí mua xe không nằm trong dự toán được giao. Nếu Kho bạc nào cố tình làm sai sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Tìm hiểu được biết, ngay khi duyệt dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006, Bộ Tài chính đã lưu ý các đơn vị và địa phương phải hạn chế tối đa việc duyệt kinh phí mua sắm xe, chỉ trừ những trường hợp thật cần thiết.

Còn theo một đại diện đại lý bán xe Toyota, hãng được các đơn vị hành chính sự nghiệp (HCSN) ưa chuộng nhất từ trước đến nay thì so với mấy năm trước tỷ lệ xe công được mua sắm năm 2005 tại hãng đã giảm từ 15% xuống chỉ còn khoảng 5-7%. Số xe mua vượt tiêu chuẩn cũng rất hãn hữu xảy ra vì các cơ quan vẻ như cũng sợ “bản định mức” vừa được công bố.

Xe công - sẽ không còn “xài” thoải mái

Sắm xe tràn lan thừa đến mức vô tư đem cho mượn, vung tiền mua xe xịn vượt xa tiêu chuẩn định mức, sử dụng xe công đi lễ chùa, vào việc riêng tư hay đi chợ biên giới mỗi dịp lễ Tết xuân về...

Trò chuyện với phóng viên, Giám đốc một công ty cổ phần chuyên kinh doanh về bất động sản hiện đang có trong tay gần 20 đầu xe khẳng định ngay: “Chỉ có xe sắm bằng tiền Nhà nước mới bị sử dụng phung phí như vậy. Cụ thể như doanh nghiệp tư nhân của tôi xe được quản lý chặt tới mức khoán cả thời gian sử dụng một cái lốp, từng lít xăng. Nếu làm hỏng sớm hơn thời gian quy định, lái xe phải bỏ tiền ra đền, còn ngược lại nếu giữ được lâu hơn, chúng tôi sẽ thưởng”.

Những “triệu chứng” tiêu cực trên, theo ông Nguyễn Văn Xa về lâu dài sẽ không còn cơ hội tồn tại nếu bản Đề án khoán kinh phí thay cho việc trang bị xe ôtô phục vụ công tác trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công sớm đi vào cuộc sống.

“Chiểu” theo những điểm dự kiến trong đề án thì tại các cơ quan đơn vị nêu trong đề án chỉ còn cấp Bộ trưởng và tương đương, các Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND của 64 tỉnh, thành phố thuộc TW mới được trang bị xe để phục vụ công tác. Một số đơn vị đặc thù như: lĩnh vực an ninh quốc phòng có thể có cơ chế riêng.

Với các chức danh còn lại, việc sử dụng xe công sẽ có thể  “áp” theo tiêu chuẩn: cán bộ có hệ số lãnh đạo từ 1,25 trở lên sẽ được đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, họp hành trong nội thành; cán bộ có hệ số lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 (tương đương với phó trưởng 1 vụ, cục của bộ, ngành) được tính khoán để phục vụ công tác.

Chi phí về xe đưa đón từ nhà, sở đến nơi làm việc thì sẽ khoán vào kinh phí của đơn vị cấp trực tiếp cho những người có tiêu chuẩn. Cán bộ có hệ số lãnh đạo từ 1,25 đến 1,3 tự lựa chọn việc sử dụng xe dịch vụ công hoặc phương tiện cá nhân tùy thuộc.

Cũng trong đề án mới, các đơn vị HCSN có thu đang tự thu chi đủ, thay vì trước đây chỉ được mua khi kinh phí xe nằm trong dự toán được duyệt thì nay sẽ có quyền mua sắm xe ôtô phục vụ công tác tùy theo khả năng tài chính (nhưng phải phục vụ đúng nhu cầu công tác).

Trước chuyện Ban quản lý PMU 18 (Bộ GTVT) có tới 6 xe dư thừa đem cho mượn, nói về những xe thuộc dự án Nhà nước, ông Xa nhấn mạnh: Bộ Tài chính sẽ thực hiện kiểm tra mạnh. Tất cả các xe sau khi kết thúc dự án sẽ tính đến việc thu hồi.

Bán tất cả hay lập dịch vụ xe công?

Nếu xét theo tiêu chuẩn Đề án khoán kinh phí thay cho việc trang bị xe ô tô phục vụ công tác trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công, xe công chỉ còn trang bị cho một số ít đối tượng và có thể thêm các đơn vị đặc thù (công an, quốc phòng...).

Vậy giải quyết thế nào với con số cực lớn xe và người sẽ dôi ra? Theo ông Xa, hiện có hai khả năng.

Phương án thứ nhất, thành lập dịch vụ xe công trên cơ số xe và những lái xe hiện có. Bước đầu có thể trực thuộc Nhà nước sau đó chuyển dần sang hình thức công ty cổ phần.

Phương án thứ hai là bán tất cả những xe công ngoài tiêu chuẩn đi sau đó thuê xe ngoài thị trường.

“Trên đây chỉ là  phương án dự kiến sau khi chúng ta thực hiện thí điểm sẽ có những kết luận cụ thể”. - Ông Xa cho hay.

Theo Khánh Huyền
Báo Tiền phong