1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trắng tay những triệu phú đầm tôm

Đã mấy ngày sau khi cơn bão số 7 đi qua, nhưng xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Thái Bình vẫn còn nguyên cảnh hoang tàn như vừa trải qua một trận chiến. Những ông chủ đầm tôm mặt méo xệch đứng trước biển nước mênh mông không nhận biết được đầm tôm của mình ở đâu.

Mấy ngày trước khi cơn bão đổ bộ vào vẫn còn rất nhiều những căn nhà đầm  tuy nhỏ nhưng được xây dựng khá kiên cố để chống chọi với gió biển, vậy mà cái “thành phố” bên biển ấy hôm nay chỉ còn là một mặt nước trắng xóa.

 

Bao bờ kè, những ô đầm, mà mỗi đầm gần chục  héc ta được đầu tư vài trăm triệu đồng nay chỉ còn trong ký ức của những ông chủ nuôi trồng thủy sản. Phải khó khăn lắm tôi và Chủ tịch xã Nam Phú-ông Vũ Xuân Thủy mới vượt qua được những bờ đầm đã bị sóng biển đánh xói lở, chỉ chực đổ ụp xuống đầm tôm. Mùi tanh nồng của những con tôm, cá chết  sộc thẳng vào mũi, gió biển rít lên từng hồi mà vẫn không thể xua được cái mùi khó chịu đó.

 

Ông Thủy cho biết: Toàn bộ 880 ha đầm vùng của xã bị ngập trắng, sạt lở 100% bờ đầm, vỡ 70% đầm từ 10 m đến 50m, bị trôi mất 11 cống, nhà đầm đổ 70%. Tổng thiệt hại do bão số 7 gây cho Nam Phú là 30 tỷ đồng, một con số thiệt hại quá lớn so với cái xã miền biển nhỏ bé này.

 

Tại một khu đầm tôm, hai người đàn ông đang đánh vật với một lỗ hổng do bão số 7 đánh sạt lở ở đoạn đê bao đầm sót lại. Đê bao ngoài biển vỡ, nước thủy triều lên, họ gắng đắp tạm ít đất và thả lưới giăng ngăn những con tôm còn sót lại trong đầm.

 

Anh Trần Tấn Đạt, một chủ đầm tôm, gương mặt hốc hác vì đã nhiều đêm mất ngủ nói như mếu: “Thế là trắng tay. Khu đầm tôm rộng 6,6 ha tôi và một anh bạn đầu tư 600 triệu đồng đã bị bão số 7 đánh tan chỉ còn lại căn nhà tạm  đổ nát (cũng vừa xây 30 triệu đồng). Trong đó gần 300 triệu vay chủ yếu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Giờ biết lấy gì để trả ngân hàng...”. Toàn bộ bờ bao quanh khu đầm tôm của anh Đạt đã bị sóng đánh xói lở gần hết, nhiều đoạn bị phá đang hàn khẩu lại nhưng anh Đạt còn chưa biết phải làm lại thế nào.

 

Khu đầm tôm này, anh Đạt mới đầu tư được hơn 3 năm, dự định năm nay cho thu hoạch gần 200 triệu, mới thu được một ít đã mất sạch. Mấy năm vừa rồi làm lãi được chút nào anh đổ vào đầm tôm hết. Bây giờ trắng tay.

 

Cùng chung tình cảnh với anh Đạt là anh Nguyễn Đức Ngân, thôn Hà Phố, xã Nam Phú. Diện tích đầm của anh Ngân rộng 6ha, đầu tư gần 300 triệu. Bão số 7 đã phá tan và cuốn cả một căn nhà đầm của anh đi, tôm mới thu hoạch được chút ít, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

 

Từ một ông chủ đầm tôm oai vệ, nay anh Ngân thẫn thờ như người mất hồn. Ngồi bệt trên một ụ đất còn sót lại sau cơn bão ở khu đầm tôm, giọng anh xót xa: “Điều lo lắng nhất của tôi là số tiền gần 100 triệu vay ngân hàng và hơn 100 triệu vay của bạn bè gia đình không biết lúc nào mới trả được”.

 

Một người đàn ông đang đi như người mất hồn trên tuyến đê dự án đường Cồn Vành, anh là chủ đầm tôm lớn ở Nam Phú tên là Phan Văn Thuấn.

 

Khu vực đầm tôm của anh Thuấn  rộng 15 ha đầu tư hơn 800 triệu đồng. Năm nay anh Thuấn mới thu hoạch được gần 100 triệu, chỉ đủ tiền giống số còn lại đã bị bão số 7 cuốn trôi. Anh Thuấn tâm sự : “Canh bạc tôi đánh với ông trời lần này thua thật rồi. Không biết có đủ sức và nghị lực để làm tiếp không”.

 

Ở Nam Phú còn nhiều ông chủ đầm tôm như: ông Phan Văn Cường, ông Phan Văn Tuệ, ông Phan Huy Thông... đã trắng tay bởi  sức mạnh tàn phá của cơn bão số 7. Điều quan trọng nhất của họ bây giờ là được ngành ngân hàng cho vay vốn tiếp để đầu tư khôi phục, nuôi trồng thủy sản. Vì nếu họ bỏ nghề nuôi thủy sản quay về với nghề làm ruộng, thì khó có tiền để trả ngân hàng.

 

Chiều ngày 2/10, bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Bình cho biết: “Chúng tôi vẫn cho những hộ có nhu cầu vay tiếp để nuôi trồng thủy sản, nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện mà ngân hàng quy định. Bởi ngân hàng đi vay để cho vay nên phải bảo toàn đồng vốn”.

 

Theo Tiền Phong