1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Trả lại tên cho các anh!

(Dân trí) - Giữa mùa Xuân năm 1952, Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đức Anh, cán bộ quân sự cao cấp của Nam Bộ (sau này là Chủ tịch nước) làm chỉ huy 10 cán bộ, chiến sĩ đặc công bảo vệ đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Trung ương Cục miền Nam - đi họp ở chiến khu Việt Bắc.

Khi ra đến Bình Thuận, địa đầu phía Nam của khu IV thuộc vùng tạm chiếm của Pháp, đoàn dừng lại mở lớp huấn luyện kỹ thuật đánh đặc công cho bộ đội khu IV. 40 trong tổng số 70 học viên của lớp huấn luyện được chọn đi thực tập đánh một số điểm chốt bằng chiến thuật đặc công và đã lập được nhiều chiến công: đánh thắng cứ điểm Ngã Hai; diệt 60 tên lính Pháp, ngụy; bắt sống nhiều kẻ thù; thu nhiều vũ khí, đạn dược;...

 

Hoàn tất nhiệm vụ huấn luyện đặc công cho bộ đội ở khu IV, đoàn lại tiếp tục cuộc hành trình ra vùng tự do liên khu V. Tại đây, một tổ gồm 3 người (Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Đôi và Trần Thắng Nê) ở lại mở lớp huấn luyện kỹ thuật đánh đặc công cho bộ đội.

 

Ở lớp huấn luyện đặc công này, đồng chí Nguyễn Hữu Liêm là một trong những thầy giáo nhiều kinh nghiệm nhất. Năm 1945, khi mới 16 tuổi, anh đã tham gia đội du kích xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, và lập nhiều chiến công xuất sắc. Năm 1949, đồng đội nể phục vì hai tay anh giết chết hai tên giặc Pháp.

 

Năm 1953, anh và một học viên tên Nguyễn Thành Năm đã hy sinh trong một trận chiến. Thi thể hai anh không biết nằm lại nơi nào. Sau giải phóng, các chiến sĩ đồng đội của các anh đã nhiều lần tìm kiếm nhưng vô vọng.

 

Mới đây, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập binh chủng đặc công, 55 năm ngày ra đời của bộ đội đặc công Quảng Nam - Đà Nẵng và 60 năm ngày Thương binh liệt sĩ, Ban liên lạc đặc công Đà Nẵng đã quyết tâm tìm cho kỳ được chỗ các anh đã nằm xuống, để đưa các anh về với người thân, hương khói cho các anh.

 

Sau nhiều dò hỏi, tìm kiếm, được tin hai anh đã được một cơ sở cách mạng của ta hoạt động trong lòng địch chôn cất và đến năm 1976 thì bốc hài cốt đưa vào cải táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Hoà Khương, huyện Hoà Vang (TP Đà Nẵng). Từ hồi đó đến giờ, các anh vẫn là những liệt sĩ vô danh.

 

Vậy là đã hơn nửa thế kỷ trôi qua (1953-2007), hai anh đã được trả lại tên tuổi, quê hương. Tấm bia dựng trên mộ các anh đã khắc đậm hai dòng chữ: Liệt sĩ Nguyễn Hữu Liêm, Liệt sĩ Nguyễn Thành Năm...

 

Phạm Thành Nghi