1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM tìm cách mở thêm trạm sạc cho xe điện

Thư Trần

(Dân trí) - Làm thế nào để tất cả hãng xe điện chia sẻ trạm sạc và thanh toán, kết nối lẫn nhau được là vấn đề cần được hoạch định lộ trình chuyển đổi xe điện ở TPHCM giai đoạn 2030-2050.

Sáng 11/4, Sở GTVT TPHCM chủ trì hội thảo bàn về tiêu chuẩn trạm sạc cho ô tô điện tại TPHCM. Buổi làm việc có sự tham gia của nhiều đơn vị, cùng chuyên gia trong và ngoài nước. 

Buổi thảo luận nhằm xây dựng các phương án bố trí, thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, công suất nguồn điện lẫn vấn đề quản lý trạm sạc cho xe điện khi phương tiện này được chuyển đổi đại trà trong tương lai. 

Xe điện tăng vượt kỳ vọng

Theo ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT, TPHCM là một trong 10 thành phố có lượng phương tiện lớn nhất châu Á. TPHCM đang thực hiện đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông.

"Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của TPHCM trong việc giảm phát thải", ông Bùi Hòa An nói.

TPHCM tìm cách mở thêm trạm sạc cho xe điện - 1

Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An tại buổi hội thảo sáng 11/4 (Ảnh: Thư Trần).

TPHCM cũng đang triển khai Quyết định 876 của Thủ tướng - phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải carbon và metan của TPHCM theo lộ trình 2030 đến 2050. 

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng xe điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải. Giai đoạn đến năm 2050, TP thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. 

Theo ông An, tốc độ phát triển xe điện thời gian qua tại TPHCM là vượt mong đợi. Số lượng phương tiện điện được người dân lựa chọn có xu hướng tăng, thậm chí bứt xa so với kỳ vọng vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.

"Tuy nhiên, chúng ta chưa có quy chuẩn về trạm sạc và cần bàn bạc để chuẩn bị cho lộ trình chuyển đổi phương tiện điện thời gian tới", ông An nói thêm.

Ông Patrick Haverman (Phó Đại diện thường trú của Liên hợp quốc - UNDP) nhận định TPHCM đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Lượng phương tiện cá nhân tại TPHCM đóng vai trò chủ đạo, chiếm 90% nhu cầu đi lại của người dân. 

Điều này góp phần đáng kể vào lượng phát thải nhà kính và chất gây ô nhiễm không khí cao cho thành phố. Trong khi đó, thị phần giao thông công cộng như xe buýt lại chiếm tỷ lệ thấp. 

"Việt Nam đặt mục tiêu hướng đến 100% phương tiện giao thông đường bộ dùng điện, năng lượng xanh và TPHCM đang đóng vai trò chủ đạo trong việc hiện thực hóa các mục tiêu này", ông Patrick nói.

Kết nối trạm sạc với nhiều hãng xe điện

Góp ý tại hội thảo, PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Đại học Việt Đức, nhận định, những chính sách tiêu chuẩn về trạm sạc, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về quản lý hoạt động đo lường của trạm sạc của Bộ Khoa học Công Nghệ ban hành trước đó chưa tập trung trực tiếp vào hệ thống trạm sạc cho xe điện.

Theo ông Tuấn, tính tham khảo của những tiêu chuẩn này chưa cao, quá trình triển khai thực tế sẽ không như kỳ vọng. Để ứng dụng, ông Tuấn cho rằng cần có báo cáo đánh giá về tiêu chuẩn này đã được tiếp thu, ứng dụng đến đâu, hạn chế là gì để cập nhật đến hiện tại. 

TPHCM tìm cách mở thêm trạm sạc cho xe điện - 2

PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Đại học Việt Đức góp ý tại hội thảo bàn về tiêu chuẩn trạm sạc cho ô tô điện tại TPHCM (Ảnh: Thư Trần).

"Nếu không xây dựng tiêu chuẩn có tính mở, kết nối, cập nhật xu hướng sẽ làm giảm hiệu quả, lãng phí trong tương lai", ông Vũ Anh Tuấn gợi ý.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhìn nhận, để đấu nối hệ thống trạm sạc xe điện chung vào hệ thống điện quốc gia sẽ cần nguồn tiêu thụ rất lớn. Vấn đề TCVN không giải quyết được bài toán trạm sạc và kết nối mà chỉ giải quyết vấn đề kỹ thuật của từng địa phương khi áp dụng. 

"Bên cạnh vấn đề an toàn, làm sao các dòng xe của các hãng khác nhau có thể dùng chung trạm sạc. Vấn đề quản lý kỹ thuật của địa phương thế nào, nguyên tắc cơ bản là phải có quy tắc quy phạm pháp lý cho các nhà khai thác, rút kinh nghiệm ở Hà Nội đang vướng quy định pháp lý về quản lý", ông Khôi góp ý. 

Phản hồi nhiều ý kiến, TS Đàm Hồng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho hay hệ thống sạc chia làm hai loại, dùng cho xe con và xe buýt. Việc đầu tư trạm sạc hiện phải đảm bảo tiết kiệm kinh phí nhưng phù hợp, hiệu quả. Công suất phải được hoạch định từ lúc thiết kế, quy hoạch. 

TPHCM tìm cách mở thêm trạm sạc cho xe điện - 3

TS Đàm Hồng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô - nhóm nghiên cứu Đại học Bách Khoa Hà Nội (Ảnh: Thư Trần).

Liên quan mạng lưới trạm sạc, nhóm nghiên cứu đang giải quyết vấn đề giao thức giữa xe và trạm sạc phải thống nhất được với nhau. Một công ty xe buýt có thể mua ô tô của 5-7 hãng khác nhau, các xe này đều phải sạc và thanh toán qua các trạm. 

"Hiện nay, tất cả xe gặp vấn đề chia sẻ trạm sạc. Thứ hai là các trạm này phải kết nối mạng được với nhau, cách bao nhiêu mét có trạm sạc, có bao nhiêu vòi sạc đang trống, công suất là bao nhiêu", TS Phúc nói. 

Kết luận buổi hội thảo, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cho rằng, nếu không đầu tư, TPHCM sẽ phải trả giá cho sự phát triển. Trong khuôn khổ hội thảo, ông An cho biết các đơn vị cần đưa các tiêu chuẩn trạm sạc về gần nhau nhất để sớm đi đến thống nhất.

Để đạt mục tiêu chuyển đổi xe điện, TPHCM cần giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng bao gồm quy hoạch sử dụng đất, sử dụng nguồn điện, hạ tầng cung cấp điện và tiền điện, tiền sử dụng đất... 

Sắp tới, TP tổ chức đề án sử dụng phương tiện điện ở khu vực cụ thể. Xe đi vào khu vực này phải là xe điện. Theo ông An, TPHCM đang quản lý 9 triệu phương tiện, bài toán để giải quyết giảm phát thải ở khu vực liên quan rất nhiều chính sách. Trong đó, giao thông công cộng phải đặt lên hàng đầu, đảm bảo nhu cầu người dân.