1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM sắp có xe điện chạy như taxi

(Dân trí) - Theo Đề án thí điểm sử dụng xe điện vận tải hành khách công cộng khu trung tâm do Sở Giao thông Vận tải TPHCM soạn thảo, đầu năm 2014, thành phố sẽ đầu tư 50 xe điện 4 - 8 chỗ hoạt động ở khu trung tâm với hình thức như taxi.

Trong đề án này, Sở GTVT đề cập đến hai hình thức hoạt động của xe điện ở khu trung tâm là xe 4 - 8 chỗ chạy như taxi và xe 12 chỗ chạy tuyến cố định như xe buýt. Tuy nhiên, hiện ở khu trung tâm quận 1 đã có 1 tuyến xe buýt riêng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuyến xe buýt này hiện cũng chỉ mới đạt 50% số khách/số ghế trên mỗi chuyến, chưa phát huy hết hiệu suất vận tải. Do đó, trong thời gian đầu, Sở GTVT kiến nghị UBND TP phát triển xe điện 4 – 8 chỗ chạy như taxi.

Theo đó, ban đầu sẽ đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho 20 xe 4 chỗ và 30 xe 8 chỗ. Các xe này sẽ đậu ở các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại lớn trong khu vực trung tâm nhằm phục vụ chủ yếu cho du khách và ngươi dân sinh sống trong khu trung tâm. Ngoài ra, người dân có nhu cầu cũng có thể gọi điện thoại về tổng đài để yêu cầu điều xe đến phục vụ. Theo đề án này, dự kiến giá vé sẽ khoảng 40.000 đồng/chuyến cự ly 5km cho xe 4 chỗ và khoảng 50.000 đồng/chuyến cự ly 5km cho xe 8 chỗ.

TPHCM sắp có xe điện chạy như taxi
Xe điện tham quan nội đô thành phố Huế do các nữ tài xế xinh đẹp điều khiển rất thu hút du khách (ảnh: Đại Dương)

Việc đầu tư phát triển xe điện ở khu trung tâm sẽ được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa hoàn toàn. Trong giai đoạn đầu tư 50 xe 4 – 8 chỗ ban đầu, dự kiến chủ đầu tư phải đầu tư hơn 10 tỷ đồng, thu hồi vốn trong vòng 4 năm khai thác. Ngoài ra, đề án cũng đề cập đến việc các đơn vị trong nước nghiên cứu sản xuất xe điện để hạ giá thành sản phẩm, giảm vốn đầu tư ban đầu và tạo điều kiện để mở rộng hình thức vận tải này ở TPHCM cũng như các địa phương khác.

Các chuyên gia giao thông không đánh giá cao hiệu quả kinh tế của xe điện vì thực tế hiện xe điện phải nhập khẩu với giá cao, giá thành bình nạp điện và linh kiện rất đắt, cơ sở bảo trì và cung cấp dịch vụ cho xe điện hoạt động ở thành phố vẫn còn rất hiếm… Những nguyên nhân này sẽ khiến hiệu quả kinh tế của xe điện kém hơn hẳn các loại xe khác. Hiện trên thế giới cũng chỉ đang nghiên cứu và khuyến khích phát triển loại hình này chứ chưa khẳng định tính hiệu quả của nó.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá cao tính bảo bệ môi trường, phù hợp với cảnh quan yên tĩnh khi sử dụng loại xe này cho mục đích tham quan, du lịch khu trung tâm thành phố… Hiện nhiều thành phố khác như Hà Nội, Huế... cũng đã thực hiện mô hình này. Đây cũng là mục tiêu chính của TPHCM khi phát triển xe điện ở khu trung tâm. Bởi trong tương lai, định hướng phát triển giao thông của khu trung tâm là xây dựng nhiều phố đi bộ, cấm xe ôtô và xe máy cá nhân…

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT cũng cho biết Sở vẫn đang nghiên cứu các ưu khuyết điểm của loại hình xe điện khi sử dụng như taxi hoạt động ở khu trung tâm. Đồng thời, Sở cũng đang nghiên cứu phân luồng cho các phương tiện, kết hợp tổ chức phố đi bộ… để xe điện có thể hoạt động thuận lợi ở đây.

Tùng Nguyên