1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão Pakhar

(Dân trí) - Bão số 1 có tên Pakhar đi qua khu vực Nam bộ đã làm 2 người chết, hàng trăm ngôi nhà, cây xanh ngã đổ. Lãnh đạo TPHCM và các tỉnh lân cận đang yêu cầu các ban ngành khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão, ổn định đời sống.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, đến trưa 2/4, bão số 1 sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đã đi vào TPHCM. Cơn bão đã làm cho 13 căn nhà bị sập hoàn toàn, hơn 400 cây xanh ngã, đổ; hơn 260 căn nhà, trường học bị tốc mái, hư hại nặng.

Riêng huyện Cần Giờ bị thiệt hại nặng nhất. Toàn huyện có 13 căn nhà sập hoàn toàn, 53 căn tốc mái, 11 chiếc ghe bị chìm, 133 cây xanh ngã đổ, trong đó có nhiều cây cổ thụ và gãy hai trụ điện. Những sự cố này xảy ra tại các xã Thạnh An, Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp… Quận Thủ Đức có 48 căn nhà bị tốc mái, 112 cây xanh ngã đổ…

Cây xanh đổ vào đường dây điện, đè gãy gần 20 trụ điện khiến hơn 137 khu vực bị mất điện và 85 tuyến điện trung thế bị sự cố trong chiều và tối 1/4. Tuy có thiệt hại nhiều về tài sản nhưng rất may, TPHCM không có sự cố đáng tiếc nào liên quan đến tính mạng người dân.
TPHCM khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão Pakhar
Bão số 1 đi ngang Nam bộ đã làm cho hàng trăm ngôi nhà và cây xanh ngã, tốc mái... (Ảnh: T.Kiên)
 
Ngày 2/4, thường trực Thành ủy, UBND TPHCM có buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện để nắm tình hình triển khai công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 1 gây ra. Ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục kịp thời hiện trường cây xanh ngã đổ, khắc phục sự cố về điện. Các ban ngành tiếp tục thống kê các con số thiệt hại về người và tài sản, kịp thời báo cáo để Thành ủy, UBND TP triển khai các giải pháp hỗ trợ và sớm ổn định cuộc sống cho người dân…
 
TPHCM khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão Pakhar
Những người dân huyện Cần Giờ đi lánh bão nay đã được về nhà an toàn (Ảnh: T.Kiên)

Hiện nay, gần 2.000 người dân huyện Cần Giờ được di dời trước khi bão ập đến đã được trở về nhà. Lãnh đạo huyện cũng đã lên phương án thống kê thiệt hại để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống và sản xuất.

Cơn bão số 1 vừa qua cũng làm 2 người dân tại Đồng Nai và Ninh Thuận tử vong. Các tỉnh Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… cũng bị sập nhiều căn nhà, hàng ngàn cây xanh ngã đổ. Lãnh đạo các tỉnh này đã họp bàn khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão và ổn định đời sống nhân dân.
 
* Gần 11.500 ha lúa ở miền Trung Tây Nguyên bị hư hại do bão
 
Theo Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung Tây Nguyên, hiện nay mưa trên khu vực đã giảm, các tỉnh Tây Nguyên từ Gia Lai đến Đắk Nông có mưa, có nơi mưa vừa, các tỉnh Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa nhỏ.
 
Trước đó, từ 19h ngày 1/4 đến 19h ngày 2/4, các tỉnh Tây Nguyên từ Gia Lai đến Đắk Nông mưa vừa, có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến từ 40-80mm; các tỉnh Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa, mưa nhỏ, lượng mưa phổ biến dưới 10mm.

Lượng mưa đo được tại một số trạm như sau: Ayunpa (Gia Lai) 58mm, ĐakMil (Đăk Nông) 119mm, EaHLeo (Đắk Lắk) 100mm, Đăk Nông (Đăk Nông) 81mm.

Về tình hình lũ, hiện nay mực nước trên các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và Tây Nguyên tiếp tục xuống. Mực nước lúc 1 giờ ngày 3/4 trên một số sông như sau: Sông Dinh tại Ninh Hòa là 4,21m, trên BĐ2: 0,21m; Sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng: 5,68m, dưới BĐ1: 2,32m; Sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ: 35,65m, dưới BĐ1: 0,35m (19h ngày 02/4).

Dự báo mực nước trên các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và Tây Nguyên tiếp tục xuống và dưới mức BĐ1.

Theo Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung Tây Nguyên, đã có thêm một nạn nhân bị mất tích do mưa lũ. Đó là anh Hà Phương (35 tuổi, trú xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), đi làm rẫy qua sông bị lũ cuốn trôi, thời điểm anh bị nạn vẫn chưa xác định.

Về tai nạn trên biển: Có hai tàu cá bị chìm, trong đó 1 tàu của Phú Yên và 1 ở Ninh Thuận; ngoài ra có 1 tàu ở Phú Yên bị hư hỏng.

Theo báo cáo về thiệt hại ban đầu ở khu vực miền Trung Tây Nguyên: Có 15 nhà bị ngập, sập, hư hại; 11.497 ha lúa bị úng, ngập, đổ; 1.113 ha hoa màu bị ngập, hư hại.

Công Quang - Công Bính