1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Tổng Bí thư: Đang kiểm tra dấu hiệu vi phạm vụ biệt thự ông Truyền

(Dân trí) - Nhận định biện pháp phòng tham nhũng bằng kê khai tài sản là một khâu yếu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sẽ “không cho qua” vụ tài sản, biệt thự của cựu Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền. UB Kiểm tra TƯ xác định phải kiểm tra những dấu hiệu vi phạm.

Sáng 1/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có cuộc tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội thứ 7 tại quận Tây Hồ.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội)

Cử tri Trần Văn Hoa (phường Bưởi) đề cập đến những nguy cơ của tệ quan liêu tham nhũng, tha hoá về tư tưởng, lối sống - một “quốc nạn” mà Đảng, nhà nước đã xác định cần kiên quyết dẹp bỏ. Việc cơ quan tố tụng xử nhiều vụ án tham nhũng lớn vừa qua, ông Hoa ghi nhận đã thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm của cơ quan chức năng.

Ông Hoa góp ý, cuộc đấu tranh này, quan trọng là phải thực hiện đúng chủ trương dựa vào dân vì người dân có tin, có ủng hộ, nhà nước mới giải quyết được vấn nạn. Ông Hoa đề nghị tăng cường hoạt động nêu gương để nâng cao lòng tin của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Cử tri chỉ ra nhiều biểu hiện của tiêu cực, tham nhũng vặt trong cuộc sống thường nhật như “vống” giá trông giữ xe, cảnh sát giao thông “làm luật”, cầm vài ba chục nghìn kẹp trong sổ đăng kiểm của cánh lái xe… Nhiều xe khách dù không sai phạm gì nhưng khi bị cảnh sát yêu cầu dừng đỗ vẫn “dúi tiền” cho xong chuyện, xe được qua nhanh, khỏi phải kiểm tra giấy tờ, để cả hành khách lẫn chủ xe đỡ mất việc.

Vị cử tri phường Bưởi cho rằng, người dân không mất nhiều tiền vì việc này nhưng cái mất lớn hơn nhiều là lòng tin. Ông Hoa cho rằng không khó để “ngụy trang” ghi lại những hình ảnh này để xử lý thật nghiêm khắc một vài trường hợp, chắc chắn tình trạng tham nhũng, tiêu cực sẽ phải lui.

Đề cập đến tham nhũng “khủng”, ông Trần Văn Hoa khái quát về hành vi vơ vét tiền nhà nước bỏ vào túi cá nhân xảy ra ở khối DNNN. Từ vụ PMU18 trước đây đến Vinashin rồi gần đây là Vinalines, những mắt xích đều lộ ra ở bộ phận này. Từ đó, cổ phần hóa DNNN theo ông Hoa là một chủ trương đúng.

“Tôi xin hỏi rõ, cổ phần hóa của ta hiện nay có khó khăn gì mà không làm được, làm chậm?” – ông Hoa băn khoăn.  

Đáp lại ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác nhận, cuộc phòng chống tham nhũng là mối quan tâm lớn của toàn dân.

“Đây là thứ giặc nội xâm, giặc trong chính lòng mình, là loại địch có trong chính mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị của chúng ta. Tham nhũng liên quan đến dây mơ rễ má, đến những người có chức có quyền, có quan hệ, tồn tại qua nhiều năm tháng, ăn sâu vào tận trong lòng rồi nên cuộc đấu tranh này hết sức nóng bỏng và cực kỳ phức tạp” – Tổng Bí thư nói.

Công cụ đấu tranh với tham nhũng, theo người đứng đầu Đảng, về biện pháp “phòng”, nhà nước đã xây dựng nhiều cơ chế để hướng đến việc ngăn chặn sao cho cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó cũng còn lâu dài, khó khăn nhiều.

Cụ thể như biện pháp kê khai tài sản, thu nhập, Tổng Bí thư nhận định, đây vẫn là một khâu yếu, một biện pháp chưa phát huy nhiều hiệu quả nên TƯ lại phải họp, ra Nghị quyết để điều chỉnh.

Nhắc lại vụ việc cụ thể được đưa ra tại phiên chất vấn trong kỳ họp vừa qua về khối tài sản mới “phát lộ” của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông tin, vừa rồi Ban Bí thư TƯ Đảng đã chỉ đạo, giao UB Kiếm tra TƯ vào cuộc làm rõ.

“UB Kiểm tra đã đi xác minh rồi, xác định tới đây phải kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong vụ này. Cán bộ dù về hưu rồi cũng nhất định làm rõ chứ không phải là nhân nhượng, cho qua đâu. Nhưng nguyên tắc là Đảng không làm thay cơ quan chức năng, chống bỏ lọt vi phạm nhưng cũng chống làm oan sai cá nhân” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Về biện pháp chống tham nhũng, người đứng đầu Đảng chỉ rõ, cơ bản nhất là làm sao phát hiện đúng tham nhũng. Phát hiện được rồi thì phải điều tra thế nào cho ra, cho đúng hành vi. Tổng Bí thư lưu ý, điều tra là một khâu khó vì tội phạm tinh vi, quan hệ “lằng nhằng”, phức tạp, cũng là một khâu dễ tiêu cực.

Tổng Bí thư phân tích: “Phải chống tham nhũng ngay trong những cơ quan chống tham nhũng, từ công an, thanh tra đến toà án… vì nếu không có sự trong sáng trong những cơ quan này thì công cuộc đấu tranh coi như… hỏng ngay từ đầu”.

Tổng Bí thư xác định, Đảng, cơ quan chức năng sẽ tập trung vào những khâu yếu, khó để xử lý trước, nhất trí dựa vào dân, nêu cao gương mẫu để tạo niềm tin, sự đồng thuận, đoàn kết từ trên xuống dưới trong cuộc chiến nóng bỏng này.

P.Thảo