1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Tôi thích thời trang, tôi khuyết tật thì có làm sao?”

(Dân trí) - “Tôi thích cái đẹp, thích thời trang, thích những nơi sang trọng hiện đại. Nhưng có người lại bảo người khuyết tật thì có nhiều lo toan cho cuộc sống, người khuyết tật không phù hợp đến những nơi như vậy. Ơ! Tại sao lại như vậy nhỉ? Tôi khuyết tật thì có làm sao?...”.

Đó là tâm sự của bạn Ngọc Huyền được trưng bày trong khuôn khổ chương trình “Ừ, thì khiếm khuyết” do Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) tổ chức từ ngày 15/12 – 22/12.

Ừ, tôi khuyết tật, thì làm sao?
Ừ, tôi khuyết tật, thì làm sao?

Trong không gian trưng bày nhỏ này tại hội quán Đời Rất Đẹp là hình ảnh 15 bạn trẻ khuyết tật năng động với những câu chuyện, những suy nghĩ của họ về xã hội, cuộc sống. Tất cả những bức ảnh đều do chính các bạn trẻ khuyết tật lên ý tưởng, chụp và kể lại câu chuyện của chính họ. Họ không phải là những tay máy chuyên nghiệp, nhưng họ có những câu chuyện.

Qua mỗi câu chuyện, người khuyết tật (NKT) muốn nói lên tiếng nói và quan điểm của mình về nhu cầu được tiếp cận và các câu chuyện chân thật về vấn đề tiếp cận trong cuộc sống đời thường. Trong đó, người xem không ai thấy 1 dòng than trách, bi quan nào của NKT, họ chỉ cảm thấy những trở ngại cuộc sống mà NKT gặp phải và nỗi bức xúc muốn thay đổi điều đó.

Qua hình ảnh, Ngọc Huyền kể lại câu chuyện mình thích vào quán café nhạc sôi động để vui chơi với bạn bè, trước nhiều con mắt tò mò ngạc nhiên. Cô kể: “Âm nhạc sôi động làm tôi thôi nghĩ về những khó khăn trong cuộc sống. Lúc đầu đến thì cũng có khá nhiều ánh mắt ngạc nhiên và hơi là lạ nhìn tôi. Tôi đã quen rồi những ánh mắt nhìn của mọi người”.

Tuy vậy, cô vẫn bức xúc: “Nhưng tôi ghét ánh mắt đó, nó làm tôi khó chịu và bào mòn ý chí của tôi. Phải vượt qua nó, phải vượt qua nó, tôi luôn tự nói với mình hàng ngàn lần câu nói này. Đi nhiều lâu dần rồi mọi người thấy việc tôi có mặt ở đó cũng bình thường. Những ai đọc câu chuyện này nếu có đến một nơi giải trí sôi động nào đó mà gặp những NKT. Hãy xem đó là một việc bình thường. Đừng để sự tò mò và hành động của mình làm tổn thương người khác”.

Bạn Như Ý cũng không ngần ngại khoe việc mình lái xe 3 bánh từ Sài Gòn về tận Phú Yên, để chứng tỏ mong muốn khám phá cuộc sống của NKT. Thế nhưng, anh phải ngại ngùng khi di chuyển trong phố thị Sài thành vì chẳng tìm được chỗ để xe. Anh tâm sự: “Có rất ít chỗ chịu nhận giữ cho dù tôi đồng ý trả phí gấp 2 lần xe hai bánh, vì người ta nói xe mình cồng kềnh, khó dắt, chiếm chỗ. Vì vậy, tôi phải xích xe ngoài lề đường. Tôi sợ bị mất xe hay mất phụ tùng xe. Có lần tôi đã bị công an cắt dây xích đưa xe về phường. Mỗi khi đi đâu tôi rất lo cho “đôi chân của mình” nhưng đành chịu!”.

Trong chương trình còn có hội thảo bàn về cơ hội tiếp cận các công trình xây dựng của NKT diễn ra vào ngày 21/12. Bạn Võ Đình Dương (24 ruổi, ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ: “Đi lại, khám phá cái mới và tìm kiếm cơ hội làm việc, học tập, vui chơi là nhu cầu của tất cả mọi người. Tuy nhiên, tôi thấy NKT gặp quá nhiều rào cản, đặc biệt là từ các công trình công cộng. Theo tôi, phá bỏ rào cản ở đây là phải tạo ra những công trình chung, ai cũng sử dụng được”.

Chương trình kết thúc bằng hội thảo bàn về luật và chính sách tác động đến đời sống NKT và thực tế áp dụng trong đời sống diễn ra vào ngày 22/12. Tất cả chương trình được tổ chức trong khuôn khổ chuổi sự kiện “Ừ, thì khiếm khuyết…” đều cho người tham gia thấy được một mặt khác của cộng đồng NKT: lạc quan và cố gắng vươn lên. Chính những trở ngại trong cuộc sống do khiếm khuyết của thân thể gây nên khiến tinh thần của họ phải cao, ý chí đủ bền để đương đầu với tất cả; như một bạn trẻ khuyết tật tâm sự: “Ừ, tôi khuyết tật, thì làm sao?...”.

Tùng Nguyên - Thanh Hoa