1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Chủ tịch Quốc hội:

“Tôi không khoái chuyện ra nước ngoài đón Tết”

(Dân trí) - Tổng kết một năm tất bật trong quá trình chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, vạch kế hoạch cho một năm mới cũng như cả nhiệm kỳ đầy thách thức, gánh nặng trách nhiệm trước mắt, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho những cọ sát, những “cuộc chiến” trường kỳ sắp tới...

Hết thời “nước đến đâu, dầu đến đấy”

- Đã tham gia Quốc hội nhiều khóa, kinh qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau nhưng bắt đầu nhiệm kỳ này với cương vị một lãnh đạo Quốc hội, ông hài lòng với những việc đã làm được trong năm đầu tiên của Quốc hội khóa XIV?

- Có thể nói Quốc hội đã tiến hành kỳ họp thứ 2 vừa qua rất thành công. Điều nổi lên nhất như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói là Quốc hội đã đẩy mạnh đổi mới, hành động và sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của cử tri.

Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, về vấn đề tài chính ngân sách, chúng ta đã xây dựng một kế hoạch dài hơi cho cả 5 năm tới (kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021 và kế hoạch đầu tư trung hạn cho giai đoạn này –PV), trong đó đặt ra mục tiêu cụ thể và có định hướng, tạo hành lang cho toàn bộ các hoạt động tài chính, ngân sách đi theo.

Theo đó, về chi tiêu, Quốc hội ấn định hạn mức không vượt quá 2 triệu tỷ đồng, chi thường xuyên phải dưới 64% GDP cũng như định hướng quan hệ giữa các loại thuế, định hướng tỷ lệ giữa tích luỹ và tiêu dùng cụ thể cho ngân sách. Về chính sách nợ công, toàn bộ cơ cấu vay nợ được đưa vào quản lý, từ các khoản vay dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn đều có khung quy định. Đó là ngọn đèn pha cho dự toán ngân sách.

Quốc hội cũng xác định tổng mức đầu tư Nhà nước cho cả giai đoạn, trong đó phân rõ các nguồn lực đầu tư, phân cho các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, cho các công trình trọng điểm quốc gia cụ thể… Trước kia chúng ta cứ “nước đến đâu, dầu đến đấy”, cứ đầu tư mà không biết vốn ở đâu, nhưng lần này phải thay đổi để làm sao không còn chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản, để ai gây ra nợ đọng thì người đó phải chịu trách nhiệm, làm công trình phải chỉ rõ nguồn lực, vốn ở đâu, tránh câu chuyện xin - cho...

Quốc hội cũng đã có không khí tranh luận rất sôi nổi, đi đến cùng và quan trọng nữa là Quốc hội có những việc làm cụ thể, lời nói đi đôi với việc làm một cách quyết liệt. Cảm nhận chung, đây là một kỳ họp Quốc hội có rất nhiều đổi mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

- Là người bấy lâu nay “đau đáu” với vấn đề quản lý ngân sách, từng nói thẳng, nói thật về trách nhiệm của Quốc hội đối với việc làm ngân sách chưa thực chất, kỷ luật ngân sách lỏng lẻo làm phát sinh nhiều hệ lụy, nhãn tiền nhất là nguy cơ nợ công đội trần, giờ trực tiếp phụ trách lĩnh vực này, ông làm thế nào để vai trò quyết định ngân sách của Quốc hội đi vào thực chất?

- Nói đến vấn đề này, việc đầu tiên phải xem xét là chuyện tại sao lại có nợ. Việt Nam là một đất nước đang phát triển nên nhu cầu xây dựng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất lớn. Vì nhu cầu rất lớn, chúng ta phải bảo lãnh cho một số doanh nghiệp để nhà đầu tư có điều kiện đầu tư vào một số lĩnh vực, từ xây nhà cho người nghèo đến làm đường, xây cầu…

Bây giờ, Quốc hội phải tổ chức để việc đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phải gắn với trách nhiệm hơn. Bài học về việc xây dựng nông thôn mới vừa qua, đến giờ phát hiện ra tới hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng do chạy theo thành tích là nhãn tiền. Quốc hội đã ra nghị quyết, yêu cầu các địa phương để phát sinh nợ phải chịu trách nhiệm, nếu phát hiện dấu hiệu trục lợi sẽ xử lý nghiêm.

Phải đi từ những việc cụ thể như thế để giải quyết vấn đề nợ công. Có thể Quốc hội cũng phải sửa Luật quản lý nợ công, tính cân đối giữa nhu cầu vay, tỷ lệ vay, vay trong nước hay nước ngoài… cụ thể để xác định tầm nhìn, lộ trình vay và trả nợ. Tóm lại là phải tổ chức một nền tài chính có tầm nhìn, có hiệu quả. Tư duy hình thức phải được loại bỏ, người đưa ra quyết định phải chịu trách nhiệm, phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu như trách nhiệm các Bộ trưởng, của Chủ tịch UBND, chứ không thể nói trách nhiệm chung chung nữa.

Bài toán phải giải của năm 2017 được cho là sẽ rất khó khăn, với Quốc hội và với cá nhân ông khi thực tế dễ thấy nhất là khả năng thu ngân sách, cân đối tài chính trong những năm tới không mấy khả quan. Ông có lo ngại, dao động trước khả năng có thể… thua trắng?

Cơ cấu nền kinh tế của chúng ta hiện chưa hợp lý, chưa bảo đảm phát triển nên phải cơ cấu lại, yêu cầu đề ra là phải thay đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ dựa vào vốn, dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ… sang phát triển có theo chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó, phát triển theo chiều sâu là chủ đạo.

Trong bối cảnh hội nhập, với điều kiện hiện tại, có thể thấy rõ chúng ta sẽ gặp khó khăn. Tôi nghĩ, giống như trên sàn đấu, khi gặp những đấu sỹ rất to khỏe mà ta thì thiếu cân, thiếu lạng, gày gò, bị thua, bị “đo ván” là đương nhiên thôi. Nhưng gục rồi thì phải biết vùng dậy.

Chúng ta đang thực hiện nền kinh tế theo cơ chế thị trường đầy đủ thì chỉ có cọ sát, chỉ có vào thực tiễn, chúng ta mới phát triển và trưởng thành được.

Vậy nên đừng ngại thất bại, ta có thể “đo ván” vài hiệp đầu, mà tôi nghĩ chắc chắn sẽ thế nhưng cuộc chiến đâu phải chỉ ngày một ngày hai. Chúng ta không ngại, mới đầu thua nhưng sau đó sẽ thắng, sẽ vươn lên.

“Lãnh đạo giờ toàn đi máy bay thương mại”

- Được biết, là người chỉ đạo việc soạn thảo Nghị quyết của Quốc hội về nội dung tái cơ cấu kinh tế, trong đó có việc tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, nhất là ở khu vực công. Vấn đề này đang rất thời sự khi việc sử dụng tài sản công hiện nay, từ việc xài xe công, dùng nhà công vụ tới chuyện chi tiêu hội nghị, tiếp khách… các đại biểu Quốc hội lâu nay vẫn than dài về sự lãng phí. Kế hoạch cụ thể cho nhiệm vụ siết chặt kỷ luật tài chính, như ý tưởng của ông?

- Tiết kiệm, chống lãng phí chính là một yêu cầu đặt ra khi siết chặt kỷ luật tài chính. Tất cả những khoản chi tiêu, theo đó, phải đúng tiêu chuẩn, định mức và đảm bảo hiệu quả. Xe công, trụ sở công hay việc liên quan đến chi tiêu công phải thực hiện tiêu chuẩn hóa cụ thể. Cán bộ cấp nào được bố trí xe phục vụ, chẳng hạn, hiện có quy định rồi nhưng tới đây chúng tôi tính mạnh hơn việc khoán, thậm chí đưa vào lương.

Việc làm thí điểm khoán xe với Thứ trưởng như Bộ Tài chính dù mới triển khai trong nội bộ nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng việc đó chưa thực chất, chưa hiệu quả, triệt để vì mới chỉ là khoán chi phí đưa đón từ nhà đến cơ quan, chưa giúp giảm đầu xe. Người ta vẫn nói cả loạt xe, lái xe vẫn phải trả chi phí, vẫn ngồi nguyên đấy… chờ việc. Chúng ta có một lượng xe công rất lớn mà vừa qua phát hiện có tới 7.000 xe sử dụng không đúng tiêu chuẩn.

Bước tới đây chúng tôi tiến hành là xác định lượng xe phục vụ những chức danh đó được mua với giá tiền bao nhiêu, sử dụng trong thời gian thế nào đều sẽ được khoán, khoán cả khâu đi làm và công tác, đưa hết vào lương, thu nhập, ai tiết kiệm được thì càng tốt, còn vượt mức thì bỏ tiền túi ra. Như vậy, một cơ quan chỉ còn vài xe hoạt động chung thôi. Quốc hội sẽ sửa lại luật quản lý tài sản Nhà nước để làm sao đưa vào hệ thống quản lý cho hiệu quả.

- Cùng với động thái của Bộ Tài chính, phía Chính phủ cũng có những chuyển động mạnh mẽ, như việc mới đây Thủ tướng Chính phủ công du Thái Lan bằng máy bay thương mại thay vì đi chuyên cơ. Có nên xây dựng việc này thành một tiền lệ để thực hành tiết kiệm trong cả bộ máy?

- Các lãnh đạo của chúng ta hiện giờ toàn đi máy bay thương mại đấy chứ, chỉ có nguyên thủ quốc gia thì khác. Tôi cho rằng việc đó là rất tốt, tất nhiên, trừ những chuyến công du cần đi chuyên cơ để giữ thể diện quốc gia.

Năm đầu tiên của nhiệm kỳ như vậy đã kết lại với không khí sôi nổi, với tinh thần hứng khởi, mới mẻ. Một cái Tết với Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ là dịp “xả hơi” sau thời gian dồn sức cho năm chuyển giao nhiệm kỳ vừa hay sẽ bận rộn hơn với bộn bề công việc trên cương vị trách nhiệm mới cao hơn?

Tôi cũng như mọi người Việt Nam, gần Tết cũng bắt đầu… háo hức (cười). Tất nhiên, không phải cái háo hức như ngày xưa vì thích cái áo mới nữa, tuổi tác khác rồi, sở thích cũng trầm lắng hơn. Tôi mong Tết với những truyền thống của gia đình như tụ họp con cháu đông vui, để gia đình cùng chia sẻ với nhau hương vị ngày Tết.

Bây giờ Tết thay đổi nhiều lắm, tôi thấy nhiều người thích dịp nghỉ Tết để đi du lịch nước ngoài. Với truyền thống của người Việt, tôi không khoái chuyện Tết Nguyên đán mà lại ra nước ngoài vì đó là ngày của sum họp gia đình. Người ở nước ngoài còn phải bay về quê hương đón Tết mà.

Không gian Tết của người Việt Nam trong tiết trời đông se lạnh, bung nở một sắc đào mà gia đình, người thân quây quần bên nhau, có một cái gì đầm ấm, thiêng liêng lắm. Tôi chắc không bao giờ bỏ được những hương vị đã quen thuộc kiểu như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, tiếc là giờ không còn có câu đối đỏ…

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện ý nghĩa ngày cuối năm!

Phương Thảo (thực hiện)