1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thừa Thiên - Huế:

Tìm thấy bản phác thảo gốc về phù điêu chân tượng cụ Phan Bội Châu

(Dân trí) - Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa cho biết, sắp nhận được bản phác thảo rất quan trọng về các phù điêu dưới chân tượng cụ Phan Bội Châu do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn để lại.

Tìm thấy bản phác thảo gốc về phù điêu chân tượng cụ Phan Bội Châu  - 1
Tượng cụ Phan Bội Châu hiện còn thiếu phần phù điêu xung quanh chân đế.
 
Theo ông Hùng, trước lúc qua đời vào cuối năm 2002 tại Úc, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn - người đã đúc tượng cụ Phan Bội Châu tại Huế (được xem là tượng đầu lớn nhất Đông Nam Á hiện nay) - đã trao lại bản thảo những phù điêu (dự kiến đắp vào chân tượng cụ Phan Bội Châu) cho ông Phan Thiệu Cát - cháu nội của cụ Phan Bội Châu đang sống tại Canada.

Ngoài ra, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn cũng để lại một bức thư, trong đó có chuyện về quá trình ông làm các bức tượng ở Huế như tượng cụ Phan Bội Châu, tượng Quan Thế Âm bằng đồng ở Trung tâm văn hóa Liễu Quán.

Ngày 9/8/2010, ông Phan Thiệu Cát đã gửi bản phác thảo này về Việt Nam cho Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên - Huế.

Ông Hùng cho rằng, việc này có thể chấm dứt những tranh cãi ở Huế lâu nay chung quanh câu chuyện những phù điêu xác thực nhất ở chân tượng cụ Phan Bội Châu.

Vào năm 1973, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn đã đúc tượng xong tượng Phan Bội Châu. Trong quá trình hoàn thiện bức tượng thì giải phóng miền Nam diễn ra nên công việc tạm ngừng lại. Từ lúc đó, bức tượng đã khuyết đi phần phù điêu ở xung quanh chân tượng.

Tượng Phan Bội Châu hiện được đặt ở nhà lưu niệm Phan Bội Châu (TP Huế) nặng gần 5 tấn, cao 4,5m, rộng 3,5m và dày 2,5m. Bức tượng gồm 12 mảnh ghép thể hiện chân dung cụ Phan với hai mảng phù điêu phản ánh hiện thực và ước mơ. Mảng bên trái là bóng tối thể hiện xiềng xích nô lệ, áp bức và tù đày của chế độ thực dân xâm lược. Mảng bên phải biểu đạt ước vọng hòa bình và độc lập, ấm no và hạnh phúc.

Bức tượng được xem là một bộ phận trong quần thể di sản văn hóa Huế được UNESCO quan tâm. Trong thời gian tới, tượng cụ Phan sẽ được di chuyển xuống xuống công viên số 19 Lê Lợi, gần cầu Trường Tiền và sông Hương cho tương xứng với vị trí và tầm vóc của bức tượng

Đại Dương