1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Tiếp tục hát “Bài ca hạn chế xe cá nhân”

(Dân trí) - Đó là tiêu đề tham luận của GS.TS Lê Quả, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải, trong Hội thảo Đẩy nhanh phát triển Vận tải hành khách công cộng và giảm dần xe cá nhân, ngày 24/12 tại TPHCM.

Bài toán con gà và cái trứng

Tại hội thảo, tất cả các chuyên gia trong và ngoài ngành đều khẳng định: tình hình giao thông của TPHCM đã đến mức quá tồi tệ, không cần bàn là có nên làm hay không mà phải bàn là làm cái gì, hiệu quả ra sao và khi thấy hiệu quả phải quyết liệt làm.

Tuy nhiên, hai giải pháp mà lâu nay các chuyên gia trong nước hay đề cập đến là phát triển vận tải hành khách công cộng và hạn chế xe cá nhân hiện vẫn còn rất loay hoay trong định hướng và tìm kiếm phương pháp thực hiện. Trong hội thảo này, các chuyên gia tiếp tục tranh cãi với hai giải pháp trên.

Lâu nay các chuyên gia đã nhiều lần đề xuất, TP cũng đã có nhiều kiến nghị các biện pháp hạn chế xe cá nhân nhưng vấp phải dư luận rất lớn trong xã hội từ các nhân sĩ trí thức và cả dân thường vì một điểm: Chúng ta chưa có hệ thống Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tốt thì có nên hạn chế xe cá nhân không? Hạn chế thì dân đi bằng gì?

Tiếp tục hát “Bài ca hạn chế xe cá nhân” - 1
  

Quang cảnh hội thảo.

Các chuyên gia theo quan điểm hạn chế xe cá nhân thì lập luận lại: Trong điều kiện hạ tầng đường xá yếu kém như hiện nay, nếu không hạn chế xe cá nhân trước thì không thể nào phát triển hệ thống VTHKCC.

Ai cũng có lý cả và ai cũng đúng cả. Và vấn đề này được các chuyên gia trong hội thảo gọi là bài toán con gà và cái trứng của ngành giao thông.

Hai giải pháp phải song hành

Từ bài toán trên, các chuyên gia đề xuất cách giải là không nên xác định cái nào làm trước, cái nào làm sau mà cả hai cái phải làm song hành với nhau, mỗi cái làm một chút và thực hiện từng phần.

Ví dụ giảm xe cá nhân thì trước hết chỉ nên hạn chế bằng các biện pháp hành chính tác động vào vấn đề kinh tế như không khuyến khích phát triển xe gắn máy, tăng giá bán xăng trong nội đô, thu thuế ô nhiễm môi trường, không xây dựng mới và xoá bỏ các bãi giữ xe ở khu vực trung tâm thành phố, đồng thời giá giữ xe tăng cao dần từ khu vực ngoại thành vào nội thành...

Còn phát triển hệ thống VTHKCC trước hết phải bằng cách cải thiện thái độ phục vụ của tiếp viên xe buýt, sắp xếp lại hệ thống tuyến, hoàn thiện cơ chế quản lý... Vì các biện pháp này ít tốn kém mà lại có hiệu quả cao và tức thời mà không cần tăng số phương tiện.

Khi có vốn lớn từ việc thu phí các loại, từ các biện pháp hạn chế xe cá nhân, chúng ta có thể đầu tư phát triển số phương tiện. Khi đó, điều kiện cơ sở hạ tầng cũng đã cho phép tăng số phương tiện VTHKCC vì xe cá nhân đã giảm đáng kể.

Khi đã phát triển được một hệ thống VTHKCC khá, TPHCM có thể áp dụng biện pháp cấm xe cá nhân tại một số khu vực. Đồng thời, theo TS. Nguyễn Thị Bích Hằng (trường Đại học Giao thông vận tải), nên áp dụng thêm biện pháp giao thoa, phối hợp hai loại hình vận tải công cộng và cá nhân thành hệ thống giao thông thống nhất và tiện ích.

Theo cách này, tại vùng đệm giữa khu vực hạn chế và không hạn chế xe cá nhân, cần có các bãi giữ xe cũng như các điểm cho thuê xe đạp hay xe máy đủ đáp ứng nhu cầu thay đổi việc sử dụng xe cá nhân và xe công cộng của người dân. Bởi mỗi hình thức đi lại đều có tiện ích riêng, rất khó dùng thuần nhất một loại hình nào.

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, phát biểu: “Phát triển vận tải công cộng và giảm dần xe cá nhân là xu hướng tất yếu, được Sở GTVT và cả TP quan tâm, chúng tôi sẽ ghi nhận những góp ý này để nghiên cứu và có biện pháp ứng dụng trên thực tế”.

Tùng Nguyên