1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tiền đâu xử lý nợ xấu?

Đề cập về tình trạng nợ xấu hiện nay của nước ta, nhiều chuyên gia kinh tế đã gọi đó là “cục máu đông của nền kinh tế”. “Cục máu đông” này khiến luồng tiền lưu thông bị tắc lại, nền kinh tế bị đình trệ, DN không tiếp cận được với tín dụng của ngân hàng (NH).

Tiền đâu xử lý nợ xấu?
Xử lý nợ xấu như thế nào, cơ chế ra sao vẫn còn đang tranh luận (ảnh minh hoạ). Ảnh: G.Huy
 
Do đó, cần kíp xử lý ngay “cục máu đông” này để “cơ thể” nền kinh tế được lưu thông. Đây là nội dung nóng bỏng được đưa ra thảo luận tại Hội thảo về xử lý nợ xấu diễn ra tại HN ngày 19/9 do Viện Chiến lược và Chính sách Bộ Tài chính tổ chức.
 
Nợ xấu từ hoạt động chuyển vốn
 
Theo TS Nguyễn Thị Mùi - Trường đào tạo VietinBank - một số khoản vay ra khỏi NH đã là nợ xấu mà bản thân NH không thể nào ngăn chặn được. Điều này xuất phát từ vấn đề minh bạch thông tin và tính chính xác của báo cáo kiểm toán gây khó khăn cho các NH khi thẩm định để cho vay. Ở khía cạnh khác là không ít DN và NH có mối quan hệ thân thiết, phụ thuộc lẫn nhau (sở hữu chéo) thì nguồn vốn dễ được phân bổ sai mục đích.
Nguy hiểm hơn - theo TS Nguyễn Thị Mùi - nợ xấu hiện ẩn dưới dạng “chuyển vốn cho vay thành vốn góp”. “Khoản nợ này không chỉ rất xấu mà còn nguy hiểm ở chỗ, đôi khi nó chỉ tồn tại trên sổ sách của con nợ và chủ nợ” - bà Mùi nói.
 
TS Dương Thu Hương - Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng còn chỉ ra những phần khác của nợ xấu do bắt nguồn từ chính sách. Đó là các khoản vay được hoãn, dãn, đảo nợ.
 
“Đấy là tất cả những cái mà chính sách cho phép. Mà cái đó tiềm ẩn nợ xấu. Do đó, khi tính toán nợ xấu để tiến hành xử lý thì cần tính toán cả những khoản nợ hoãn, dãn, kéo dài thời gian trả nợ và đảo nợ xem nó thế nào. Nếu chỉ tính toán các khoản nợ đơn thuần tới hạn chưa trả được thì không đủ” - bà Hương nói.
Mấu chốt là “hàng tồn kho”
 
Nhiều ví von cho rằng, nợ xấu hiện nay như “cục máu đông” của nền kinh tế. Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo về xử lý nợ xấu sáng 19.9, bà Dương Thu Hương khá gay gắt khi chỉ ra yếu tố tồn kho lớn mới là nguyên nhân chính làm nợ xấu tăng lên.
 
“Đây là nguyên nhân vô cùng lớn. Tồn kho là nguyên nhân trực tiếp làm cho nợ xấu tăng lên. Nếu DN bán được hàng thì chả có nợ xấu. Tồn kho chứ không phải nợ xấu là “cục máu đông” làm ách tắc dòng vốn. Giải quyết được tồn kho mới xử lý được nợ xấu” - bà Hương khẳng định. Bà Hương cũng cho rằng cần xác định lượng tồn kho hiện nằm trong những lĩnh vực nào và bao nhiêu thì mới đưa ra giải pháp xử lý được.
 
Trong số các giải pháp được đưa ra, bà Hương cho biết là hiện chi có Bộ Tài chính đề cập tới câu chuyện mở rộng đầu tư và chi tiêu Chính phủ từ nay tới cuối năm. Hàng tồn trong lĩnh vực ximăng, sắt thép theo đó mới được xử lý. Còn những biện pháp khác thì chưa được nói tới.
 
“Sao chúng ta không giảm thuế để nâng cao sức mua?” - bà Hương đặt câu hỏi. Tuy nhiên, mâu thuẫn ở chỗ, để nâng cao sức mua thì phải nâng cao thu nhập, tăng lương cho dân. “Điều này với hoàn cảnh hiện nay tôi cũng bế tắc. Có lẽ giải pháp là kiểm soát được lạm phát thì tự nhiên sức mua tăng. Điều này có lẽ là được” - bà Hương nói.
 
Tiền đâu xử lý nợ xấu?
 
Trao đổi bên lề hội thảo, TS Vũ Như Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) - đơn vị tổ chức hội thảo cho biết: Thật ra nguồn lực là vấn đề hết sức nan giải và quan trọng mà chúng tôi muốn hội thảo này thảo luận. Tuy nhiên, các vấn đề góp ý mới chỉ tập trung vào việc phân tích nguyên nhân nợ xấu và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế.
 
Một vài ý kiến cho rằng, nếu để bản thân các NH tự xử lý thì khó dứt điểm và không biết khi nào mới xong. Có ý kiến cho rằng, nếu để các NH tự trích lập dự phòng từ nguồn lợi nhuận hằng năm để xử lý nợ xấu thì mất ít nhất từ 7-10 năm mới khắc phục được. Nếu thành lập Cty mua bán nợ quốc gia hoặc nâng cấp Cty mua bán nợ và xử lý tài sản tồn đọng của DN thì Nhà nước phải can thiệp bằng tài chính.
 
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần phải lường trước nguy cơ nhóm lợi  ích NH tìm cách đẩy nợ xấu cho Cty mua bán nợ để thu hồi vốn đang xuống giá. “Như vậy, lúc ấy ngân sách nhà nước sẽ đứng ra gánh hậu qua thay các đại gia” - ông Long nói. Chưa kể, ngân sách nhà nước là lấy từ tiền thuế của dân.
 
Ông Dương Thanh Hiền - Phó TGĐ Cty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC): Nợ xấu của NH và DNNN không thể tách rời nhau
NH Nhà nước hiện có đề án tái cơ cấu hệ thống NH, Bộ Tài chính có đề án tái cơ cấu các DN nhà nước. Giữa NH Nhà nước và Bộ Tài chính có hai đề án song song nhưng nợ xấu của hai khối NH và DN nhà nước gắn với nhau không thể tách được.
“Nói nợ của TCty và tập đoàn mà không dính tới NH là không được. Việc tách bạch của chúng ta chỉ mang tính định tính còn trong quá trình thực hiện thì xử lý nợ của NH là xử lý chủ yếu nợ của các tập đoàn, TCty” - ông Hiền nói.
Nhưng xử lý như thế nào, cơ chế ra sao vẫn còn đang tranh luận. Ông Hiền dẫn kinh nghiệm một số nước khi trao “củ càrốt” sẽ phải kèm theo “cây gậy”. Nghĩa là khi đã có phương án mà trong thời gian quy định các đơn vị không thực hiện thì lúc đó sẽ có biện pháp xử lý. Trước khá nhiều ý kiến về việc đơn vị nào sẽ đứng ra để xử lý nợ xấu, ông Hiền cho rằng, việc thành lập Cty mua bán  nợ quốc gia nếu nhanh cũng sẽ mất đến hai năm. Do đó nên giao cho DATC. Nhưng về cơ chế pháp lý cho DATC hiện còn yếu, nên đề xuất tạo thêm cơ chế cho Cty này để thực hiện. 
 
Theo Lưu Thủy