1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thuyền viên Việt Nam gặp nạn ở Nam Cực: Chi trả thiệt hại chưa thoả đáng

(Dân trí) - Nếu theo đúng quy định, lao động (LĐ) có thể được hưởng mức cao nhất lên tới 30.000 USD. Theo chuyên gia, mức bồi thường khoảng hơn 320 triệu đồng mà gia đình nạn nhân được nhận trong vụ tàu In Sung 1 (Hàn Quốc) bị nạn ở Nam Cực là chưa thoả đáng.

Nhiều loại bảo hiểm phải chi trả cho LĐ gặp nạn

Ngày 2/2 gia đình thuỷ thủ Nguyễn Tương- LĐ làm việc và gặp nạn trên tàu In Sung 1, Hàn Quốc đã nhận lại thi thể người thân và nhận được khoản tiền 320 triệu tiền bảo hiểm và một số hỗ trợ khác từ Công ty cổ phần nhân lực quốc tế (LOD).
 
Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm việc làm ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, khoản tiền bồi thường mà gia đình nạn nhân được nhận phải nhiều hơn mức đó. Bởi có tới 4 loại bảo hiểm sẽ được chi trả khi có tai nạn xảy ra.
 

Thuyền viên Việt Nam gặp nạn ở Nam Cực: Chi trả thiệt hại chưa thoả đáng - 1

Cụ thể, khi LĐ đi theo Chương trình EPS (Chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc) sẽ được mua đầy đủ 4 loại bảo hiểm gồm: Bảo hiểm trợ cấp thôi việc; Bảo hiểm chậm trả lương; bảo hiểm chi phí hồi hương và bảo hiểm tai nạn ngoài nghề nghiệp. Nếu bị tử vong hoặc tai nạn, tổng bảo hiểm mà LĐ được hưởng lên tới 30 triệu WON, tương đương với 30.000 USD. Chưa kể tiền chủ sử dụng LĐ hỗ trợ thêm (khoảng 20.000 USD).
 
“Trong số 4 loại bảo hiểm tôi đã đề cập, thì có 2 loại bảo hiểm là LĐ phải bỏ tiền ra mua là bảo hiểm chi phí hồi hương, bảo hiểm tai nạn ngoài nghề nghiệp (khoảng 50USD). Hai khoản còn lại thì doanh nghiệp phía Hàn Quốc phải mua cho LĐ. Nếu LĐ có đầy đủ các khoản bảo hiểm này thì mức bồi thường không phải là 13.000 USD mà cao hơn nhiều. Luật LĐ của Hàn Quốc cũng rất chặt chẽ trong việc ràng buộc trách nhiệm của chủ sử dụng LĐ khi có tai nạn xảy ra cho LĐ nên ngoài tiền bảo hiểm, chủ sử dụng LĐ còn có hỗ trợ thêm để tránh kiện cáo”- ông Xuyên khẳng định .

Cũng theo ông Xuyên, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tai nạn đối với thuyền viên tàu cá VN tại Hàn Quốc. 

Trước đó, Trung tâm đã giải quyết 1 vụ tai nạn. Nạn nhân là LĐ ở Bắc Ninh, do bất cẩn va đập vào thành tàu và rớt xuống biển. Lúc đó tàu chạy nhanh nên khi quay lại vứt phao cứu hộ xuống thì đã không thấy LĐ đó đâu. Sau một thời gian tìm kiếm đoàn đã kết luận thuyền viên này đã mất tích. “Khi có vụ việc xảy ra, chúng tôi đã làm thủ tục, lo visa cho bố của nạn nhân sang làm việc trực tiếp với chủ tàu của Hàn Quốc. Tổng bảo hiểm mà gia đình nạn nhân nhận tại thời điểm đó là khoảng 30.000 USD”, ông Xuyên nói.
 
Về những khoản bảo hiểm này, ông Vũ Công Bình, Tổng Giám đốc Công LOD cho biết: LĐ đi qua công ty phải mua 2 loại bảo hiểm là bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm xã hội. Trong đó LĐ phải mua BHXH nhưng rất ít người mua bảo hiểm này. Còn về bảo hiểm tai nạn thì công ty có thoả thuận với phía bạn để mua bảo hiểm tại Việt Nam (Bảo hiểm bưu điện Thăng Long). Ông Bình cũng chưa rõ phía chủ tàu có hỗ trợ gì cho LĐ gặp nạn và LĐ đã tử vong hay không. Về phía công ty LOD, ông Bình đã cử cán bộ vào thăm hỏi gia đình các nạn nhân, hỗ trợ gia đình nạn nhân đã chết 20 triệu đồng.

Rủi ro rình rập nơi xứ người

Theo các DN XKLĐ, lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành ngư nghiệp chủ yếu đi tàu đánh bắt gần bờ tại Pusan và đảo Cheju. Riêng thuyền viên tàu cá thì chủ yếu đánh bắt xa bờ. Anh Nguyễn Trung Thành, LĐ ở Cát Hải (Hải Phòng), từng đi thuyền viên tàu cá tại Hàn Quốc cho biết: “Lên tàu đánh bắt xa bờ thì 100% thời gian của chúng tôi là ở trên tàu. Nhiều khi mình là thuyền viên đi tàu Hàn Quốc nhưng không hề đặt chân lên đất Hàn mà theo tàu lênh đênh trên khắp thế giới theo hải trình. Khi tàu cập cảng nước nào đó thì thuyền viên mới được lên bờ. Tàu đi trên các đại dương, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào”

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện chỉ có duy nhất Trung tâm lao động ngoài nước đưa LĐ sang Hàn Quốc theo chương trình EPS. Thế nhưng, riêng LĐ là thuyền viên nghề cá (nhất là đánh bắt xa bờ), Hiệp hội nghề cá Hàn quốc vẫn tiếp nhận LĐ VN thông qua các doanh nghiệp XKLĐ. Hoạt động này bắt đầu từ năm 1999, Hiệp hội nghề cá Hàn Quốc làm việc với các công ty XKLĐ VN để tuyển LĐ và vẫn duy trì việc tuyển LĐ qua “kênh” này từ đó tới nay. Mỗi năm, LĐ VN đi làm thuyền viên tàu cá ở Hàn Quốc khoảng 2.000 người

Tuy nhiên, khác với LĐ đi theo diện EPS, thông tin cho thấy bảo hiểm mà các DN mua cho LĐ là bảo hiểm trong nước chứ không phải bảo hiểm phía Hàn Quốc. Vì vậy mà mức chi trả thấp. 
 

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), LĐ VN trên tàu In Sung 1 nói riêng và LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nói riêng, khi gặp rủi ro (tử vong, tai nạn, về nước trước hạn) sẽ được xem xét hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; hỗ trợ từ phía các công ty XKLĐ; hỗ trợ từ phía chủ sử dụng LĐ và chi trả từ bảo hiểm (nhất là bảo hiểm tai nạn LĐ). Khi thẩm định hợp đồng LĐ, hầu hết các LĐ đều có mua bảo hiểm, ở cả phía VN và tại quốc gia nơi họ tới làm việc.

  P. Thanh- Lê An