1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Thuỷ tặc” đại náo phá Tam Giang

Hàng trăm hộ dân nuôi trồng thuỷ sản trên phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang khóc đứng khóc ngồi bởi nạn “thuỷ tặc” không những ngang nhiên trộm cướp thuỷ sản, mà còn đánh người dám... ngăn cản chúng!

Ngay cả lực lượng công an khi tổ chức truy đuổi “thuỷ tặc” cũng nhiều lần “mình mang thương tích” bởi sự hung hãn và chống trả quyết liệt của chúng...   

Cướp của, đánh người

Một buổi chiều đầu tháng, hơn 10 “thuỷ tặc” điều khiển 5 chiếc thuyền đuôi tôm trang bị máy công suất lớn (hơn 16 CV) ngang nhiên xông vào hồ cá của gia đình ông Trần Đình Xuân ở đội 4, làng An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền để dùng xung điện đánh bắt. Ông Xuân bơi thuyền ra đuổi thì bị những đối tượng này dùng xung điện và dao, rựa tấn công. Không thể chống lại số đông “thuỷ tặc” đang rất hung hãn với nhiều hung khí có thể lấy mạng người trên tay, ông Xuân phải bơi thuyền chạy thoát thân, để lại hồ cá cho chúng tự do... “thu hoạch”.

Sau khi no nê tôm cá, chúng nổ máy bỏ đi, ông Xuân mới dám trở về hồ cá của mình để kiểm tra thì ôi thôi, tôm cá sắp đến ngày thu hoạch của ông đã gần như bị vét sạch. “Rứa là bao nhiêu vốn liếng, công sức của tui bỏ ra để đầu tư bấy lâu nay đã trở thành công cốc. Mà đây không phải là lần đầu tui bị cướp trắng như thế này” - ông Xuân rớm nước mắt.

Ông Trần Hữu Thế - chủ hồ cá cua cạnh hồ ông Xuân - tình cảnh còn bi đát hơn. Hai năm nay, ông không nhớ hết đã bao nhiêu lần tài sản của mình bị “thuỷ tặc” tấn công. “Mới đây nhất, gần 20 người điều khiển 9 chiếc thuyền máy bất ngờ tràn vào các hồ nuôi của tui rồi ồ ạt đánh bắt bằng xung điện. Tui chạy ra ngăn cản thì bị họ vây lại đánh hội đồng một trận khiến tui thừa sống thiếu chết, sau đó bỏ đi” - ông Thế kể lại, giọng vẫn chưa hết bàng hoàng.
“Thuỷ tặc” đại náo phá Tam Giang  - 1
Đội cào hến của xã Điền Hòa trên phá Tam Giang thường "xuất quân" từ tờ mờ sáng. Ảnh: H.V.M

Đáng nói là hiện tình trạng bị “thuỷ tặc” ngang nhiên cướp thuỷ sản tại hồ nuôi rồi đánh người như trường hợp của ông Xuân và ông Thế xảy ra rất phổ biến, không chỉ ở xã Quảng An mà còn ở nhiều địa phương khác ven phá Tam Giang như: Quảng Lợi, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền), Phú Mỹ, Vinh Hà (huyện Phú Vang), Lộc Điền (huyện Phú Lộc)..., khiến người dân hết sức phẫn nộ và hoang mang. Ông Trương Ngọc Thọ - một người dân làng An Xuân, xã Quảng An - lo lắng: “Nhiều hộ bị cướp trắng trợn nhưng không dám ho he vì sợ chúng đánh. Những ai đi báo công an và chính quyền địa phương thì lập tức sau đó bị trả thù bằng cách không những cướp tôm cá mà còn... phá nát luôn cả hồ nuôi, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.

Nếu như người dân sống ven phá Tam Giang các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc đau đầu với nạn xung điện, thì người dân các xã vùng Ngũ Điền của hai huyện Phong Điền và Quảng Điền lại ăn ngủ không yên với nạn cào hến từ hơn 10 năm nay. Hung thần đối với người dân khu vực này là một đội cào hến (trìa) khoảng 16 chiếc thuyền máy, động cơ trung bình khoảng 26 -28 CV, trú ở thôn Ngư Nghiệp của xã Điền Hoà, huyện Phong Điền. Phương tiện dùng để cào hến cũng rất đơn giản: Chỉ là một thanh sắt ngang rộng khoảng 60cm với 4-5 thanh răng cưa, phần đuôi gắn một túi lưới rất to để đựng vật phẩm gọi là cái cào hến. “Tiếng là cào hến, nhưng vật phẩm thu được lại chủ yếu là tôm, cua, cá... Chỉ cần 16 chiếc thuyền với 16 cái cào hến dàn hàng ngang quét một lượt là coi như vớt sạch tôm cá ở nơi họ đi qua” - một người sống bằng nghề đánh bắt ở xã Điền Hải cho biết.

Điều đáng nói là đội này không những cào ngoài phá, mà còn lén lút và ngang nhiên vào cào cả trong những trộ sáo do người dân vây lại giữa phá để nuôi trồng. Vô phúc cho trộ sáo nhà ai được đội cào hến “ghé thăm” thì ngày hôm sau coi như chèo thuyền về không, vì chẳng còn gì để mà thu hoạch. Theo bật mí của một người đàn ông tên S trong đội cào hến với chúng tôi, trung bình mỗi ngày, mỗi thuyền của họ thu được khoảng 2-5 triệu đồng!
“Thuỷ tặc” đại náo phá Tam Giang  - 2
Chẳng may đội cào hến "quét" qua một lượt, coi như những trộ sáo như thế này sạch tôm cá.

Cuộc chiến không cân sức

Ông Đặng Văn Chúng - Trưởng Công an xã Quảng An - cho biết: Những người sử dụng xung điện nói trên đến từ các xã Hương Vinh, Hương Phong thuộc huyện Hương Trà và phường An Hoà của thành phố Huế. Xung điện của họ sử dụng không phải là loại thông thường, mà mạnh gấp 2-3 lần điện lưới, nên không chỉ gây hại trên phạm vi rất rộng, mà còn có khả năng hút được thuỷ sản về một chỗ, cũng như “moi” tận dưới mấy tầng bùn để lôi lên những loài cá vốn lâu nay chưa bao giờ bị chết bởi việc rà điện thông thường như cá bống, lươn, chính... “Việc dùng xung điện không những gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người dân, mà còn làm huỷ diệt nghiêm trọng môi trường đầm phá. Chúng tôi ý thức rất rõ điều này, nhưng do chính quyền xã không có phương tiện, công cụ, ngược lại “thuỷ tặc” thuyền chạy nhanh, lại có hung khí và thừa liều lĩnh nên chúng tôi không làm gì được.

Mới đây, khi truy bắt “thuỷ tặc”, lực lượng công an xã Quảng An đã bị chúng vây lại đánh hội đồng bằng hung khí, khiến công an viên Trần Quang Thiện bị trọng thương phải nhập viện cấp cứu” - ông Chúng nói. Trước đó, cũng trong một lần vây bắt, ông Võ Đà - Trưởng Công an thị trấn Sịa - đã bị “thuỷ tặc” đâm thẳng thuyền vào khiến ông bị thương nặng, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Tại các xã Điền Hải (Phong Điền), Quảng Ngạn, Quảng Công, Quảng Lợi (Quảng Điền)..., chỗ nào gặp lãnh đạo, chúng tôi cũng chỉ nhận được những câu trả lời tương tự lời ông Chúng, kèm theo những tiếng thở dài.

Không có câu trả lời xác đáng từ các địa phương, chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng chính ông Bình cũng đang... loay hoay không biết phải làm thế nào. “Những chuyện xung điện, cào hến... gây hại ở các địa phương chúng tôi biết hết, nhưng không thể nào làm ráo riết được do hiện lực lượng kiểm ngư của chúng tôi chỉ có... 3 biên chế và 7 hợp đồng mùa vụ, lại lo cả việc lớn ở ngoài biển lẫn việc trong đầm phá”. Để khắc phục khó khăn, chi cục đã thành lập 50 chi hội nghề cá ở các địa phương nhằm quản lý, giúp nhau chống nạn khai thác huỷ diệt, nhưng hiệu quả cũng không đáng kể do các chi hội thiếu kinh phí và phương tiện để hoạt động. Bởi vậy, “mỗi khi có chuyện xảy ra, họ điện thoại cầu cứu, nhưng lực lượng của chúng tôi đâu được tinh nhuệ như 113, nên có về tới nơi thì chuyện cũng đã rồi, nhất là những chuyện xảy ra lúc 11 - 12h đêm” - ông Bình nói.
 

“Thuỷ tặc” đại náo phá Tam Giang  - 3

Tang vật thu được của một vụ đánh bắt trộm thủy sản bằng xung điện.

Nhưng những khó khăn chúng tôi vừa nêu chỉ là bề nổi của tảng băng. Dưới phần chìm, còn có những nguyên nhân được cho là tế nhị khác như một số địa phương, cơ quan chức năng đã lơ là, nếu không muốn nói là tiếp tay cho “thuỷ tặc” sau những chầu nhậu chung chi định kỳ. Bởi vậy không dưng mà mới đây, một lúc mấy chục người sống bằng nghề xung điện ở xã ven phá Vinh Thanh của huyện Phú Vang đã thuê một lúc hai xe ôtô để qua huyện Phú Lộc dự... đám cưới của một công an ở huyện này(!). Ngay chính ông Nguyễn Quang Vinh Bình cũng than thở với chúng tôi rằng trong cuộc chiến chống “thuỷ tặc” trên phá Tam Giang, chỉ có Công an huyện Quảng Điền là có sự quan tâm nên thường xuyên nhiệt tình phối hợp, còn công an các huyện khác như Hương Trà, Phong Điền... rất ít quan tâm vì nhiều... “lý do”. 

Đó là chưa nói đến chuyện, sự thích ứng để đối phó của “thuỷ tặc” đối với cơ quan chức năng ngày một tinh vi và khó lường hơn. Theo ông S - thành viên của đội cào hến ở xã Điền Hoà mà chúng tôi đã dẫn ở trên thì cứ mỗi chuyến đi cào, mỗi thuyền phải nộp quỹ 550.000đ, trong đó 50 ngàn đồng dùng để chi cho một đối tượng ở bến đò Vĩnh Tu (xã Quảng Ngạn). Đối tượng này sẽ có nhiệm vụ kiểm tra, loan báo hôm nay có công an huyện, tỉnh về kiểm tra hay không để nằm im hoặc đi làm. 500 ngàn còn lại dùng để dự phòng cho việc chẳng may ai đó bị bắt thì dùng để nộp phạt. “Mỗi lần bị bắt phạt khoảng 10 triệu, nhưng quỹ của chúng tôi đã có khoảng 8 triệu nên tính ra, lỗ chưa bằng lợi thu được của một ngày” - ông S kể.

Bởi vậy, không có gì lạ khi thời gian gần đây, dù Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên - Huế có mạng lưới tình báo ở các địa phương, rồi thay vì phối hợp với công an các huyện thì làm thẳng với công an tỉnh và xuất phát từ cửa biển Thuận An, và mỗi lần “xuất quân” đều bí mật như làm chuyên án, nhưng không hiểu sao khi về tới nơi thì... chẳng thấy ai làm gì nên tội cả(!). “Họ có tình báo, chúng tôi cũng có tình báo, nên chỉ cần họ xuất phát là tụi tui quay đò trở về ngồi rung đùi uống càphê” - ông S kể rất tự hào.

    Theo Hoàng Văn Minh
Báo Lao Động