1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủy điện Sông Tranh 2 “chết” vì thiếu… tiền kiểm

(Dân trí) - Đi từ câu chuyện thực tế xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2 để nói về những sơ hở, lỗ hổng trong quản lý, đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng không giấu những bức bối, nghịch lý của ngành…

Ngày 26/9, tại UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng có phiên họp để trình, chỉnh lý dự thảo luật Xây dựng sửa đổi chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội cuối tháng tới.

Một nội dung quan trọng được đưa ra trong dự thảo luật là các quy định về “tiền kiểm”, thẩm định dự án đầu tư xây dựng. Đề xuất của cơ quan soạn thảo, cơ quan chuyên môn về xây dựng có thẩm quyền tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình…

Thủy điện Sông Tranh 2 “chết” vì thiếu… tiền kiểm
Phiên họp thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật Xây dựng sửa đổi chuẩn bị cho kỳ họp QH tới của UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường.

Nhận định về vấn đề này, UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho rằng quy định như vậy có thể đáp ứng yêu cầu tăng cường kiểm soát của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng quá tải, đình trệ hoạt động xây dựng ở những ngành có vốn đầu tư lớn.

Cơ quan thẩm tra gợi ý điều chỉnh quy định trong dự thảo luật theo hướng giao trách nhiệm cho người quyết định đầu tư bắt buộc phải giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với thiết kế cơ sở. Đồng thời, luật cũng nên quy định cụ thể thẩm quyền đối với các cơ quan quản lý cùng với chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nếu các chủ thể này không đáp úng đúng, đủ các yêu cầu về điều kiện năng lực.

Bình luận về vấn đề này, đại biểu Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) – Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư và xây dựng HUD 4 - nhận xét, các quy định trong dự luật đã đáp ứng yêu cầu thực tế, khắc phục những hạn chế trong quy định hiện hành, phân tách được trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu…

Đồng ý với đề xuất quản lý chặt chẽ các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình theo hướng “tiền kiểm” như thẩm định thiết kế, thẩm định năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… ông Hiệp quả quyết “phải kiểm định trước vì nếu để hậu quả xảy ra rồi thì mọi cố gắng cũng chỉ là để cố khắc phục phần nào lãng phí”.

Những “bộ lọc” này có thể giúp loại bỏ những DN xây dựng hoạt động kiểu “châu chấu đá voi”, không có năng lực thực sự mà vẫn nhận, thầu công trình. “Thực tế hiện nay, ai cũng có thể lập DN xây dựng, ông chủ tịch xã, hiệu trưởng, nhà thơ… đều làm chủ đầu tư được. Cái cần bây giờ là làm sao gắn trách nhiệm thật rõ trong vấn đề này để DN xây dựng không đủ năng lực thì không được làm và không dám làm, để mỗi công trình thi công, cơ quan quản lý không phải rải người, thấp thỏm lo sự cố” – đại biểu khái quát.

Tuy vậy, ông Hiệp “lăn tăn” số đầu việc quá lớn giao cho cơ quan quản lý nhà nước. Ông Hiệp cho rằng, làm vậy nghĩa là chuyển hết trách nhiệm về nhà nước thì Bộ, các Sở, phòng Xây dựng có đủ người để đáp ứng công việc hay lại vì áp lực, cơ quan chuyên môn mà chỉ làm một cách hình thức để “chạy” kịp yêu cầu.

Đại biểu Trần Thanh Tùng (ủy viên UB Pháp luật) lật lại câu chuyện, quy định về thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật, thẩm định năng lực nhà thầu trước khi cấp phép thực ra đã được giao cho người quyết định đầu tư trong luật Xây dựng năm 2003. Nhưng đến năm 2009, luật đã phải sửa theo hướng mở quyền cho chủ đầu tư tự quyết những vấn đế này để tháo gỡ những vướng mắc, trì trệ trong quá trình hoàn thiện thủ tục cấp phép do chậm trễ vì… tiền kiểm.
 
Thủy điện Sông Tranh 2 “chết” vì thiếu… tiền kiểm
Bộ trưởng Xây dựng: "Luật mới sẽ thắt lại những lỗ hổng trong quản lý chất lượng công trình xây dựng".

Lần sửa luật này, ông Tùng nhận xét là hướng trở lại những quy định của luật năm 2003, cơ quan soạn thảo cần giải thích được việc “nới” quy định trong lần sửa luật năm 2009 không đúng. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng phải thuyết phục được đại biểu là giao lại quyền thẩm định cho cơ quan chuyên môn sẽ không làm quá tải, ách tắc hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Ông Tùng đề xuất phân các công trình xây dựng theo quy mô, tính chất, công trình lớn, quan trọng mới cần “tiền kiểm” chặt chẽ, công trình cấp độ nhỏ vẫn để chủ đầu tư tự quyết vì có như vậy mới ràng buộc được trách nhiệm của chủ đầu tư, tránh việc đẩy hết trách nhiệm sáng cơ quan chuyên môn.

Ngoài ra, đại diện của UB Pháp luật cũng gợi ý tổ chức việc thẩm định theo mô hình “một cửa” để dù nội dung thẩm định về thiết kế kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, điện nước… đều do một cơ quan đầu mối tiếp nhận, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác nhau để xem xét và trả lại đủ hồ sơ cho chủ đầu tư ở cửa tiếp nhận.

Kiến giải thêm về nội dung này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đi từ câu chuyện làm thủy điện Sông Tranh 2. Các khâu từ thiết kế, tư vấn, giám sát, thi công đều do chủ đầu tư tự “bài trí”. Sau đó khi công trình có sự cố gây lo lắng trong dư luận, Bộ Xây dựng vào cuộc mới buộc yêu làm lại khâu thuê tư vấn quốc tế thẩm định về thiết kế, chất lượng, độ an toàn của công trình. Quy trình này trước đó bị bỏ qua vì luật không quy định như một yêu cầu bắt buộc. Luật sửa lần này, ông Dũng cho biết sẽ thắt chặt các quy định.

Tương tự, việc điều chỉnh, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng, Bộ trưởng Dũng nhận xét, điều kiện ràng buộc hiện tại quá lỏng nên nhiều chủ thầu chỉ 2-3 người cũng lập được doanh nghiệp, nhận công trình nhiều mà không có lực lượng, chạy vạy thuê mướn lao động thời vụ bên ngoài dẫn đến không đảm bảo tiến độ, chất lượng…

Nghịch lý khác, hợp đồng xây dựng là vấn đề rất quan trọng đối với nhiều nước khi xem xét cấp phép, cho triển khai thi công nhưng ở Việt Nam lại làm rất hình thức, đối phó. Vậy nên chất lượng quy hoạch, chất lượng thiết kế đô thị, chất lượng công trình… đều có vấn đề. Công trình có thể chưa đủ điều kiện thẩm định thiết kế, chưa bố trí đủ vốn… đã được xây dựng…
 

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh, nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, các cụ hưu trí kêu trời về quy hoạch xây dựng khi ngay tại thủ đô, cũng mảnh đất, căn nhà người dân đang sinh sống mà có khi đến 3 lần bị thu hồi, cắn xén trong vòng vài năm, lần thì phục vụ việc làm đường sắt trên cao, lần thì vì làm đường điện ngầm, lần lại để làm tuyến buýt nhanh.

Thất thoát, lãng phí trong quy hoạch cũng rất lớn, đến mức người dân phải khái quát một cách hài hước là “có xây thì ắt có cất”, “cất” ở đây là cất bản vẽ, thiết kế, quy hoạch đã hoàn thành vào tủ.

Đi vào cụ thể, bà An cho biết, bức xúc nhiều nhất nằm ở việc quy hoạch hạ tầng, công trình xã hội, dân sinh. Dẫn chứng từ chuyến đi giám sát tại khu đô thị Linh Đàm, đại biểu nhận thấy, trường học, nhà trẻ… qua nhiều năm vẫn chưa được xây dựng trong khi các tòa nhà đã đi vào sử dụng từ lâu vì đất bố trí cho những công trình công cộng đó đều được giao vào những điểm khó giải phóng mặt bằng nhất.

Chất lượng công trình theo bà An, không thể phủ nhận thực tế yếu kém. Đại biểu cho biết đã từng hỏi 2 Bộ trưởng tại Quốc hội về vấn đề này thì đều nhận câu khẳng định là cơ quan chức năng làm đầy đủ quy trình, thủ tục. Điều đó chứng tỏ quy trình, thủ tục, quy định lâu nay có vấn đề, có lỗ hổng lớn.

P.Thảo