1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập lụt

(Dân trí) - Nước từ các con suối đổ về làm cho mực nước thủy điện Bản Vẽ dâng cao đến mức báo động. Để đảm bảo an toàn cho đập, thủy điện Bản Vẽ đã phải xả lũ tương ứng với lượng nước đổ về nên đã gây ngập lụt cục bộ ở huyện Tương Dương.

Chiều tối ngày 18/9, ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho Dân trí biết, vào lúc 2 giờ sáng ngày 18/9, nước đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ hơn 2400m3/s. Để bảo đảm an toàn cho đập, thủy điện Bản Vẽ đã phải xả lũ tương ứng với lượng nước đổ về nên đã xảy ra ngập lụt cục bộ. Vào sáng ngày 18/9, khi 6 cửa xả tràn của thủy điện Bản Vẽ tiến hành xả lũ làm cho mực nước ở khu vực phía dưới công trình dâng cao 3-4m, cầu vào thủy điện Bản Vẽ ngập sâu hơn 1m, những vùng xung quanh ngập lụt cục bộ...

Tuy nhiên đến chiều cùng ngày, nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ với lưu lượng 1800m3/s, cho nên thủy điện phải xả tương ứng để đảm bảo an toàn cho đập. Kéo theo ngay hạ lưu của đập nước dâng cao khoảng 3-4m, ngập cầu Bản Vẽ gần 1m, các đường giao thông đi đến bến thượng lưu của thủy điện Bản Vẽ bị chia cắt. Tuyến đường vào xã Yên Tĩnh, Yên Hòa... cũng bị chia cắt bởi nước dâng cao quá, chỉ còn cách đi bộ.

Ông Nguyễn Hồ Cảnh cho biết, hiện có hơn 100 học sinh bản khe Ò và khe Choóng phải đi vòng qua mặt đập, đi bộ đến trường 3km trong những ngày mưa lũ, trong khi đó hằng ngày các em chỉ đi 1km. Huyện cũng đã xem xét đưa ô tô vào chở các cháu đến trường. Tuy nhiên, đường vào 3 bản này đã hư hỏng, ngập nước nên không thể đi được”.

Ông Cảnh cũng cho biết thêm: “Hiện tại Tương Dương không mưa. Tuy nhiên, dự báo trong vài ngày tới sẽ có mưa lớn. Nếu như mưa lớn khoảng 200mm thì trong những ngày tới huyện Tương Dương chưa biết điều gì sẽ xảy ra...”, ông Cảnh lo lắng.

Khe Choóng và khe Ò, xã Yên Na, huyện Tương Dương là khu tái định cư theo hình thức di vén của Thủy điện Bản Vẽ với hơn 120 hộ dân được hình thành từ năm 2005 đến nay. Đã gần 6 năm, các hộ dân ở đây luôn canh cánh nỗi lo "núi đè, sông nuốt" mỗi khi mùa mưa lũ về, nhất là sau cơn mưa kéo dài mấy ngày qua...

Trận mưa dai dẳng, kéo dài trong những ngày qua đã đẩy các hộ dân khe Choóng, khe Ò lâm vào tình cảnh đứng ngồi không yên khi ngọn khe Choóng nằm trấn phía sau bản làng lại một lần nữa "nổi giận" trút cơ man nào là đất đá xuống hàng chục hộ dân, làm sập nhà cửa, hư hỏng vật dụng sinh hoạt trong gia đình.

Những ngày qua núi rừng Tương Dương chìm trong mưa lũ, chúng tôi tìm đến Choóng người dân nơi đây vẫn trong tâm trạng hoang mang, lo lắng khi nhà cửa của nhiều hộ dân bị nước, đất đá từ trên đồi “nã” xuống gây nứt nhà, sập tường... một số hộ khác thì đã khóa cửa đi lánh nạn. Đi khắp cái bản nhỏ này, đâu đâu cũng nghe mọi người than thở về một tai họa không biết sẽ ập tới lúc nào.

Nếu như hàng chục hộ dân có nhà tựa lưng vào núi khe Choóng có chung tâm trạng sợ "núi đè". Thì hàng chục hộ dân khác nằm ven dòng Nậm Nơn lại mang trong mình nỗi lo "sông nuốt". Một người dân lo lắng: "Khoảng 30 hộ ở đây bị "sông nuốt" khi nào không hay đó chú. Dòng Nậm Nơn nước xả lũ dâng lên cao quá, gây xói lở, trong khi đất đá trên núi thì cứ rơi xuống làm những nhà này nghiêng hẳn ra sông".

Trận mưa lũ kéo dài từ ngày 9-16/9/2011 đã đặt tình cảnh của người dân khu tái định cư khe Choóng và khe Ò vào tình thế vô cùng nguy hiểm. Đã có 8 hộ phải di dời đi lánh nạn do nhà cửa bị hư hỏng, 24 hộ khác đang đặt trong tình trạng nguy hiểm cao. Thì hiện nay, nước xả lũ của thủy điện Bản Vẽ tiếp tục đổ xuống khả năng gây sạt lở là rất cao, kéo theo 120 hộ dân ở đây đặt trong tình trạng báo động trôi sông khi nào không hay?.

Ông Lô Hoài Thơm - Chủ tịch UBND xã Yên Na, cho biết: "Hiện nay, xã đã vận động được những hộ thuộc diện nguy hiểm chuyển sang ở các nhà khác an toàn. Mấy ngày nay (từ ngày 17-19/9) các hộ dân ở bản Khe Choóng và khe Ò đã bị dòng sông Nậm Nơn xói lở, ăn sâu lắm, chúng tôi rất lo lắng. Hiện tại bản Khe Choóng đã bị chia cắt rồi, chúng tôi không thể sang bên kia sông được, bởi cầu Bản Vẽ đã ngập hơn 1m, đường vòng qua núi cũng đang bị sạt lở nguy lắm”.

Trời về chiều, mây đen ùn ùn kéo về như muốn nhấn chìm đi vùng các xã ở khu vực Bản Vẽ, chúng tôi lên xe trở ra thị trấn, một cụ ông khuôn mặt đầy lo lắng: "Cầu trời tối nay đừng mưa, nếu không núi sẽ lại lở, sông sẽ ngoạm mất nhà thôi".

Nghệ An tiếp tục mưa lớn

Theo tin từ Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ: Do chịu ảnh hưởng của Không khí lạnh nén Rãnh áp thấp có trục qua Bắc Trung Bộ nên từ trưa nay, ngày 18/9/2011 đến 2 và 3 ngày tới. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An và khu vực thượng Lào sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to, vì vậy lũ trên hệ thống sông Cả sẽ lên trở lại và khả năng một số nơi sẽ xuất hiện lũ đặc biệt lớn, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông, ngập lụt sâu trên diện rộng.

Để chủ động đối phó với diễn biến xấu của thời tiết. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCLB & TKCN các huyện, thành, thị xã, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, các sở ban ngành cấp Tỉnh.

Thông tin, cảnh báo, kiểm tra rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven sông, suối, các khu vực đang có diễn biến sạt lở và có nguy cơ sạt lở phòng tránh lũ ống, lũ quét, các khu dân cư ở hạ lưu hồ chứa nước. Có kế hoạch chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; hướng dẫn nhân dân trong vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với tình huống có mưa, lũ lớn, bị chia cắt dài ngày;

Huy động mọi lực lượng, các biện pháp giúp đỡ các gia đình chính sách, neo đơn tập trung thu hoạch nhanh các trà lúa hè thu và các sản phẩm hoa màu đã chín theo phương châm “xanh nhà gơn già đồng”, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra;

Tiếp tục kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu nước đệm, sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt; kiểm tra, bảo vệ an toàn các hồ đập, đê điều.

Kiểm tra các vị trí đường giao thông bị ngập, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm, tràn giao thông bị ngập sâu, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB & TKCN Tỉnh.

 
Một số hình ảnh mới nhất về xả lũ tại thủy điện Bản Vẽ gây ngập lụt cục bộ:
 
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập lụt - 1
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập lụt - 2
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập lụt - 3
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ....
 
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập lụt - 4
... làm cho nước sông Nậm Nơn dâng cao hơn 3m... gây ngập lụt cục bộ.
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập lụt - 5
Cầu Bản Vẽ nước dâng cao hơn 1m, gây ngập... chia cắt bản Khe Choóng, đường lên thượng lưu thủy điện này.
 
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập lụt - 6
Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch huyện Tương Dương kiểm tra tại cầu Bản Vẽ chiều ngày 18/9.
 
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập lụt - 7
Đường vào thủy điện Bản Vẽ bị sạt lở.
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập lụt - 8
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập lụt - 9
Nhà dân ở bản Khe Choóng đất đá gây sạt lở đổ xuống.
 
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập lụt - 10
Nhiều hộ dân ở bản Khe Choóng bị núi lở làm cho nhiều nhà dân bị nứt tường, đe dọa đến tính mạng... Hiện hơn 30 hộ dân ở Khe Choóng đang bị cô lập bởi nước xả lũ thủy điện Bản Vẽ...
 
 
Nguyễn Duy - Hồ Nguyễn