1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Thực phẩm sau Tết đang dần hạ nhiệt

(Dân trí) - Thời điểm sau Tết bao giờ cũng khiến các bà nội trợ đau đầu, đắn đo nên mua cái gì, mua như thế nào cho phù hợp với túi tiền. Nhìn chung, giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm đang có dấu hiệu giảm dần nhưng mức giảm lại không đồng đều ở mỗi chợ.

Thực phẩm giảm từng ngày

 

Theo nghiên cứu của các chuyên gia giá cả thị trường thì thời điểm một tuần sau Tết là lúc giá cả thực phẩm tăng cao. Thịt bò, hải sản và rau xanh được xem là mặt hàng đắt khách nhất. Tuy nhiên, dạo qua các chợ sáng nay (7/2), giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm đang hạ nhiệt dần do sức mua của người dân đã giảm.

 

Chị Hồng Gấm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Có thể nói giá các mặt hàng thực phẩm đang hạ dần. Ví dụ như thịt lợn, hai ngày trước giá thịt thăn lên đến gần 7.000đ/lạng thì hôm nay giảm xuống chỉ còn 5.500đ/lạng. Chỉ có giá thịt bò là tăng hơn chút ít so với ngày mồng 4, mồng 5 Tết, còn các mặt hàng khác, giá có thể chấp nhận được”.

 

Các mặt hàng hải sản, thịt lợn, rau xanh cũng đã giảm xuống trung bình từ 2.000đ - 4.000đ/1 kg. Cụ thể, giá ngao giảm 3.000đ/1kg so với ngày hôm qua (6/2), cá quả giảm gần 5.000đ/1kg, tôm đồng 3 ngày trước giá 6.500đ/1 lạng thì nay chỉ còn giữ ở mức giá 5.000đ/ lạng - mức giá gần sát so với ngày bình thường. Rau cải thảo cũng giảm giá khoảng gần 1.500đ - 2.000đ/1kg, cải cúc giảm 500đ/ 1 bó...

 

Theo ông Ngô Trí Long, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường về giá cả cho biết: Sức mua của thị trường Tết năm nay so với năm ngoái tăng từ 25 - 30%. Những ngày sau Tết, người bán ít hơn ngày thường trong khi nhu cầu mua sắm của người dân đông, những loại thực phẩm ít được tiêu dùng trong Tết như tôm, cua, cá nên khiến cho các mặt hàng này có sức mua tăng.

 

Chợ “quê” giá rẻ, chợ “phố” giá cao

 

Dạo qua một loạt chợ trung tâm, chợ “phố” xịn như chợ Hàng Bè, chợ Hôm, chợ Nam Thành Công…, người mua kẻ bán tơi tới. Ít người mặc cả vì theo người bán “giá hôm nay đã rẻ nhiều so với mấy ngày trước”. Nhưng không biết việc giá cả hàng thực phẩm tăng giá sau Tết ngoài vấn đề “quy luật” có còn do yếu tố nào khác? Vì tại những chợ “quê” ở ngoại thành Hà Nội, giá thực phẩm thấp hơn hẳn.

 

Mặt hàng được cho là tăng giá nhiều nhất tại các chợ “phố” chính là rau xanh. Đến sáng nay, sau khi đã “hạ nhiệt”, rau cần vẫn giữ giá chung 3.000đ/bó (nếu mua theo cân lạng còn đắt hơn). Trong khi đó bó rau cần tương tự, dài, trắng nõn tại khu chợ gần trường cấp III Yên Viên (thị trấn Yên Viên - Gia Lâm - Hà Nội) chỉ 1.000 - 1.500đ.

 

Các loại rau cải thường để làm lẩu tại chợ “Hà Nội” giá đều đáng phải đắn đo, tính toán: cải cúc: 2000đ/3 mớ, cải thảo: 5000đ/kg, cải ngồng: 5.5000đ/kg thì ở chợ “quê” Yên Viên đều chỉ bằng một nửa. Bó rau bí ngô chợ Hàng Bè bán 4.000 - 5.000đ/kg thì chợ Yên Viên chỉ nói 2.500đ, chưa mặc cả.

 

Chị Lượng, một người nội trợ ở đây cho biết: “Chợ này cũng có đầy đủ mọi thứ. Rau xanh ra tết thấy nói tăng giá vùn vụt nhưng ở đây thậm chí rẻ và ngon hơn trước tết vì trời sang xuân, có mưa, rau rất tươi ngon. Tôi thấy thịt cá ở đây cũng rẻ hơn bên Hà Nội”.

 

Quả thật, giá thịt bò tại chợ Yên Viên, chợ Dốc Lã vẫn giữ mức 75.000 - 80.000đ/kg, trong khi các chợ “phố” bò thăn lên tới 100.000đ/kg, bò mông 90.000đ/kg. Thịt lợn, sườn các loại cũng rẻ hơn trung bình 5 giá. Chỉ có các mặt hàng “cao cấp” như sò huyết, tôm sú bơi với giá vài chục nghìn tới hơn trăm nghìn một kilôgam là vắng bóng tại các chợ “quê”.

 

Chuyện tăng - giảm của các loại hàng hoá, thực phẩm không còn hiếm trong một thị trường rộng mở như ngày nay. Chợ cũng đánh giá phần nào tiềm năng kinh tế và sức mua của người dân. Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời điểm hiện nay, với sự giảm giá dần của các mặt hàng cũng nên xem là một dấu hiệu đáng mừng.

 

Nguyễn Hiền - Phương Thảo