1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Giang:

Thua kiện, UBND tỉnh vẫn “chống” thi hành án

(Dân trí) - Bị xử thua trong phiên toà “dân kiện quan”, UBND tỉnh Hà Giang buộc phải huỷ quyết định “tước” dự án đã giao cho doanh nghiệp (Công ty TNHH Sông Lô). Bản án có hiệu lực khi bị đơn nhận sai, xin rút kháng cáo nhưng lại đòi “nại” lên… Thủ tướng.

“Châu chấu thắng xe”

Vụ kiện giữa Công ty TNHH Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang diễn ra gần 1 năm trước (ngày 14/9/2007). Theo bản án đã tuyên của TAND tỉnh, năm 2002, UBND tỉnh Hà Giang ra Quyết định 2309/QĐ-UB phê duyệt dự án khả thi khai thác và tuyển luyện quặng sắt của Công ty Sông Lô.

Đồng thời UBND tỉnh cũng quyết định đầu tư xây dựng đường vào mỏ Tùng Bá và giao cho Công ty này ứng vốn để đầu tư xây dựng đường.

Sau khi phê duyệt dự án, UBND tỉnh còn cho phép Công ty Sông Lô liên doanh với đối tác Trung Quốc để xây dựng nhà máy tuyển luyện quặng tại Tùng Bá. Nhà máy tuyển luyện quặng với số vốn hàng chục tỷ đã được xây dựng và chuẩn bị vận hành.

Mọi việc suôn sẻ cho đến cuối tháng 4/2006, chính quyền địa phương ban hành quyết định 1058/QĐ-UB huỷ bỏ quyết định 2309 nêu trên, “tước” mỏ khỏi tay Sông Lô.

Công ty đã đệ đơn ra toà cho rằng đây là văn bản trái pháp luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Sau nhiều lần hoà giải, UBND tỉnh đồng ý huỷ bỏ quyết định 1058, Sông Lô cũng rút đơn khởi kiện.

Tuy nhiên, gần 1 năm sau, tỉnh lại chìa ra quyết định 585/QĐ-UB, lặp lại thao tác huỷ quyết định phê duyệt dự án khả thi khai thác và tuyển luyện quặng đã giao cho doanh nghiệp.

Công ty Sông Lô lần thứ 2 đâm đơn ra toà án tỉnh, đề nghị huỷ quyết định 585 để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

TAND tỉnh Hà Giang đã xác định, căn cứ pháp lý để UBND ban hành quyết định “xử khó” doanh nghiệp là không đầy đủ, không chính xác. Nội dung quyết định 585 này cũng không phù hợp với quy định của pháp luật. Đại diện VKS cũng có quan điểm, quyết định của UB tỉnh đã vượt quá thẩm quyền, trái pháp luật.

Phiên toà “châu chấu đá… voi” kết lại bằng việc toà tuyên huỷ toàn bộ quyết định 585, khôi phục các quyền lợi liên quan cho Sông Lô. UBND tỉnh đã kháng cáo nhưng ngay sau đó đã xin rút đơn. TAND tối cao đã đình chỉ xét xử phúc thẩm. Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hà Giang có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, gần 1 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực, không có bất cứ một động thái nào cho thấy UBND tỉnh Hà Giang sẽ thi hành phán quyết của toà án. Doanh nghiệp “bó tay” nhìn số vốn nhiều chục tỷ đồng đầu tư vào dự án nằm chết bên khu mỏ chờ khai thác, nợ ngân hàng chất thêm từng ngày.

UBND tỉnh đòi “kiện” lên… Thủ tướng

Trong cuộc “họp báo” quy mô do UBND tỉnh Hà Giang vừa tổ chức, lãnh đạo địa phương nêu thẳng quan điểm không thực hiện bản án toà đã quyết.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô khẳng định trên truyền hình trực tiếp: Việc TAND tỉnh Hà Giang ra bản án số 01/2007/HCST tuyên huỷ Quyết định hành chính số 585/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc huỷ bỏ việc thực hiện dự án khai thác, tuyển luyện quặng sắt tại mỏ Tùng Bá mà UBUB đã giao cho Công ty Sông Lô là không thoả đáng.

Thua kiện, UBND tỉnh vẫn “chống” thi hành án - 1

UBND tỉnh Hà Giang họp báo "giải trình" việc... "chống" án.

Lý do “chống án” được ông Tô lý giải là Quyết định 2309 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt dự án khai thác và tuyển luyện quặng sắt của Công ty TNHH Sông Lô, đã được toà khôi phục hiệu lực, là không khả thi.

Còn việc rút kháng cáo, theo ông Tô là vì “không muốn đối đầu pháp lý với cơ quan cùng cấp” - Toà án cấp tỉnh. Nếu phải thực hiện bản án, UBND tỉnh Hà Giang cũng sẽ ra một quyết định hành chính khác để huỷ bỏ quyết định này.

Người đứng đầu UBND tỉnh cũng tuyên bố tỉnh sẽ có văn bản báo cáo lên… Thủ tướng Chính phủ để “khắc phục thiếu sót của bản án”.

Quy trình khiếu nại “tréo ngoe” của ông Chủ tịch UBND tỉnh khiến nhiều người bất ngờ, băn khoăn về "kiến thức pháp luật" của người đứng đầu khối nội chính địa phương. Chủ tịch Tô cũng cho biết thêm, thời hạn khiếu nại một năm vẫn còn nên ông vẫn chưa vội… thi hành án.

Như vậy, sau gần 3 năm khiếu nại, đeo đuổi vụ kiện, “châu chấu” Sông Lô đã “đá”… thắng “voi”, nhưng chỉ về mặt pháp lý. Với lý giải về những cái “vướng” của UBND tỉnh thì dù cơ quan hành chính Hà Giang có thực hiện bản án hay không thực hiện thì Công ty cũng không bao giờ có thể tiếp tục triển khai dự án mà doanh nghiệp này đã rót trọn công, của.

Và, như kết luận của UBND tỉnh Hà Giang, nếu có phải bắt buộc thực hiện bản án thì cơ quan này cũng sẽ có cách để “hoá giải” bằng một quyết định hành chính mới. Bản án hành chính của toà án tỉnh, dù được ghi nhận là tiến bộ, đột phá, cũng chỉ có giá trị trên giấy.

P.Thảo