1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tục với chính quyền là bức xúc lớn trong mỗi gia đình

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, môi trường đầu tư của Việt Nam rõ ràng chưa thông thoáng, người dân vẫn kêu nhiều về thủ tục. Cũng theo Phó Thủ tướng, ngay tại mỗi gia đình, bức xúc lớn nhất được phản ánh cũng là thủ tục với chính quyền.

Ngày 4/12, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết, nhân rộng và triển khai khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Theo báo cáo của các địa phương, trong số 699 đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước, hiện đã có 686 đơn vị triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định 93 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, đạt 98,14%. Cơ bản, mô hình này đã góp phần rút bớt thời gian đi lại và chờ đợi của người dân trong giải quyết hồ sơ hành chính liên quan.
Hội nghị giao ban trực tuyến tiến hành tại 63 đầu cầu là các tỉnh thành trong cả nước.
Hội nghị giao ban trực tuyến tiến hành tại 63 đầu cầu là các tỉnh thành trong cả nước.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Bộ Nội vụ mới đây, số thủ tục hành chính giải quyết tại bộ phận một cửa mới chỉ chiếm trên 50% tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp huyện. Bởi vậy, nếu được Chính phủ phê duyệt, kinh phí cần thiết để xây dựng một bộ phận một cửa liên thông theo hướng hiện đại cấp huyện khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng và sẽ triển khai trong năm 2013 để nâng cấp phần mềm công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và đào tạo đội ngũ cán bộ năng lực và chuyên nghiệp mới đáp ứng được mục tiêu đặt ra.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, các địa phương, các ngành liên quan đều khẳng định cơ chế một cửa liên thông là một cơ chế mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên việc hướng dẫn thực hiện, bố trí cán bộ... là đang rất khó khăn, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực đất đai  nên chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng nguyên nhân việc cải cách hành chính chưa đạt là do có một bộ phận cán bộ Đảng viên sa sút về đạo đức lối sống. Dẫn lại câu hỏi nhiều cử tri đã đặt ra với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là là bộ phận này nằm ở đâu mà các địa phương cũng không phát hiện, phân tách được, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nhóm cán bộ thoái hóa, biến chất này cơ bản nằm ở bộ phận tiếp xúc với người dân và DN. Chính vì thế nên việc cải cách hành chính chưa đạt mục tiêu đề ra.

“Cũng có chuyện nhận thức của cán bộ chưa tốt. Nếu như bí thư, chủ tịch, giám đốc sở chuyển mạnh nhận thức thì vấn đề này sẽ chuyển mạnh. Vì vậy chọn đội ngũ là phải tinh nhuệ chứ không phải nhằm sắp xếp lại cán bộ. Cán bộ làm nhiệm vụ này phải có chế độ ưu đãi riêng, được tập huấn trong và ngoài nước, làm việc trong 1 thời gian nhất định  có thể được bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo” – đại diện tỉnh Quảng Ninh phân tích.

Giải pháp cải thiện, lãnh đạo tỉnh cho rằng Quảng Ninh đang xây dựng mô hình cơ quan hành chính điện tử, thành lập một trung tâm dịch vụ hành chính công nhằm giải quyết tất cả các giao dịch dân sự. Trung tâm sẽ thực hiện đón tiếp lịch sự, tiện nghi... để đúng là bộ máy công quyền là phục vụ nhân dân. 2013 tỉnh dự kiến xây dựng 6 trung tâm với mô hình này.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Quang Tuấn quả quyết, xây dựng cơ chế một cửa được tỉnh xác định là hướng cải cách thủ tục hành chính hiệu quả nhất. Việc này cũng là bước công khai hoạt động của chính quyền, chống hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực, phiền hà… cũng giúp hạn chế khiếu nại tố cáo nhất là đất đai hiện nay.

2009, Nam Định đã thực hiện cơ chế một cửa ở tất cả các huyện, thành phố. Riêng thành phố Nam Định đã triển khai 1 cửa liên thông hiện đại nhưng tính việc thực hiện trên phạm vi cả tỉnh, ông Tuấn thú nhận là không làm được vì ngân sách, nguồn tài chính hạn hẹp.

“Nhất là tỉnh chúng tôi vừa vướng cơn bão số 8 đi qua, để lại nhiều thiệt hại, hậu quả. Ngân sách tỉnh còn phải trông nhiều vào hỗ trợ của TƯ” – ông Tuấn phân trần.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị (ảnh: HL).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị (ảnh: HL).

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Thị Minh cũng nhận xét, việc thực hiện chế độ 1 cửa thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt. TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh… là những điển hình đáng ghi nhận. Tuy nhiên bà Minh cho rằng, cần nhất lúc này là sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương, cần quyết tâm từ những người đứng đầu chính quyền.

Về vấn đề cơ chế tài chính liên quan cho hoạt động này trong thời gian tới, đại diện Bộ Tài chính phân trần, năm 2013, tình hình sẽ rất khó khăn trong khi dự toán chi ngân sách đã được xây dựng xong. Khả năng tăng thu cũng khó có… cửa. Vì vậy, Bộ chỉ có thể tập trung cho một số huyện miền núi, vùng sâu, xa. Con số 400 huyện xin đầu tư với suất đầu tư 2 tỷ đồng/đơn vị, sang năm 2014, 2015 mới có thể xem xét bố trí.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, môi trường đầu tư của Việt Nam rõ ràng chưa thông thoáng, thủ tục của Việt Nam người dân vẫn kêu nhiều. Đi lại quá nhiều cửa hoặc một cửa nhưng nhiều khóa cũng là những biểu hiện “hành dân”. Ngay tại mỗi gia đình, thì bức xúc lớn nhất được phản ánh cũng là thủ tục với chính quyền.

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường phục vụ của cơ quan hành chính với các dịch vụ cho người dân thông qua cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông hiện đại. Người cán bộ 1 cửa không phải văn thư bình thường mà phải là người rất am hiểu pháp luật để hướng dẫn cho người dân.

Việc triển khai 1 cửa, 1 cửa liên thông hiện đại 2013-2015 cần đề án tổng thể để các địa phương dùng làm cơ chế thực hiện. Ông Phúc cho biết, đến thời điểm này, đề án này cơ bản đã xong, chỉ chờ lấy ý kiến một số bộ nữa.

Ông Phúc chỉ đạo Bộ TT-TT cũng cần sớm đưa ra phần mềm dùng chung cho các địa phương triển khai. Bộ Tài chính trên cơ sở đề xuất của các địa phương, cần lập danh mục phê duyệt hỗ trợ, phân bổ kinh phí với các đơn vị cấp huyện nhưng không làm kiểu phân bổ đều 400 đơn vị, mỗi đơn vị 2 tỷ đồng.

P.Thảo