1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thu ngân sách còn dựa nhiều vào khai thác tài nguyên

(Dân trí) - Thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô và xuất nhập khẩu chiếm tới 46% tổng thu ngân sách Nhà nước, con số này khiến nhiều đại biểu lo lắng. “Cần sớm có lộ trình giảm dần tỷ lệ thu từ khai thác tài nguyên”, nhiều đại biểu đề nghị như vậy nhằm nâng cao tính bền vững trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước.

Nguồn thu của ngân sách chưa bền vững

 

Ngày thứ ba bàn về các vấn đề kinh tế - xã hội, các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề thu - chi ngân sách. Đại biểu Hồ Xuân Phương (Nghệ An) cho rằng, tốc độ tăng chi thường xuyên hiện cao hơn tốc độ chi cho đầu tư phát triển. Nghĩa là bội chi ngân sách (5% GDP) mà Quốc hội phê chuẩn không được dùng để chi nhiều cho phát triển mà dùng nhiều hơn để chi cho bộ máy của hệ thống chính trị.

 

Cũng theo đại biểu Phương, tính cân đối của ngân sách chưa bền vững thể hiện qua việc thu ngân sách Nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào thu từ xuất khẩu dầu thô (xấp xỉ 70 nghìn tỷ đồng/năm); từ xuất nhập khẩu (xấp xỉ 40 nghìn tỷ đồng/năm), cả hai khoản này chiếm tới 46% tổng thu ngân sách Nhà nước.

 

Đại biểu Phương cũng tỏ ý lo lắng về mức vay nợ 37,3%, mức gần sát với giới hạn được phép (40%), trong khi đó, việc sử dụng vốn vay lại chưa hiệu quả. Cụ thể là qua kiểm tra 36 địa phương sử dụng công trái giáo dục sai mục đích trên 1.000 tỷ đồng. Điển hình là vốn ODA không hiệu quả của các dự án PMU18.

 

Ông Phương cảnh báo: “Nếu quản lý sử dụng vốn vay không hiệu quả thì có nguy cơ vượt ngưỡng 40% GDP, tức là vượt mức giới hạn cho phép là không xa”.

 

Ông Phương cũng chỉ ra một thực tế là bội chi ngân sách vẫn chưa tính hết các khoản vay của ngân sách địa phương trong khi các địa phương đều có vay khá lớn.

 

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) cho rằng, vượt thu ngân sách Nhà nước trong năm chủ yếu là nhờ giá dầu thô tăng. Ông đề nghị Chính phủ cần sớm có lộ trình giảm dần tỷ lệ thu từ khai thác tài nguyên nhằm nâng cao tính bền vững trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước đồng thời, tiết kiệm nguồn thu tài nguyên quốc gia.

 

Đại biểu Phạm Chuyên (Hà Nội) lại liên hệ giữa lãng phí, tham nhũng với việc bố trí ngân sách. Theo ông, nếu đặt lãng phí, tham nhũng trong vấn đề ngân sách thì có lẽ phải điều chỉnh mức bội chi và nếu quyết tâm giải quyết lãng phí, tham nhũng  thì mức bội chi ngân sách có thể không đến mức độ như thế. 

 

Dư nợ quốc gia vẫn nằm trong giới hạn an toàn

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã thay mặt Chính phủ giải trình một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Ông Ninh cho rằng, do tương quan tốc độ tăng thu và chi nên có sự khác biệt giữa năm 2007 với 2006. Một trong những lý do đó là vì từ 2007 nguồn thu từ sổ xố sẽ không đưa vào cân đối ngân sách mà để vào nguồn thu bổ sung ở địa phương, đây là ưu đãi đối với các địa phương. Ông Ninh cũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu hạn chế việc tăng thu từ sổ xố. Số tiền thu được từ nguồn này năm 2006 là 6.000 tỉ và năm 2007 dự báo khoảng 6.200 tỉ.

 

Về tốc độ tăng chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư phát triển, ông Ninh thông báo, tăng chi thường xuyên năm 2007 sẽ là 13,8% trong khi tăng chi đầu tư phát triển là 17,1%. Theo ông Ninh, như vậy đảm bảo nguyên tắc tăng chi cho đầu tư phát triển cao hơn tăng chi thường xuyên.

 

Trả lời ý kiến có thể giảm mức bội chi bằng 5% GDP hay không?, ông Ninh cho rằng, do nền kinh tế đang phát triển, cần vốn cho đầu tư phát triển nên việc bội chi là không tránh khỏi.

 

Ông Ninh vui vẻ thông báo, hiện Việt Nam không có nợ xấu, tất cả các khoản nợ đến hạn đều được thanh toán kịp thời. “Với dự kiến vay nợ, trả nợ và huy động trái phiếu chính phủ trong năm 2007 thì đến hết tháng 12/2007, dư nợ chính phủ bằng 37,3% GDP, dư nợ Quốc gia là 31,2% GDP nằm trong giới hạn an toàn tài chính cho phép”, ông Ninh kết luận. 

 

Phó chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách của QH Tào Hữu Phùng: Thu phải tăng nhanh hơn chi mới lành mạnh

 

Vô lý là năm nào Quốc hội cũng duyệt dự toán mà cứ vượt 20.000 tỉ, liên tục mấy năm rồi, năm nay vượt thu 20.700 tỉ.

 

Thu phải tăng nhanh hơn chi mới lành mạnh, nên thu phải tích cực hơn. Tích cực nhưng không phiêu lưu, phải sát, chỉ rõ nguồn thu từ chỗ nào.

 

Hiện chúng ta thất thu 9.000 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu hơn 5.000 tỷ, nội địa 4.000 tỷ. Chỉ cần thu hồi nợ đọng 2.000 tỷ nữa bổ sung cho nguồn thu 2007 đã đủ sức bổ sung cho quốc phòng, an ninh. Các tỉnh nghèo mới chia tách chỉ cần thêm vài trăm tỷ là giải quyết được bao nhiêu việc.

 

Quốc hội quyết định dự toán mà không sát, phần lớn các bộ đều muốn tăng chi. Anh nào cũng đề nghị phân bổ thêm chứ chẳng ai tình nguyện tăng thu cả. Bội chi ngân sách thì lại muốn khống chế, không được vượt quá 5%, rất mâu thuẫn. Muốn chi thêm mà không có thu thì bội chi phải lớn, bội chi rồi đi vay lại khó an toàn. Theo tôi hiện bội chi 5% GDP là hợp lý.

 

Đức Hòa