1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thôn quê “hỗn loạn” vì mất điện

(Dân trí) - Không điện sản xuất, không gạo nấu cơm, không nước sinh hoạt… lại giữa lúc thời tiết nắng nóng oi bức; cảnh mất điện triền miên khiến người dân ở nhiều vùng quê đảo lộn đến… “hỗn loạn”.

Nhộn nhịp “sản xuất” lúc nửa đêm

 

Đã hơn 1 tháng nay, điện sinh hoạt ở các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) bị cắt triền miên, không kể ngày giờ.

 

Anh Trọng (ở xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc) than thở: “Ngày nào cũng mất điện từ sáng sớm đến nửa đêm, có hôm lại “đột ngột” có điện lúc nửa buổi. Thường thời gian có điện chỉ vài tiếng vào ban đêm hoặc 1 lúc ban ngày nên không dám ngủ, không dám đi đâu, cứ phải chầu trực, “rình” có điện là bật máy bơm nước ngay. Cũng sắp đến lúc gặt rồi, không có điện thì tuốt lúa kiểu gì đây?”.
 
Thôn quê “hỗn loạn” vì mất điện - 1

 

Chị Trâm (ở xã Bồ Lý, huyện Lập Thạch) thì ngán ngẩm: “Điện cắt cả ngày, có hôm cắt cả đêm. Đã gần tháng nay nhà tôi phải đi xin nước để sinh hoạt”.

  

Mất điện đồng nghĩa với thiếu nước, không chỉ người trẻ khỏe mà người già, trẻ nhỏ cũng phải còng lưng đi xách nước về dùng. Hình ảnh người người nhộn nhịp đi xin nước mỗi buổi chiều đã trở nên quen thuộc ở những vùng quê bị cúp điện như cơm bữa.

 

Không có nước đã khổ, lại thêm chuyện thiếu gạo ăn. Ngày nào cũng vậy, cứ gần 12h đêm là điện bỗng sáng trưng. Có điện, tiếng động cơ máy bơm nước, máy xay xát gạo ầm ầm, cả làng nhộn nhịp không khí “sản xuất”.

 

Có điện vui “như bắt được vàng”. Chị Oanh vừa vác 2 tải lúa lên xe cải tiến mang đi xát vừa kể: “Hai vợ chồng tôi đi làm gạch, lúc mình đi thì điện đã mất, khi mình về thì nhà vẫn tối om, 2 hôm nay phải đi vay gạo ăn rồi. Đi làm về mệt lả nhưng có dám ngủ đâu, chầu trực từ tối đến nửa đêm mới có điện để đi xát gạo”.

 

Ngủ ngoài đường sướng hơn ở nhà

 

Trong tiết trời nắng nóng, oi bức, mất điện, chiếc quạt điện trở nên vô dụng, nhiều người không thể ngủ nổi trong nhà. Nhiều tối nay, người dân thôn Nghinh Tiên (xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc) thường trải chiếu ngay trước cổng nhà để “hóng” gió trời và ngủ.

 

Nhiều nơi khác cũng thường được người dân ra… ngủ là bờ kênh, gốc đa, những nẻo đường giáp cánh đồng.

 

Bác Thu (ở xã Văn Tiến) chia sẻ: “Trời nắng nóng như thiêu như đốt, điện thì không có. Nằm ngủ trong nhà mà nóng như trong cái lò, không thể chịu được. Ngủ ngoài đường sướng hơn ở nhà”.

 

Học sinh theo lịch học… đặc biệt

 

Đúng thời điểm thi học kỳ, thi tốt nghiệp và thi chuyển cấp, cảnh mất điện triền miên khiến các học sinh cũng bị làm khó. Ngoài việc phải học nhờ ánh sáng đèn dầu, nến, nhiều em phải áp dụng phương châm “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” để học bài lúc còn nhìn rõ mặt người.

 

Chị Nguyệt (ở Nguyệt Đức, Yên Lạc) cho biết: “Các cháu đi học cả ngày đã mệt lả, tối về lại không có điện, trời lại oi nóng nữa nên việc học hành bị ảnh hưởng nhiều”.

 

Em Linh (học sinh trường THPT Yên Lạc) nói: “Em đang học lớp 12 nên nhiều bài vở và phải ôn thi nhiều. Từ ngày bị mất điện triền miên, bố mẹ em đã sắp xếp cho em 1 lịch học đặc biệt: đi học về đến nhà là tắm giặt và ăn cơm rồi đi ngủ sớm, đến lúc có điện (khoảng 11 rưỡi đêm) thì bố mẹ em gọi dậy học bài. Em học đến khoảng 5h sáng thì chợp mắt chút cho đỡ mệt, đến 6h dậy chuẩn bị đi học, ngày nào cũng như vậy”.

 

Mùa nắng nóng, cảnh thiếu điện không chỉ xảy ra ở nông thôn, song có lẽ ngành điện lực nên có lịch cắt điện luân phiên một cách hợp lý, để cuộc sống của người dân không bị đảo lộn tới… 360 độ như hiện nay.

 

Châu Như Quỳnh