1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đắk Nông:

Thôn đèn dầu khát khao có điện đón Tết

(Dân trí) - Hàng nghìn người dân vẫn sống trong tình trạng thiếu điện mặc dù nằm “sát nách” nhà máy thủy điện. Gần chục năm trông chờ điện lưới quốc gia, những hộ dân này chỉ mong được đón Tết trong ánh đèn điện chứ không phải ánh đèn dầu leo lét.

Sống “sát nách” thủy điện vẫn thèm... điện

Những ngày cuối cùng của năm Bính Thân, gia đình bà Đặng Thị Thủy (thôn Đắk Lang, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long) lo đi tìm chiếc tua pin bị đánh cắp. Nhiều năm nay, chiếc máy ấy là “cả nguồn sống” đối với gia đình bà, nhưng mới đây nó đã bị kẻ gian lấy mất.


Chưa kịp thay thế đường dây dẫn từ tua pin về nhà thì tua pin của bà Thủy đã bị kẻ gian đánh cắp

Chưa kịp thay thế đường dây dẫn từ tua pin về nhà thì tua pin của bà Thủy đã bị kẻ gian đánh cắp

Nằm cách thị trấn Đắk G’Long và nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 chỉ chưa đầy 4km, song từ khi thành lập thôn Đắk Lang đến nay, gia đình bà Thủy và gần 200 hộ dân của thôn này vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Để sinh hoạt, người dân trong thôn phải dùng điện từ tua pin, mua từ trạm phát sóng viễn thông hoặc dùng đèn dầu, bếp củi.

Bỏ ra số tiền lớn mua dây diện, dự định thay thế đường dây dẫn từ tua pin về nhà thì bị kẻ gian đánh cắp, bà Thúy vừa nói vừa nức nở: “Đây là cái tua pin thứ ba rồi đấy, bán có được bao nhiêu đồng đâu mà họ đành lòng lấy mất. Ở đây đã khốn khổ vì không có điện rồi, bây giờ đến cái máy cũng không còn thì chúng tôi lấy điện đâu mà ăn Tết”.

Cũng trong tình cảnh thiếu điện hơn 10 năm nay, gia đình ông Phạm Văn Nam (thôn Đắk Lang) phải kéo điện từ chiếc tua pin đặt cách nhà hơn 1 cây số. Do đường dây dài, điện lại yếu nên chiếc tua pin này chỉ đủ thắp sáng bóng đèn 11W, cơm nước trong nhà, vợ chồng ông Nam phải dùng củi nấu.

Chiếc tua pin là “cả nguồn sống” đối với nhiều hộ gia đình thôn Đắk Lang
Chiếc tua pin là “cả nguồn sống” đối với nhiều hộ gia đình thôn Đắk Lang

Ông Nam giọng chua chát: “Tôi dại mới bỏ Lâm Đồng sang đây sinh sống, bên đó điện đóm đầy đủ lại chui vào cái nơi khát nước, thiếu điện này. Mấy năm trước, nhân dân hai thôn 8, thôn 11 (nay là thôn Đắk Lang) đã nhiều lần kiến nghị kéo điện về cho bà con. Họ hứa là đến năm 2014 chúng tôi được dùng điện nhà nước, vậy mà gần 3 năm rồi vẫn chưa thấy gì”.

Nằm ngay trên lòng hồ thủy điện Đắk N’Teng, hơn 100 hộ dân thôn 3B (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long) cũng phải thắp sáng bằng đèn dầu, đèn pin. Năm 2013, thủy điện này đi vào hoạt động, nhưng người dân thôn 3A vẫn tồn tại như tách bạch với thế giới bên ngoài vì phải sống trong tình trạng không điện, không thông tin liên lạc, không đường giao thông.

Một người phụ nữ cho biết, trước kia chưa có nhà máy thủy điện thì không nói làm gì, nhưng bây giờ có nhà máy ngay bên cạnh mà vẫn không có điện thì không hiểu nổi. Hơn 100 hộ dân, vài trăm con người sống thiếu điện nên người dân chúng tôi khổ lắm. Giờ chỉ mong sao nhà nước sớm kéo điện để chúng tôi được đón Tết trong ánh đèn”.

“Sẽ kéo điện cho những thôn cấp bách”

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, hiện nay toàn xã vẫn còn 3 thôn người dân chưa được sử dụng điện nhà nước, trong đó 100 % hộ dân thôn Đắk Lang chưa được hòa lưới điện quốc gia.

Lý giải về việc người dân các thôn này sống sát vách thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 mà vẫn phải sống trong bóng tối, ông Thuận cho biết: “Điện của nhà máy thủy điện là hòa vào đường dây cao áp quốc gia, còn người dân các thôn này sống xa trung tâm nên chưa thể kéo điện xuống được. Hiện nay để có điện phục vụ sinh hoạt sản xuất, một số hộ dân sinh sống tại thôn Đắk Lang dùng tua pin, kéo điện từ trạm viễn thông hoặc bỏ tiền ra mua dây điện kéo từ xã về. Tuy nhiên, do số tiền lớn (dao động từ 15-20 triệu đồng) nên hiện tại mới chỉ có 13 hộ dùng điện kéo từ xã”.


Không điện, ông Phạm Văn Nam theo dõi thông tin nhờ chiếc đài chạy bằng pin.

Không điện, ông Phạm Văn Nam theo dõi thông tin nhờ chiếc đài chạy bằng pin.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, năm 2015 chính quyền địa phương đã làm tờ trình kiến nghị Sở Công thương Đắk Nông, Công ty Điện lực tỉnh Đắk Nông kéo điện lưới quốc gia về cho các hộ dân này. “Đoàn đã về khảo sát, tuy nhiên do chưa phân bổ vốn nên vẫn chưa triển khai kéo điện đáp ứng nhu cầu hơn 1.000 nhân khẩu của ba thôn trên”, ông Thuận cho hay.

Ông Ngô Anh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn thông tin, hiện nay khu vực chưa có điện thuộc buôn N’Bút với hơn 100 hộ dân. Từ khi thủy điện tích nước phục vụ phát điện, con đường dẫn vào quả đồi bị ngập sâu dưới lòng hồ, cô lập gần như hoàn toàn khu dân cư và đất sản xuất nông nghiệp. Mặc dù nhà máy thủy điện Đắk N’Teng đã đi vào hoạt động từ năm 2013, nhưng đến nay người dân buôn nay vẫn chưa có điện lưới kéo về.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Thuận, Giám đốc Công ty điện lực Đắk Nông cho biết, những thôn hiện đang thiếu điện đã được đưa vào “Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014-2020” (số 1643/QĐ-UBND, dự án do Sở Công thương tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện). Hiện dự án này đang triển khai cấp điện cho các thôn buôn thuộc xã biên giới và vùng đặc biệt khó khăn.

Giám đốc Điện lực Đắk Nông cũng nói thêm, trước Tết Nguyên đán năm 2017 sẽ triển khai đóng điện một số thôn để phục vụ bà con đón Tết. “Dự kiến ra Tết, Điện lực Đắk Nông sẽ phối hợp với Sở Công thương đi khảo sát toàn bộ các thôn, buôn chưa có điện. Nếu thôn nào cấp bách quá thì sẽ làm tờ trình, gửi UBND tỉnh Đắk Nông đưa địa phương đó ra khỏi dự án, đưa lưới điện quốc gia đến ngay những nơi này”.

Riêng tình trạng thiếu điện của một số hộ dân xã Quảng Sơn nằm ngay trên lòng hồ thủy điện Đắk N’Teng, ông Thuận cho biết, thủy điện này của Điện lực miền Nam nên đơn vị không quản lý. Năm 2016, Công ty Điện lực Đắk Nông đã triển khai thi công xây dựng 1 trạm biến áp và đường dây truyền tải điện cho các hộ dân thôn 3B, nhưng do các hộ dân buôn N’Bút sống rải rác nên ngành điện khó đầu tư vào khu vực này.

Dương Phong