1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thoát nghèo nhờ... bẹ chuối khô

(Dân trí) - Những bẹ chuối khô tưởng là thứ bỏ đi, nhưng qua bàn tay khéo léo của người dân xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo.

Tới xã Cẩm Vân không khó bắt gặp hình ảnh những mẹ, những chị, những em học sinh miệt mài ngồi đan những chiếc làn, chiếc giỏ xách từ bẹ chuối khô. Một thứ xưa nay tưởng chỉ để bỏ đi, qua bàn tay tài hoa của người dân nơi đây đã trở thành một trong những mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu có giá trị; giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn trong xã.
 
Thoát nghèo nhờ... bẹ chuối khô - 1
Người dân xã Cẩm Vân miệt mài làm những sản phẩm mỹ nghệ từ bẹ chuối khô

Chị Phạm Thị Vân, thôn Đồi Chuông, xã Cẩm Vân chia sẻ: “Tôi học nghề từ năm 2009. Trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống thiếu thốn, những lúc nông nhàn không biết tìm việc gì làm để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình. Khi biết tin xã mở lớp dạy nghề đan các sản phẩm từ bẹ chuối, tôi làm đơn xin theo học ngay”.

Sau một thời gian học nghề, đến nay, chị Vân đã đan được hàng trăm chiếc giỏ từ bẹ chuối, thu nhập từ nghề này đã giúp gia đình chị xây được ngôi nhà khang trang hơn và có đủ tiền lo cho con cái ăn học.

Cũng như chị Vân, hàng trăm hộ dân nơi đây cũng thoát nghèo từ cái nghề này. Người thạo nghề mỗi ngày có thể đan được một chiếc, kiếm được 14.000đ, so với một xã thuần nông vùng xa là một số tiền không nhỏ.
 
Thoát nghèo nhờ... bẹ chuối khô - 2
Các mẹ các chị giờ đây không còn phải lo thiếu công ăn việc làm
 
Hơn 2 năm qua, nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ bẹ chuối khô đã trở thành vị “cứu tinh” của người dân xã Cẩm Vân trong lúc nông nhàn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Thời gian tới, chính quyền địa phương và người dân nơi đây còn mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường rộng lớn hơn, đi ra các nước bạn.

Tiếng lành đồn xa, người dân ở các địa phương khác trong huyện cũng như người dân ở các huyện lân cận cũng tìm đến học cách làm để về áp dụng ở địa phương mình. Để giúp người dân nâng cao tay nghề, Trung tâm dạy nghề huyện Cẩm Thủy đã liên kết với Doanh nghiệp Thiện Hằng, TP. Thanh Hóa tổ chức các lớp truyền nghề tại các xã Cẩm Vân, Cẩm Yên, Cẩm Sơn, Cẩm Ngọc…  

Thoát nghèo nhờ... bẹ chuối khô - 3
Từ những bẹ chuối khô qua bàn tay khéo léo trở thành những sản phẩm đẹp mắt

Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ doanh nghiệp cho biết: “Bước đầu, chúng tôi sẽ hỗ trợ tất cả nguyên liệu bẹ chuối khô và khung sắt cho chị em làm hàng thô trước, sau đó sẽ làm một số mẫu mã khác theo đơn đặt hàng. Chúng tôi mong muốn chị em phụ nữ duy trì và phát triển làng nghề này, vì đây là một trong những nghề tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước mà đặc biệt là hướng đến các thị trường ngoài nước như: Đài Loan và Nhật Bản…".

Ông Trương Công Hòa, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân cho biết: Từ năm 2009 đến nay, xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện đã mở 3 lớp dạy nghề đan thảm, giỏ từ bẹ chuối thu hút hơn 100 học viên tham gia. Để khuyến khích người dân, xã còn hỗ trợ 15.000đ/ngày/học viên. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 60 hộ dân đang nhận làm sản phẩm mỹ nghệ từ bẹ chuối. Nghề đan bẹ chuối khô có thể giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn xã.

Duy Tuyên