1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung trả lời chất vấn về vấn nạn công ty "ma"

(Dân trí) - Sáng 3/12, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Giám đốc CATP đăng đàn, trả lời chất vấn câu hỏi liên quan đến vấn đề hàng loạt công ty trốn thuế, lập công ty ma bán hóa đơn cho các doanh nghiệp.

Hôm nay, HĐND TP Hà Nội chất vấn 4 nhóm vấn đề, trong đó vấn đề nợ thuế phí được chất vấn đầu tiên.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội – Giám đốc CATP cho biết, thời gian qua, công an đã phối hợp với Cục Thuế Hà Nội xác minh truy thu thuế hơn 300 công ty bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh.

Đặc biệt, năm 2014 đã phát hiện các công ty do đối tượng Nguyễn Trường (sinh năm 1963, trú tại Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ năm 2008 – 2014 lên Sở Kế hoạch và Đầu tư làm thủ tục thành lập 16 công ty TNHH kinh doanh các ngành nghề khác nhau. Lợi dụng cơ chế tự in hóa đơn, công ty này vào Sài Gòn để thuê in hóa đơn, trên cơ sở đó, một số công ty đã mua các hóa đơn khống để hợp thức hóa đầu vào các nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng hay các chi tiêu hành chính văn phòng của các Bộ, ngành.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung trả lời trước HĐND TP Hà Nội
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung trả lời trước HĐND TP Hà Nội

Qua quá trình điều tra, CATP Hà Nội đã chứng minh, đối tượng Trường đã thành lập 16 công ty, bán hóa đơn cho gần 2.300 doanh nghiệp, với số tiền hơn 5.400 tỷ đồng. Công an thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố hoàn chỉnh hồ sơ để truy tố các đối tượng liên quan đến vụ việc.

Với gần 2.300 doanh nghiệp liên quan, CATP Hà Nội đã huy động số lượng lớn nhân lực tiến hành xác minh, những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ truy tố trước pháp luật. Đối với những công ty trốn thuế sẽ phối hợp với Cục Thuế để truy thu thuế, xác định hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, đã truy thu thuế hơn 50 tỷ và hơn 2.000m2 đất được các đối tượng mua bằng tiền rút ra từ hóa đơn khống.

Qua quá trình điều tra, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, có 3 vấn đề sơ hở tại các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ nhất, trong quá trình cấp phép đăng ký kinh doanh hiện nay với thời gian 3 ngày thì việc xác minh nhân thân của các đối tượng xin thành lập công ty, đứng tên làm kế toán trưởng, giám đốc công ty dễ dẫn đến thiếu sót. Tướng Chung đưa ra ví dụ cụ thể như việc đối tượng Trường thường thuê các ông xe ôm với giá 1 triệu đồng để họ đem theo chứng minh thư lên Sở Kế hoạch và Đầu tư làm thủ tục thành lập công ty, làm giám đốc doanh nghiệp, sau đó Trường hoàn toàn quản lý hoạt động của các công ty ma này.

Thứ hai, trong hoạt động, giám sát của các chi cục không chặt chẽ, thậm chí có sự tiếp tay của cán bộ thuế. CATP Hà Nội đang kiến nghị Cục Thuế xử lý các cán bộ này. Thứ ba, cơ chế quản lý tiền mặt trong hệ thống ngân hàng, cụ thể là cơ chế rút tiền mặt, chi tiêu tiền mặt của các doanh nghiệp, các ngân hàng không chặt chẽ.

Thứ tư, là sơ hở trong quản lý hóa đơn khi các doanh nghiệp tự in hóa đơn. Chính vì thế, Cục Thuế đã có kiến nghị đề xuất với Chính phủ thiết lập mạng dùng chung để quản lý hóa đơn của các doanh nghiệp.

Những vấn đề liên quan đến việc lập công ty ma bán hóa đơn được Giám đốc CATP Hà Nội làm rõ
Những vấn đề liên quan đến việc lập công ty ma bán hóa đơn được Giám đốc CATP Hà Nội làm rõ

Ngoài các doanh nghiệp trên, trong thời gian qua, CATP Hà Nội và Công an các quận huyện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuế để xác minh tất cả các công ty hiện nay đang bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian tới CATP Hà Nội sẽ tiếp tục các công việc này nhằm tìm ra các nguyên nhân, cơ sở thiếu sót để có giải pháp tốt hơn.

Cùng vấn đề trên, ông Hà Minh Hải - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, đến 2014 nợ thuế 18.600 tỷ, chậm nộp 5 nghìn tỷ, sang năm 2015 chậm nộp 10 tháng là 7 nghìn tỷ. Số nợ thuế tăng theo cấp số cộng, với mức tăng gần 2 nghìn tỷ mỗi năm. Trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh tăng lên nhanh, riêng nhóm này đã là gần 2.500 nợ thuế.

Từ tháng 6 đến nay Cục Thuế đã công khai 6 đợt liên quan đến nợ và sẽ công khai thường xuyên hàng tháng số nợ từ ngày 5 - 10 hàng tháng. Đến 30/11 đã có 59 nghìn doanh nghiệp mà cơ quan thuế đã ra thông báo nợ, với số tiền thuế hơn 1.500 tỷ. Số nợ dưới 100 triệu rất nhỏ là 32 nghìn doanh nghiệp, với số nợ 272 tỷ.

Hành vi chủ yếu là những trường hợp thành lập ra để buôn bán hóa đơn, thành lập xong giải thể ngay, rất khó phát hiện. Cục Thuế phải căn cứ vào đối chiếu chéo, nhận diện ra sau đó phát hiện ra khoảng 400 tỷ của đối tượng doanh nghiệp thành lập ra buôn bán hóa đơn, đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an. Năm 2015 đã xử lý một số trường hợp và đang tiếp tục xử lý, trong đó đánh mạnh vào đối tượng cầm đầu. Các đối tượng này thường rất tinh vi, thường mượn chứng minh thư thuê làm giám đốc, các cơ quan công an mất rất nhiều thời gian.

“Khi tiếp cận đối tượng, một là những người này đang làm nghề xe ôm. Hai là có thể đang trong tù, ba là mất chứng minh thư. Việc xử lý hình sự các đối tượng này rất khó. Chúng tôi phải phối hợp cùng công an, nghe điện thoại và bắt quả tang”, ông Hải cho biết.

Nhóm thứ hai là nhóm doanh nghiệp có khó khăn, sau đó ngừng nghỉ, đối tượng này cũng bỏ luôn. Còn đối tượng khi bị thanh tra kiểm tra, phát sinh số tiền thuế lớn, bỏ doanh nghiệp này thành lập doanh nghiệp khác vẫn là cá nhân đứng.

Ông Hải cho biết ngành thuế đang phối hợp với cơ quan công an để nhận diện các trường hợp này, sau khi xác minh sẽ chuyển sang cơ quan công an để kiến nghị xử lý vì các đối tượng có dấu hiệu của cố tình chiếm đoạt chứ không phải khó khăn mà chây ì không nộp thuế.

Quang Phong