1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Giá tại các nhà thuốc của bệnh viện:

Thêm nỗi khổ cho người đã khổ

Giá thuốc và các vật dụng dùng cho người bệnh tại các nhà thuốc của bệnh viện thường cao hơn thị trường từ 20 - 30% trở lên, có những trường hợp cao hơn tới gần 300%! Thực trạng này vô nhân đạo ở chỗ, nó "đánh" trực tiếp vào các bệnh nhân - vốn là những người đã khốn khổ vì phải đối mặt với bệnh tật.

Và đối tượng phải "chịu đòn" nhiều nhất thường là những bệnh nhân cấp cứu, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc hoặc bệnh nhân ngoại tỉnh bệnh nặng, quê xa, tiền ít...

 

Biết đắt, vẫn phải mua

 

"Biết là giá bắt chẹt, nhưng chẳng lẽ lại đứng mặc cả trong khi con mình đang trong cơn nguy cấp!" - Đó là câu than vãn của chị Trần Thị Ngọc Giàu - ngụ quận 4 (TPHCM).

 

Chị Giàu phải đưa con vào cấp cứu tại bệnh viện Nguyễn Trãi vì bé bị chóng mặt, nhức đầu đến mức nôn ói. Bác sĩ chẩn đoán theo dõi rối loạn tiền đình. Toa thuốc khẩn cấp mà chị mua tại nhà thuốc trong bệnh viện gồm 3 thứ thuốc và một chai dịch truyền giá đã xấp xỉ 500.000 đồng - số tiền không nhỏ đối với một thợ may như chị.

 

"Tôi cũng đã nghe một vài người  khuyên, nếu chịu khó chạy ra nhà thuốc ngoài bệnh viện sẽ mua được rẻ hơn - chị Giàu nói thêm - Nhưng lúc con mình đang đau, nằm chờ thuốc thì tâm trí đâu mà còn nghĩ đến chuyện chạy ra ngoài! Trước đây, chị gái tôi cũng đã từng lên bệnh viện Chợ Rẫy nằm điều trị mấy lần và bác sĩ chẩn đoán là viêm gan cộng với suy tim độ 1. Nào tiền cấp cứu tiền khám bệnh tiền xét nghiệm tiền nằm điều trị..., rồi hàng chục khoản không tên khác. Riêng tiền thuốc mỗi lần cấp cứu cũng phải mấy triệu. Riết chịu không nổi, chị tôi bỏ viện về nhà nằm... chờ chết. Hồi đầu năm nay, chị mất".

 

Những câu chuyện như vậy có thể nói là nhan nhản ở hầu hết các BV. Biết là giá thuốc của các nhà thuốc trong bệnh viện luôn đắt hơn bên ngoài, nhưng hầu hết người nhà các bệnh nhân cấp cứu đều đành chấp nhận.

 

Tâm lý chung là miễn sao cho người thân qua cơn nguy kịch, hoặc "còn người còn của", nên chẳng mấy người mua cự nự lúc mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, cho đến khi mọi việc đâu vào đấy, ngồi tính lại mới "vỡ lẽ" mình đã bị các nhà thuốc "chém đẹp".

 

"Gà lạc"

 

Anh Lương Minh Trí (huyện Thanh Thuỷ - xã Phú Thọ) bị lao phổi, tháng nào cũng phải lên bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương (Hà Nội) chữa chạy. Sau mỗi lần khám, là một lần cầm đơn thuốc dài được bác sĩ kê, ra nhà thuốc bệnh viện.

 

"Mỗi lần mua tiền thuốc mất tới 1,3 triệu đồng. Nghe nói thuốc trên thị trường giá rẻ hơn đến 20%, nhưng dân tỉnh lẻ như tôi lại sợ lớ ngớ mua phải thuốc giả, nên đành nhắm mắt mua trong bệnh viện vậy. 6 tháng đầu điều trị, cộng cả tiền xét nghiệm, tôi đã phải chi trả khoảng 10 triệu đồng. Nhà làm ruộng, lại đau ốm, ăn chẳng đủ. Có bệnh thì phải vay nợ khắp nơi họ hàng làng xóm mà cố thôi... " - Anh Trí than.

 

Ông Nguyễn Văn C -  một bệnh nhân đang trong giai đoạn hóa trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM - kể, ông biết mình mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến được gần 1 năm qua. Sau khi được phẫu thuật, ông phải tiếp tục theo chương trình xạ trị và hóa trị.

 

Để có tiền phẫu thuật và điều trị đợt đầu tiên, gia đình ông C đã phải bán hết mấy công đất ruộng ở Long An. Rồi đất hết, mà bệnh thì vẫn còn. Hiện giờ mỗi lần hóa trị liệu là bốn người con của ông cùng nhau đóng góp.

 

Bà Hương - vợ ông, lên TPHCM chăm nuôi ông, tiếp lời: "Ban đầu tôi cũng nghe một số người bệnh và người nhà bệnh nhân mách nước là lại các nhà thuốc bên ngoài mua thuốc cho rẻ. Nhưng già cả lại dân tỉnh lẻ như tôi biết đường sá đâu mà đi, rồi sợ mua phải thuốc dỏm nữa thì chết...".

 

Chuyện của những người như anh Trí, ông C có thể gọi là "điển hình" của các bệnh viện lớn. Có bảo hiểm thì còn đỡ, nhưng những người dân tỉnh lẻ, với nghề nông chân lấm tay bùn thì mấy người biết đến bảo hiểm y tế tự nguyện để mà mua. Đến khi vướng vào bạo bệnh, phải lên bệnh viện tuyến cuối chữa chạy, thường thì đã rơi vào trường hợp nặng, phải phẫu thuật, hóa trị... đủ các kiểu, tiền bạc tốn không kể xiết.

 

Thống kê từ thực tế cho thấy, có đến hơn 70% người bệnh ở các bệnh viện tuyến cuối là dân ngoại tỉnh. Chả thế mà bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cách khu trung tâm mua bán dược phẩm đường Lý Thường Kiệt không bao xa, hay ngay sát các bệnh viện lớn như Xanh Pôn, Việt Đức (Hà Nội) là một loạt các nhà thuốc bán lẻ ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám, nhưng khi được hỏi, hầu như chẳng người dân ngoại tỉnh nào đi chăm nuôi bệnh nhân tại bệnh viện biết tìm đến để mua thuốc giá rẻ hơn.

 

Rõ ràng, giá thuốc tại các nhà thuốc trong bệnh viện đang đè thêm một gánh nặng nữa lên danh sách những khoản chi phi lý của bệnh nhân, khiến một số bệnh viện rơi vào tình trạng "tréo ngoe": Người bệnh thì tốn tiền, bệnh viện thì mất viện phí do tình trạng bệnh nhân hết tiền, thiếu viện phí đành bỏ trốn. Cuối cùng, thì chỉ có một vài cá nhân cấu kết với nhau để hưởng lợi từ nỗi khổ của người bệnh nói chung và bệnh nhân nghèo tỉnh lẻ nói riêng...

 

Theo Thể Uyên - Ngọc Hoa
Lao Động