1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Thêm nhiều dấu hiệu cắt xén tiền Tết của người nghèo

(Dân trí) - Trong khi vụ lình xình về cấp phát tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người nghèo đón tết ở xã An Ninh chưa chấm dứt thì những việc tương tự cũng xảy ra ở thôn Xuân Sơn (xã Sơn Trạch, Bố Trạch) và Cây Thị (Cảnh Hóa, Quảng Trạch).

Bà Nguyễn Thị Thích ở thôn Xuân Sơn, bị viêm đa khớp khiến tay chân co quắp, hết sức ngạc nhiên khi 8 khẩu trong nhà bà chỉ nhận được 400.000 đồng và 10 kg gạo, trong khi theo quy định của Chính phủ, gia đình bà phải được 1 triệu đồng.
 
Theo tìm hiểu của PV, trước Tết Nguyên đán, xã Sơn Trạch được Chính phủ hỗ trợ 482 triệu đồng cho 605 hộ nghèo (2.757 khẩu). Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch khẳng định: ngay sau khi nhận tiền hỗ trợ, xã đã tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương cấp phát và giao tiền về các trưởng thôn để trực tiếp phát cho dân.
 
Riêng thôn Xuân Sơn nhận được 37,4 triệu đồng cùng 1,5 tấn gạo để cấp cho 47 hộ nghèo. Theo ông Trần Phúc Huấn, Bí thư chi bộ thôn Xuân Sơn, toàn bộ số tiền và gạo này đã được chuyển về cho dân nghèo. Nhưng chẳng hiểu “dân nghèo” ở đây gồm những ai mà như gia đình bà Thích đã thiếu mất 600.000 đồng và 70 kg gạo (theo ông Huấn là mỗi khẩu nghèo được 10 kg gạo).
 
Thêm nhiều dấu hiệu cắt xén tiền Tết của người nghèo - 1

Bà Dàng "trái" tách hộ, có hộ khẩu riêng đã lâu nhưng bà chỉ nhận
 được tiền hỗ trợ người nghèo vì thôn cho rằng bà vẫn ở chung với mẹ.
 
Không “may mắn” như bà Thích, bà Nguyễn Thị Dàng đã nhiều năm nay tách hộ, một tay nuôi 3 đứa con vì mất chồng lại được thôn nhập tên vào cùng hộ nghèo của mẹ bà, nên bà chỉ nhận được 200.000 đồng, 3 đứa con đành chịu cảnh bần hàn trong Tết.
 
Bà Dàng cho biết: “Tui chẳng mong chi, chỉ mong thôn coi lại cho hộ tui được hộ nghèo để cho 3 đứa con được miễn giảm học phí. Còn tiền hỗ trợ thì thôn cho mấy, nhờ mấy”.
 
Khi PV Dân trí đề nghị cho xem danh sách ký nhận tiền, gạo của các hộ nghèo thì ông trưởng thôn Trần Thế Xưởng cho biết đã bỏ quên ở nhà. Còn theo ông Chủ tịch Hòa, hiện nay thôn này cũng như nhiều thôn khác trong xã đều chưa có báo cáo quyết toán số tiền đã trao về cho dân.
 
Trước sự cương quyết của các chức sắc thôn, PV đã mời ông Chủ tịch xã về tận một số hoàn cảnh để nắm tình hình. Trong những người “không may” có gia đình anh Phạm Văn Tâm sống trong căn nhà ghép gỗ xiêu vẹo đã 8 năm nay nhưng không hề được thôn đoái hoài bình xét vào danh sách hộ nghèo 2009.
 
Trước mặt ông Chủ tịch xã, anh Tâm buồn bã: “Hai vợ chồng tui đau ốm suốt, cả nhà 4 người chỉ trông cậy vào 2 mảnh vườn nhỏ trỉa ngô, lạc và 1 sào ruộng. Cả Tết, chúng tôi không có một hạt gạo, một xu tiền hỗ trợ nào cả”. 
 
Thêm nhiều dấu hiệu cắt xén tiền Tết của người nghèo - 2

Anh Tâm bị sốt rét 2 năm nay, vợ đi làm thuê được khoảng 30.000 đồng/ngày.
Nhìn cơ ngơi của vợ chồng anh Tâm, ông Nguyễn Xuân Hòa ngao ngán: “Tôi sẽ yêu cầu trưởng thôn giải trình vấn đề này, chứ gia đình thế này mà không được hộ nghèo thì không ổn”.
 
Về dấu hiệu cấp phát thiếu tiền, gạo cho dân như trường hợp của bà Thích, ông Sơn cũng khẳng định sẽ rà soát lại. Ông cho biết thêm, ông đã phát hiên nhiều dấu hiệu khuất tất khi đi kiểm tra lại việc cấp phát này vào ngày mùng 3 Tết vừa qua.
 
Trước mắt, các chức sắc trong thôn chỉ thừa nhận đã “vận dụng” sai mục đích 7,1 triệu đồng. Theo một số người dân, vào thời gian cận tết cứ đến 18 - 19 giờ tối là thấy cán bộ thôn chở gạo… về nhà.
 
Còn ông Sơn thì khẳng định: không có chuyện cán bộ thôn “xà xẻo” tiền, gạo của dân nghèo, mà chỉ là chia sai đối tượng.
 
Tương tự, ở xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch), ông Phạm Đăng Ngôn, Trưởng thôn Cây Thị cũng thừa nhận đã phát tiền hỗ trợ hộ nghèo cho… cả làng.
 
Theo đó, khi nhận 83,3 triệu đồng để phát cho 500 khẩu thuộc 98 hộ nghèo trong thôn, các “quan thôn” đã hướng dẫn cho dân ký luôn vào hai danh sách: một danh sách khống ký đúng chủ trương nhưng chỉ được nhận một phần, còn một danh sách cho cả làng ký nhận.
 
Điều lạ lùng là nhiều hộ kinh tế khá giả, có ô tô, nhà lầu… nhận được tới 500.000 đồng, nhiều hơn các hộ nghèo. Ở thôn Kinh Nhuận (Cảnh Hóa), cả thôn có 98% hộ nghèo nhưng cũng phải san tiền cho các hộ cận nghèo để “vui cả làng”.
 
Hồng Kỹ