1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thêm một khu tái định cư bị “tẩy chay”

(Dân trí) - Để ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An), gần 5 năm trước, dự án tái định cư khu kinh tế mới Minh Châu ra đời. Nhưng lạ một nỗi, người dân xuống núi, ở khu tái định cư chưa “ấm chỗ” thì lại lục đục kéo nhau về làng cũ.

Hồ hởi xuống núi

 

Nằm biệt lập trong thung lũng, xã Tri Lễ luôn gặp khó khăn về kinh tế. Do cuộc sống du canh du cư không ổn định nên người dân nơi đây đã quen với việc phá rừng làm rẫy, săn bắn động vật. Cá biệt nhiều hộ còn trồng cây thuốc phiện để kiếm thêm thu nhập.

 

Để ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc, năm 2002, UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định phê duyệt dự án xây dựng vùng kinh tế mới Minh Châu. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng. Quy mô là đưa 180 hộ dân thuộc các tộc người Khơ Mú và Mông ở những bản sát biên giới về sống tập trung tại vùng kinh tế mới này.

 

Ban đầu do vốn quen với tập quán cũ, cuộc sống hoang dã nên người dân không hứng thú lắm. Chính quyền đã phải tích cực tuyên truyền, hứa sẽ hỗ trợ mỗi gia đình gần 3 triệu đồng để dựng nhà ở mới (ngành chức năng hỗ trợ kinh phí để cho bà con tự thiết kế nhà ở cho phù hợp với tập quán riêng); mỗi hộ dân đến khu kinh tế mới sẽ được cấp 2 ngàn m2 đất vườn, 150m2 đất ruộng nước và 250m2 đất màu để ổn định sản xuất. 

 

Ngoài ra, khu tái định cư sẽ có hơn 20 bể nước, 5km đường nội vùng và có một trường học. Để phù hợp với cuộc sống sinh hoạt, khu tái định cư sẽ được chia làm 4 bản sống quây quần bên nhau. Riêng bản đồng bào Khơ Mú sẽ được sống ở một vùng riêng…

 

Trước những lời hứa tươi sáng đó, bà con rất hồ hởi. Đầu năm 2003, nhiều ngôi nhà mới đã mọc lên. Sau đó, đồng loạt 180 hộ dân đến với khu tái định cư mới Minh Châu.

 

Thời gian đầu mới xuống núi, mỗi hộ dân được chính quyền hỗ trợ gạo, thực phẩm. Đến kỳ giáp hạt, họ lại được cung cấp lương thực để cứu đói.

 

“Bấy giờ dân ta vui lắm. Cả vùng ni đâu đâu cũng nghe tiếng nói cười vui vẻ. Nhà nào cái bụng cũng no cả. Con trẻ đứa đứa đều được học cái chữ. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Họ chán cái tái định cư ni lắm…”, ông Vừ Nhìa De - Bí thư chi bộ bản D2 - thất vọng.

 

Vội vã lên non

 

Đến Minh Châu bây giờ thấy quang cảnh thật ảm đạm: những ngôi nhà khép cửa, hoang lạnh; bóng người thưa thớt. “Chúng nó về cả rồi. Tui cũng về đây. Chỉ để đứa bé ở lại kiếm cái chữ thôi”, một người đàn bà khệ nệ ôm đồ đạc lên núi, nói vọng lại. 

 

Bà này cho hay, phần lớn người dân nơi đây đã quay về bản cũ vì ở đó họ mới có thể sản xuất, mới kiếm được cái làm “no cái bụng”. Ở lại Minh Châu chỉ còn toàn trẻ con và vài người lớn, vừa để giữ nhà, vừa lo học hành.

 

Ông Vừ Nhìa De giải thích: “Do dự án không phát huy hiệu quả, bà con xuống núi không thể ngồi chờ phụ cấp của chính quyền mãi. Trong khi đất không sản xuất được vì không có nước tưới. Nên hiện nhiều hộ đã bỏ về bản cũ rồi…”.

 

Thực tế là gần 4 năm nay, nhiều khu đất của Minh Châu như sa mạc. Đất được khai hoang nhưng chỉ để không “tắm nắng”. Mặt khác, bà con dân tộc vẫn giữ cách dựng nhà thấp như ở bản cũ, hồi ở trên núi rất mát, nhưng xuống khu tái định cư thì nóng không chịu nổi.

 

Vậy là người dân lục đục kéo nhau về bản cũ. Một số hộ bám trụ lại để chờ phụ cấp; hết phụ cấp lại kéo nhau lên núi.

 

Vì một dự án nước “khuyết tật”?

 

Mục đích của dự án là nhằm tạo cho đồng bào có một phương thức sản xuất mới: sản xuất trên chính đồng ruộng của mình, bỏ cảnh du canh du cư, đốt nương làm rẫy. Sự thành bại của dự án có nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu nước tưới.

 

Cuối năm 2004, dự án hồ thuỷ lợi Kẻm Ải ở bản Đôn, xã Tri Lễ do Bộ NN&PTNT đầu tư với kinh phí gần 14 tỷ đồng, hoàn thành, có tác động rất lớn đến Minh Châu. Theo dự án thì công trình thủy lợi trên sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới cho gần 120ha lúa nước khai hoang và giữ ẩm cho 50ha đất màu của Minh Châu.

 

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, công trình thủy lợi này đã không thể hoạt động vì nguồn nước không đủ. Và hậu quả là nước sản xuất không hề về với Minh Châu. Mùa vụ đã đến nhưng chờ mãi không thấy nước đâu, bà con quá bức xúc khi phải đứng nhìn đất đã khai hoang phơi nắng, cây dại mọc um tùm...

 

Theo tìm hiểu của Dân trí, hồ Kẻm Ải cách Minh Châu gần 7 cây số nên việc đưa nước về rất khó khăn. Trước đây, chủ đầu tư cũng đã xây dựng hệ thống ống dẫn nước nhưng hệ thống nhanh chóng bị hỏng sau một thời gian ngắn. Và khi 14 tỷ đồng của Bộ NN&PTNT không phát huy hiệu quả, người dân hiển nhiên không có nước sản xuất.

 

Có mặt tại 2 bản Huồi Xái, Tri Lễ, nhìn sự sống đang hiện diện trở lại nơi đây mà chạnh lòng cho một khu kinh tế mới hoang phế, lạnh lẽo với số vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng.

 

Thế mới biết, đâu phải cứ bỏ tiền tỷ là có thể giúp bà con dân tộc “yêu cái tái định cư”!

 

Nguyên Nghĩa - Huy Anh