1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Thắt” lại việc quản lý lỏng lẻo xe ngoại giao

(Dân trí) - Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ vừa góp ý xây dựng quyết định của Thủ tướng về việc khắc phục sự lỏng lẻo trong công tác quản lý xe ngoại giao. Thực tế tồn tại rất nhiều xe siêu sang của người dân mang biển ngoại giao.

“Thắt” lại việc quản lý lỏng lẻo xe ngoại giao - 1
Siêu xe Lamborghini Murcielago mang biển ngoại giao được cho là của một "đại gia" phố núi.
 
Dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định nhiều thủ tục liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành. Cục kiểm soát chỉ ra nhiều quy định cụ thể còn khó hiểu, khó thực hiện, chưa gắn được trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đồng thời chưa thiết lập, củng cố, tăng cường quan hệ phối hợp quản lý của các cơ quan liên quan tạo thuận lợi tối đa cho đối tượng sử dụng xe ngoại giao vừa đáp ứng yêu cầu gắn kết trong công tác quản lý hành chính nhà nước.

Hầu hết các quy định về thủ tục được giao cho Bộ, ngành chức năng hướng dẫn thực hiện, kể cả việc quy định về hồ sơ, trình tự giải quyết, dẫn đến giá trị hiệu lực của quyết định không cao.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, Cục Kiểm soát kiến nghị xây dựng cơ chế trao đổi thông tin theo quy trình khép kín để khắc phục những nhược điểm đang tồn tại trong công tác quản lý các phương tiện của các tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao đã diễn ra trong thời gian qua.

Quyết định hướng tới việc đánh giá tác động nhằm tăng trách nhiệm giải trình của đơn vị sở hữu xe. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được cơ quan soạn thỏa khai thác, sử dụng.

Đối với xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu theo chính sách ưu đãi, miễn trừ ngoại giao được lưu thông, cần trải qua 4 thủ tục: cấp sổ mua xe (thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao), tạm nhập khẩu (thuộc Cục Hải quan - Bộ Tài chính), đăng kiểm (Bộ GTVT), cấp giấy phép đăng ký lưu hành xe, biển kiểm soát (thuộc Cục CSGT - Bộ Công an). Để đảm bảo chặt chẽ trong công tác phối hợp quản lý, giải quyết xe khi người sử dụng hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Cục kiểm soát thủ tục cho rằng Quyết định cần xây dựng thủ tục theo cơ chế liên hoàn chặt chẽ. Đơn vị này cũng kiến nghị bổ sung quy định thời hạn, trình tự, kết quả giải quyết đầu ra của cơ quan này là cơ sở đầu vào để giải quyết của cơ quan khác.

Thủ tục tái xuất xe ngoại giao được chỉ rõ hạn chế gây khó cho công tác thực thi, quản lý đồng thời cũng gây khó khăn cho việc chấp hành của người sử dụng. Cục kiểm soát thủ tục kiến nghị cần quy định rõ thời hạn, thẩm quyền của cơ quan giải quyết thủ tục này.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc quy định về điều kiện tiêu hủy xe ngoại giao có vi phạm và bị hỏng, không còn giá trị sử dụng. Theo đó, trường hợp xe còn giá trị sử dụng mà tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đã, miễn từ ngoại giao không còn nhu cầu sử dụng hoặc tái xuất khẩu, nên tịch thu, bán đấu giá, sung công quỹ.

Việc chuyển nhượng với xe ngoại giao, Cục kiểm tra thủ tục lo ngại, thực tế đang xảy ra hiện tượng chuyển nhượng trong nội bộ các cơ quan đại diện ngoại giao, chuyển nhượng ra bên ngoài cho các tổ chức, cá nhân khác. Để phù hợp thực tế, đảm bảo tính khả thi, nâng cao hiệu quả quản lý, cơ quan thẩm tra đề nghị tách rõ các trường hợp chuyển nhượng để giải quyết.

Trường hợp chuyển nhượng nội bộ không nhất thiết phải làm thủ tục thanh khoản hồ sơ tạm nhập khẩu, không nhất thiết đổi biển số xe, chỉ thay đổi chứng nhận đăng ký xe. Trường hợp chuyển nhượng ra bên ngoài, trước hết phải thanh khoản hồ sơ tạm nhập khẩu, truy nộp thuế nhập khẩu cho Hải quan sau đó Công an mới làm thủ tục đổi biển số xe, cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký như các trường hợp thông thường khác.

Vấn đề chủng loại, định lượng đối với xe ngoại giao được tạm nhập khẩu miễn thuế, Cục kiểm tra thủ tục đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương quy định cụ thể làm căn cứ đối chứng, giải quyết.

P.Thảo